Năm 2020: Nâng bậc tín nhiệm quốc gia tối thiểu ở mức BBB

Theo Kinh tế và Dự báo

Đó là mức khởi điểm đầu tư theo xếp hạng tín nhiệm của S&P hoặc Fitch, hoặc mức Baa3 đối với xếp hạng tín nhiệm của Moody’s. Đây cũng sẽ là mức tối thiểu mà Việt Nam phải đạt được năm 2020 theo Đề án nâng cao xếp hạng tín nhiệm quốc gia vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Năm 2020: Nâng bậc tín nhiệm quốc gia tối thiểu ở mức BBB
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Để đạt được mức tối thiểu trên, Đề án đã đưa ra các chỉ tiêu cụ thể sau: Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 7 - 8%/năm trong giai đoạn 2011-2020; đến năm 2020 GDP theo giá so sánh bằng khoảng 2,2 lần so với năm 2010; GDP bình quân đầu người theo giá thực tế đạt khoảng 3.000 USD.

Tỷ trọng đầu tư toàn xã hội duy trì trong khoảng từ 33-35% GDP, đồng thời nâng cao hiệu quả đầu tư công, phấn đấu đưa chỉ số ICOR về mức trung bình so với các nước có cùng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia.

Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 11-12%/năm trong giai đoạn 2011-2020, trong đó giai đoạn 2011-2015 tăng trưởng bình quân 12%/năm; giai đoạn 2016-2020 tăng trưởng bình quân 11%/năm. Giảm dần thâm hụt thương mại, kiểm soát nhập siêu ở mức dưới 10% kim ngạch xuất khẩu vào năm 2015 và tiến tới cân bằng cán cân thương mại vào năm 2020.

Chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 5%-7% vào năm 2015 và được tiếp tục duy trì ở mức hợp lý trong giai đoạn 2016-2020.

Bên cạnh đó, phấn đấu giảm thâm hụt cán cân vãng lai, ổn định cân bằng cán cân thanh toán quốc tế và tiến tới thặng dư; tăng mức dự trữ ngoại hối nhà nước đạt ít nhất 12 tuần nhập khẩu, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và đạt mức mức trung bình so với các nước có cùng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia.

Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước giảm xuống dưới 4,5% GDP vào năm 2015 và khoảng 4% GDP trong giai đoạn 2016-2020.

Ngoài ra, nợ công đến năm 2020 không quá 65% GDP, trong đó dư nợ Chính phủ không quá 55% GDP; nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP.

Một trong những giải pháp chủ yếu để thực hiện mục tiêu trên, Đề án nhấn mạnh phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, thực hiện cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với các mặt hàng nhà nước định giá, kiểm soát giá; tăng cường kiểm tra, kiểm soát các yếu tố hình thành giá đối với hàng hoá, dịch vụ độc quyền, sản phẩm công ích. Tôn trọng quyền tự định giá, thoả thuận giá, cạnh tranh về giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh theo đúng pháp luật. Công khai, minh bạch giá các hàng hóa, dịch vụ, đi đôi với các giải pháp hỗ trợ hợp lý cho sản xuất gặp khó khăn và thực hiện chính sách an sinh xã hội trong từng giai đoạn.