TP. Đà Nẵng:

Năm 2025, tỷ trọng công nghiệp hỗ trợ trong cơ cấu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 30%

Theo Thảo Anh/daibieunhandan.vn

UBND TP. Đà Nẵng vừa có Quyết định 1927/QĐ-UBND Phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2022 – 2025 và giao trách nhiệm cụ thể cho các sở, ngành đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ đáp ứng nhu cầu nội địa hóa của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Mục tiêu của Chương trình nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ đáp ứng nhu cầu nội địa hóa ở các lĩnh vực khác nhau của ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Trong đó, tập trung phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp ưu tiên, gồm: công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử - công nghệ thông tin, viễn thông, cơ khí chế tạo máy móc thiết bị, công nghiệp ô tô... Từ đó, góp phần giảm nhập siêu linh kiện, phụ tùng và thúc đẩy xuất; phát triển về quy mô và nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực cung ứng của các doanh nghiệp nội địa, đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu, từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Cụ thể là tỷ trọng công nghiệp hỗ trợ trong cơ cấu giá trị tăng thêm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đến năm 2025 chiếm khoảng 30% (năm 2020 là 23,5%). Trong đó, tỷ trọng công nghiệp hỗ trợ các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử - công nghệ thông tin - viễn thông chiếm trên 20% (năm 2020 là 12,5%).

Phấn đấu đến năm 2025, trên địa bàn Thành phố có trên 150 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (năm 2020 khoảng 100 doanh nghiệp), trong đó ít nhất 10% doanh nghiệp trong nước đủ năng lực cung ứng sản phẩm trực tiếp cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh. Đồng thời, hình thành và đưa vào hoạt động Khu công nghiệp hỗ trợ Khu công ngệ cao Đà Nẵng; hình thành các phân khu dành cho phát triển công nghệ hỗ trợ trong các khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố.

Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng công nghiệp hỗ trợ trong cơ cấu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 30%.
Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng công nghiệp hỗ trợ trong cơ cấu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 30%.

Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn TP. Đà Nẵng giai đoạn 2022 – 2025 đặt ra một số nội dung.

Thứ nhất, kết nối hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước; xúc tiến thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Nội dung này đặt ra mục tiêu là xúc tiến, hỗ trợ mở rộng thị trường trong và ngoài nước cho ngành công nghiệp hỗ trợ thành phố. Kết nối, giới thiệu doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Thành phố (dự kiến 2-3 doanh nghiệp/năm) tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh trong nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; kết nối trực tiếp cung cầu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ giữa các doanh nghiệp. Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ Thành phố.

Thứ hai, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất. Nội dung này đặt ra mục tiêu cụ thể là hỗ trợ tư vấn, đào tạo hệ thống quản trị doanh nghiệp và quản trị sản xuất phù hợp với yêu cầu của các chuỗi sản xuất trong nước, toàn cầu và áp dụng thành công tại doanh nghiệp được hỗ trợ (ưu tiên doanh nghiệp trong nước).

Thứ ba, hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, mục tiêu là hỗ trợ các doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường liên kết giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.

Thứ tư, hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, với mục tiêu thúc đẩy các dự án nghiên cứu phát triển công nghệ và sản xuất thử nghiệm trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng, hoàn thiện, đổi mới công nghệ, sản xuất thử nghiệm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ mới, tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại trong sản xuất công nghiệp hỗ trợ. Thúc đẩy hợp tác trong nước và quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Thứ năm, tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng sản xuất; hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ về hạ tầng và bảo vệ môi trường, với mục tiêu 100% doanh nghiệp trong các lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển trên địa bàn thành phố được tiếp cận và có mặt bằng đảm bảo cho hoạt động sản xuất. Hỗ trợ một phần chi phí để khuyến khích doanh nghiệp trong nước đầu tư các dự án sản xuất công nghiệp hỗ trợ thúc đẩy công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất.

Thứ sáu, xây dựng và vận hành trang thông tin điện tử, cơ sở dữ liệu về công nghiệp hỗ trợ, với mục tiêu cung cấp thông tin đến các tổ chức, doanh nghiệp nhà đầu tư nhằm tăng cường liên kết, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố.

Thứ bảy, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay vốn cho đầu tư phát triển sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển. Mục tiêu là nhằm hỗ trợ nguồn lực tài chính cho doanh nghiệp trong nước đầu tư phát triển sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ để đáp ứng nhu cầu vật tư, linh kiện, phụ tùng cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các công ty sản xuất lắp ráp trong nước.