Nâng cao chất lượng thẩm định tài chính dự án đầu tư tại Vietinbank Thái Nguyên


Ðể đánh giá hết hiệu quả cũng như tính khả thi của dự án, các ngân hàng thương mại nói chung, Ngân hàng TMCP Công thương – Chi nhánh Thái Nguyên (Vietinbank Thái Nguyên) phải trải qua các quy tình thẩm tra, xem xét dự án đầu tư có thực sự mang lại hiệu quả, lợi ích cho nền kinh tế và đảm bảo lợi nhuận ngân hàng. Bài viết phân tích những nội dung cơ bản trong việc

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Thẩm định dự án đầu tư và thẩm định tài chính

Thẩm định dự án đầu tư là việc tổ chức xem xét một cách khách quan có cơ sở khoa học và toàn diện trên các nội dung cơ bản ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp tới việc thực hiện dự án, tính hiệu quả và tính khả thi của dự án. Bất cứ dự án khả thi nào cũng được lập trên cơ sở nền tảng về khả năng tài chính của chính chủ đầu tư.

Vì thế, công tác thẩm định tài chính doanh nghiệp (DN) của chủ đầu tư là hết sức quan trọng. Trong công tác này, người phân tích chủ yếu sử dụng các chỉ số tài chính để phân tích. Đây là phương pháp hiệu quả để đánh giá toàn diện về tình hình tài chính của DN. Các chỉ số thường tập trung ở 4 nhóm cơ bản: Khả năng thanh khoản; Khả năng hoạt động; Khả năng cân đối vốn; Khả năng sinh lãi.

Thẩm định tài chính nhằm đánh giá khả năng sinh lời để đáp ứng các nghĩa vụ tài chính của dự án, thông qua việc tổng hợp các biến số tài chính kỹ thuật đã được tính toán trong phần thẩm định trước để đưa ra những số liệu đầu vào cho việc tính toán hiệu quả kinh tế xã hội.

Trong đó, tập trung chủ yếu ở các khâu như: Thẩm định nhu cầu tổng vốn đầu tư; Thẩm định các nguồn tài trợ cho dự án đầu tư; Xác định về chi phí, doanh thu và lợi nhuận hàng năm của dự án; Thẩm định các chỉ tiêu tài chính của dự án.

Thực trạng thẩm định dự án đầu tư Nhà máy sản xuất bao bì PPP

Để nhận diện về quy trình thẩm định dự án đầu tư tại Vietinbank Thái Nguyên, bài viết phân tích thực tế triển khai quy trình này thông qua hoạt động thẩm định dự án đầu tư Nhà máy sản xuất bao bì PP như sau:

Thông tin về khách hàng vay

- Công ty Cổ phần sản xuất phân bón Thái Nguyên, trụ sở đặt tại Khu công nghiệp Sông Công, TP. Sông Công (Thái Nguyên). Hoạt động kinh doanh chính là buôn bán tư liệu sản xuất, tư liệu tiêu dùng; sản xuất phân bón vi sinh, vi lượng; chế biến bao bì các loại. Vốn điều lệ của Công ty là 26 tỷ đồng; Được Chi nhánh cấp phê duyệt tín dụng theo quy định.

Nâng cao chất lượng thẩm định tài chính dự án đầu tư tại Vietinbank Thái Nguyên - Ảnh 1

- Dự án đầu tư/khoản vay: Đầu tư Nhà máy sản xuất bao bì PPP, với tổng mức đầu tư là 50.200.613.000 đồng; trong đó, vốn tự có 15.200.613.000 đồng, chiếm tỷ lệ 30% vốn đầu tư. Vốn vay dự kiến 35 tỷ đồng chiếm tỷ lệ 70% vốn đầu tư.

- Ngành nghề kinh doanh được phép hoạt đông của Công ty Cổ phần sản xuất phân bón Thái Nguyên: Buôn bán tư liệu sản xuất, tư liệu tiêu dùng; đại lý mua, đại lý bán, ký gửi hàng hoá; Sản xuất phân bón vi sinh, vi lượng; Chế biến thực phẩm, in bao bì, sản xuất mực in và keo dán các loại; Sản xuất và buôn bán vật tư nông nghiệp, bao bì các loại.

- Chiến lược kinh doanh của Công ty Cổ phần sản xuất phân bón Thái Nguyên là mở rộng hơn nữa mảng sản xuất kinh doanh bao bì trong nước và xuất khẩu, đồng thời phát triển kinh doanh phân bón theo mùa vụ, đảm bảo tỷ trọng kinh doanh bao bì chiếm từ 30-40% tổng doanh thu trong những năm tới.

- Khả năng cạnh tranh của Công ty Cổ phần sản xuất phân bón Thái Nguyên trên thị trường là tốt.

Phân tích tình hình tài chính của khách hàng

Năm 2017, tổng tài sản của Công ty Cổ phần sản xuất phân bón Thái Nguyên đạt 43.851 triệu đồng tăng 11.728 triệu đồng so với năm 2016 đạt tốc độ tăng 36,51%. Hàng tồn kho tăng mạnh đạt 28.793 triệu đồng với một số khoản lớn. So với năm 2016, các khoản phải thu của Công ty năm 2017 giảm, tuy nhiên các khoản phải thu khách hàng lại tăng. Các khoản phải thu khách hàng năm 2017 tăng  so với năm 2016.

Tài sản cố định tăng so với đầu năm 2016 là 617 triệu đồng, tốc độ tăng đạt 8% đã nâng tổng tài sản cố định năm 2017 của Công ty lên 8.112 triệu đồng. Tài sản cố định tăng chủ yếu là do đầu năm 2017, Công ty đã tiến hành mua thêm máy móc thiết bị cho dây truyền sản xuất bao bì.

Trong năm 2017, Công ty tăng thêm ở tất cả các khoản mục trong nợ phải trả, gồm: Nợ ngắn hạn là 28.557 triệu đồng, nợ dài hạn là 1.845 triệu đồng. Trong nợ ngắn hạn, vay ngắn hạn đạt 13.181 triệu đồng chiếm tỷ trọng 43,36%; nợ phải trả người bán chiếm tỷ trọng 24,8%.

Thực tế cho thấy, so với năm 2016, năm 2017, Công ty đã chiếm dụng vốn tốt hơn số vốn của người bán cũng như của Ngân hàng nhưng vẫn đảm bảo khả năng thanh toán; Năm 2017, Công ty mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng vẫn đảm bảo tự chủ về tài chính.

Qua nghiên cứu thấy, so với năm 2016 năm 2017 các chỉ tiêu tổng nợ phải trả/tổng tài sản cũng đã tăng 6,1%, nợ dài hạn/vốn chủ sở hữu giảm 34,31%, hệ số tài sản cố định/vốn chủ sở hữu giảm 9,71. Tỷ số nợ của Công ty trong 2 năm 2016, 2017 duy trì ở mức 65-70% là một tỷ lệ có thể chấp nhận được. Hệ số tự tài trợ vẫn được duy trì ở mức rất cao cho thấy khả năng chủ động về mặt tài chính của Công ty trong dài hạn là rất tốt.

Mặc dù, các chỉ tiêu lợi nhuận gộp/doanh thu thuần và lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh/doanh thu thuần giảm, tuy nhiên ROE, ROA đều tăng trưởng cao, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế năm 2016 tăng mạnh, Ebit/lãi vay tuy giảm nhưng vẫn ở mức trên 150% cho thấy hoạt động của Công ty thực sự hiệu quả.

Thông tin về dự án đầu tư

- Loại sản phẩm đầu ra là Bao bì PP, với công suất thiết kế 38 triệu bao/năm; Giá thành sản phẩm là 2.380 đồng/bao; Giá bán dự kiến là 2.950 đồng/bao, mức tăng giá bán hàng năm là 5%.

- Nhu cầu vốn đầu tư là 50.200.613.000 đồng, trong đó, vốn xây dựng cơ bản là 18.385.213.000 đồng; Vốn cơ sở hạ tầng 23.320.000.000 tỷ đồng; Vốn đầu tư máy móc thiết bị 8.495.400.000 đồng.

- Kế hoạch thu xếp vốn: Vốn tự có 15.200.613.000 đồng trích từ vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp; Vốn vay 35.000.000.000 đồng vay từ Vietinbank Thái Nguyên.

Kết quả thẩm định tài chính dự án

Về điều kiện:

- Lãi suất vay VND tại VietinBank Thái Nguyên là 11%/năm, lãi kỳ vọng của vốn tự có là 14%/năm (chi phí vốn bình quân gia quyền của tất cả các nguồn vốn của dự án là 11.9%/năm).

- Thời hạn vay là 6 năm trong đó đầu tư trong 1 năm, trả nợ trong vòng 5 năm.

- Công suất hoạt động năm đầu đạt 85% công suất thiết kế, năm thứ 2 đạt 90%, từ năm thứ 3 đến năm thứ 5 đạt 95%, từ năm thứ 6 đạt 100%.

Một số chỉ tiêu phản ánh kết quả phân tích dự án:

- Theo quan điểm ngân hàng TIP: NPV (TIP): 1.115 triệu đồng > 0; IRR (TIP): 13% > 12,9%.

- Theo quan điểm chủ đầu tư (EPV): NPV (EPV): 2.574 triệu đồng > 0; IRR (EPV): 20% > 15%.

Độ nhạy theo tốc độ tăng giá đầu vào: Khi các yếu tố khác không thay đổi, nếu giá đầu vào tăng cao 7% thì dự án không có hiệu quả. Nếu tốc độ tăng giá đầu ra thấp hơn 4% thì dự án không có hiệu quả. Trong trường hợp tốc độ tăng giá đầu ra tăng tương ứng với tốc độ tăng giá đầu vào thì dự án vẫn đảm bảo tính hiệu quả. Như vậy, qua các số liệu trên quan điểm ngân hàng là có thể chấp nhận được, dự án khả thi, có hiệu quả.

Giải pháp nâng cao chất lượng thẩm định dự án tại Vietinbank Thái Nguyên

Qua phân tích thực trạng trên, để nâng cao hiệu quả thẩm định dự án đầu tư trong thời gian tới, Vietinbank Thái Nguyên cần quan tâm đến một số nhóm giải pháp sau:

Thứ nhất, về cơ sở vật chất phục vụ công tác thẩm định: Mỗi cán bộ thẩm định cần được trang bị đầy đủ các phương tiện làm việc, máy móc, phần mềm tiện ích để cán bộ thẩm định có được một môi trường làm việc hiệu quả nhất.

Thứ hai, về quy trình thẩm định: Vietinbank Thái Nguyên cần nghiên cứu và phối hợp với Hội sở chính triển khai một số đề xuất về quy trình thẩm định sao cho có một quy trình hiệu quả và phù hợp với. Cụ thể, quy định rõ ràng, thống nhất về tiêu chí chấm điểm tín dụng và thẩm định dự án tại 2 phòng Quản lý rủi ro và Quan hệ khách hàng; Quy định về chi phí và thời gian cho các dự án có quy mô khác nhau như: Các dự án dưới 100 tỷ đồng, thời gian thẩm định 8 ngày, chi phí thẩm định 500 nghìn đồng/người, dự án từ 100 tỷ đến dưới 200 tỷ đồng thời gian thẩm định 8 ngày, chi phí thẩm định 550 nghìn đồng/người…

Thứ ba, về phương pháp thẩm định dự án:  Vietinbank Thái Nguyên cần có kế hoạch áp dụng phương pháp toán xác suất, phương pháp mô phỏng… cần bổ sung những khoản chi phí cho việc mua bán hay chuyển nhượng công nghệ mới; bồi dưỡng cán bộ sử dụng thành thạo công nghệ mới này là một điều thực sự cần thiết. Bên cạnh những phương pháp cũ đang được sử dụng gồm: thẩm định theo trình tự, phương pháp so sánh đối chiếu, phương pháp dự báo… cần đổi mới và bổ sung thường xuyên các phương pháp mới. Cụ thể như: Khi sử dụng phương pháp so sánh, bên cạnh việc sử dụng báo cáo tài chính trong 3 năm gần nhất, cán bộ thẩm định cần nghiên cứu sâu hơn vào quá trình hoạt động phát triển của DN từ khi thành lập tới nay. Đặc biệt, cán bộ thẩm định cần kết hợp với phương pháp xây dựng kịch bản để lường trước những tình huống xấu nhất có thể xảy ra, nhất là trong quá trình dự báo doanh thu và chi phí.

Ngoài ra, để có được hiệu quả cao nhất, cán bộ thẩm định cần kết hợp phương pháp phân tích độ nhạy với phương pháp dự báo, qua đó tìm ra những nhân tố có thể ảnh hưởng tới kết quả hoạt động của dự án trong tương lai. Đặc biệt, cần phân tích độ nhạy khi có nhiều thông số cùng biến đổi, vì nếu chỉ phân tích ảnh hưởng riêng rẽ của một nhân tố sẽ không đánh giá chính xác sự biến động của dự án trong tương lai do một dự án đầu tư luôn chịu sự tác động của nhiều yếu tố khác nhau, với mức độ và tầm ảnh hưởng cũng khác nhau. Cán bộ thẩm định cần đi sâu tìm hiểu về trạng thái thị trường, xu hướng biến động của nền kinh tế, từ đó dự báo được sự thay đổi của các yếu tố một cách khách quan, khoa học.

Thứ tư, về nội dung thẩm định:

- Đối với thẩm định tổng vốn đầu tư: Cán bộ thẩm định cần nghiên cứu tình hình thị trường, các định mức kinh tế - kỹ thuật trong các văn bản quản lý hiện hành của Nhà nước. Việc lập tất cả các danh mục chi phí cho thẩm định tổng vốn đầu tư nên triển khai theo kế hoạch dựng sẵn, tùy từng dự án cụ thể mới đề xuất điều chỉnh, bổ sung. Qua đó, giúp Ngân hàng tiết giảm chi phí trong quá trình thẩm định tài chính dự án đầu tư, giảm thiểu tối đa những thiếu sót trong quá trình thẩm định và tạo điều kiện cho các nhà quản lý kiểm tra, giám sát.

- Đối với việc thẩm định doanh thu, chi phí của dự án: Cán bộ thẩm định cần có sự nhận định về xu hướng biến động của các yếu tố giá cả trong quá khứ theo chiều hướng nào. Đồng thời, căn cứ vào diễn biến thị trường hiện tại và các yếu tố có ảnh hưởng để có được các con số dự báo chính xác hơn, nếu có sai lệch cũng nằm trong giới hạn cho phép và có khả năng chấp nhận.

- Đối với thẩm định dòng tiền của doanh nghiệp và dự án: Cán bộ thẩm định cần chú ý tới tỷ trọng của dòng tiền trong từng hoạt động trên tổng số. Có như vậy mới đánh giá đúng tính chất hoạt động của dự án.