Tác động từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc:
Có nên kỳ vọng dịch chuyển FDI?
Mặc dù Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận “đình chiến” trong 90 ngày, song giới phân tích cho rằng sẽ rất khó đoán định tương lai. Trên thực tế, cuộc chiến này đã tác động ít nhiều tới kinh tế Việt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam sẽ hưởng lợi nhờ xu hướng dịch chuyển đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Trung Quốc, nhưng điều này có đáng kỳ vọng?
Việt Nam có thực sự hưởng lợi?
Ngay khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đang diễn ra, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, bên cạnh tác động tiêu cực như hàng hóa Trung Quốc gặp khó khăn khi xuất khẩu sang Mỹ sẽ tràn vào Việt Nam, gây sức ép lên các doanh nghiệp sản xuất trong nước, thì Việt Nam cũng được hưởng lợi. Đó là cơ hội xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ sẽ lớn hơn. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển dòng vốn FDI từ Trung Quốc.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ (AmCham) tại Việt Nam Michael Kelly bình luận, “căng thẳng trong thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã làm nổi bật rủi ro của các cơ sở sản xuất tập trung ở một số quốc gia đơn lẻ và đang kích hoạt việc tái tổ chức chuỗi cung ứng”.
Minh chứng cho điều này, ông Kelly dẫn cuộc khảo sát do AmCham khảo sát các doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc cho thấy, 1/3 đã di dời hoặc đang cân nhắc di chuyển một số cơ sở sản xuất của họ ra nước ngoài trong bối cảnh căng thẳng thương mại. Một cuộc khảo sát riêng biệt với các công ty nước ngoài từ những quốc gia khác cũng cho thấy, một nửa đang cân nhắc việc di dời và Đông Nam Á là lựa chọn hàng đầu của họ.
Mặc dù thừa nhận “Trung Quốc vẫn sẽ là một thành viên quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, song đại diện AmCham nhấn mạnh, “việc các công ty và nhà cung cấp di chuyển một số hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc và Việt Nam đang có được lợi ích từ một số doanh nghiệp đó. Vấn đề là làm thế nào để Việt Nam có thể tận dụng được triệt để cơ hội này, tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế”.
Tuy nhiên, Trưởng ban Kinh tế Thế giới, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia (NCIF) Trần Toàn Thắng tỏ ra thận trọng. Theo ông, “dòng chảy FDI từ Trung Quốc không rõ ràng”. Thực tế, đầu tư vào Trung Quốc không đơn thuần là lao động giá rẻ mà đây còn là thị trường lớn với hơn 1 tỷ dân, tức vẫn mang lại lợi ích lớn cho các nhà đầu tư nên họ sẽ không dễ từ bỏ.
Thêm nữa, bản thân Trung Quốc nằm trong chuỗi giá trị toàn cầu. Nếu rời thị trường này sẽ đụng tới chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến các đầu mối khác, tựu trung sẽ làm tăng chi phí sản xuất. Đây sẽ là lực cản dịch chuyển FDI từ Trung Quốc sang các nước khác.
Để minh chứng cho điều này, ông Thắng lấy ví dụ từ một số doanh nghiệp như đồ gỗ, gạch ốp lát của Trung Quốc. Nếu họ lựa chọn rời Trung Quốc để tránh thuế 10 - 15%, chuyển sang Việt Nam có thể làm tăng chi phí sản xuất lên 25 - 30%. Kết quả, họ đã chọn ở lại Trung Quốc vì chi phí vẫn thấp hơn. “Không phải cứ lao động giá rẻ là nhà đầu tư đổ xô vào.
Lợi thế của Việt Nam vẫn chưa thực sự vượt trội để thu hút FDI. Do vậy, việc dịch chuyển FDI từ Trung Quốc sang Việt Nam do tác động của chiến tranh thương mại sẽ không nhiều”, Trưởng ban Kinh tế Thế giới NCIF nêu ý kiến.
Mặc dù vậy, khi nhìn nhận về triển vọng dòng vốn FDI vào Việt Nam thời gian tới, ông cho rằng xu hướng này sẽ tăng, do tác động của việc Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sắp có hiệu lực và sau đó dự kiến là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Cần nghiên cứu các ngành dẫn dắt FDI
Hiện Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận “đình chiến” trong vòng 90 ngày. Tuy nhiên, theo giới phân tích, sẽ rất khó đoán định tương lai. Do vậy, có ý kiến cho rằng, Việt Nam không nên đặt vấn đề hưởng lợi gì, bị tác động tiêu cực ra sao, bởi tất cả đều phụ thuộc vào khả năng ứng phó.
Thay vào đó, cần bình tĩnh nhìn nhận thấu đáo tác động của cuộc chiến thương mại này để có biện pháp xử lý linh hoạt. Trong đó, yêu cầu trước tiên là tiếp tục cải cách thể chế cũng như môi trường đầu tư kinh doanh, giảm bớt thủ tục cho doanh nghiệp.
Cho rằng “những thay đổi thường xuyên và hồi tố của các đạo luật và quy định, bao gồm thuế suất và chính sách là những rủi ro đáng kể đối với nhà đầu tư nước ngoài”, Chủ tịch AmCham tại Việt Nam Michael Kelly khuyến nghị, “các thủ tục hành chính ràng buộc phi hiệu quả phải được kiểm soát. Đồng thời khung pháp lý thuế phải ổn định và có thể dự đoán”.
Bởi theo ông, các nhà đầu tư nước ngoài “cần một sân chơi bình đẳng, không chỉ để thu hút vốn đầu tư nhiều hơn trong tương lai mà còn để duy trì vốn đầu tư đã có tại đây”.
Giám đốc NCIF Lương Văn Khôi bổ sung, chính sách không thể nói chung chung là nâng cao năng suất, đổi mới sáng tạo mà cần nghiên cứu xem những ngành nào có thể dẫn dắt được doanh nghiệp FDI, từ đó có chính sách phù hợp tạo đà cho doanh nghiệp trong ngành đó phát triển, duy trì tăng trưởng dài hạn trong tương lai. “Chúng tôi đang nghiên cứu vấn đề này”, ông Khôi cho biết.
Dùng từ “cọ xát thương mại” thay vì “chiến tranh thương mại” giữa Mỹ - Trung Quốc, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhìn nhận, cuộc cọ xát này có lúc lên, lúc xuống và trong tương lai, thế giới sẽ phải đối mặt với hiện tượng cạnh tranh này ở những dạng thức khác nhau. Do đó, Việt Nam cần thích ứng thông qua nâng cao năng lực nội tại, bên cạnh tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài.Đồng thời, tiếp tục cùng cộng đồng quốc tế phấn đấu cho thế giới mà tự do hóa thương mại vẫn là chiều hướng chủ yếu.
Ông Vũ Khoan nhấn mạnh, trong sự cọ xát này, vấn đề không phải Việt Nam nghiêng về bên nào, mà Việt Nam sẽ chọn lợi ích nào. “Chúng ta nên chọn đứng về lợi ích là hòa bình và hợp tác. Đã đa phương hóa thì càng phải đa phương hóa; đã đa dạng hóa thì càng phải đa dạng hóa hơn nữa”.