Xác định chi phí liên quan và chi phí không liên quan trong thẩm định dự án kinh doanh
Phương pháp thẩm định dự án kinh doanh dựa vào chi phí liên quan là phương pháp được các nhà quản trị sử dụng nhiều trong việc đánh giá các dự án, đưa ra các quyết định quản trị. Việc xác định các chi phí liên quan cần dựa vào các yếu tố định tính nhất định xét trên góc độ tài chính.
Có nhiều phương pháp được sử dụng trong thẩm định dự án đầu tư, giúp nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN), lựa chọn phương án tối ưu cho mục đích của mình. Tuy nhiên, mỗi một phương pháp thẩm định có những ưu, nhược điểm nhất định, tại đó nhà đầu tư phải cân nhắc giữa những ưu, nhược điểm này sao cho phù hợp với mục đích đầu tư trong mỗi giai đoạn.
Phương pháp thẩm định dự án đầu tư kinh doanh dựa vào chi phí liên quan và chi phí không liên quan sẽ giúp DN cân nhắc giữa thu nhập và chi phí của DN trong từng dự án.
Chi phí liên quan trong thẩm định dự án kinh doanh
Chi phí liên quan được sử dụng trong việc đưa ra quyết định có thực hiện dự án đầu tư nữa hay không, hoặc trong việc quyết định chấp nhận hay từ chối một hợp đồng đặc biệt (như sản xuất sản phẩm đó hay không, hay thuê ngoài, thuê gia công…), hoặc quyết định đóng cửa hay tiếp tục hoạt động của một chi nhánh, cơ sở sản xuất, sản phẩm… đưa ra các quyết định trong sản xuất kinh doanh nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn lực.
Khi xác định từng khoản chi phí là chi phí liên quan, chúng ta cần xem xét các đặc tính của từng khoản chi phí đó. Một khoản chi phí được xác định là chi phí liên quan đến dự án kinh doanh khi có đầy đủ những đặc điểm sau: chi phí tăng lên khi quyết định đầu tư; chi phí phát sinh trong tương lai; chi phí bằng tiền.
Nếu một khoản chi phí không đảm bảo đủ các điều kiện trên thì không được xác định là chi phí liên quan. Ngoài ra, những khoản tổn thất khi quyết định lựa chọn phương án thay thế (chi phí cơ hội), với điều kiện những khoản tồn thất này có căn cứ để xác minh giá trị thì cũng được coi như là chi phí liên quan khi thực hiện dự án, nhưng nếu những khoản tổn thất này không có căn cứ để xác minh giá trị thì sẽ không được coi như chi phí liên quan khi thẩm định.
Các chi phí được xác định là chi phí liên quan sẽ được tập hợp làm căn cứ so sánh với chi phí của các phương án khác trước khi đưa ra quyết định lựa chọn.
Chi phí liên quan trong lựa chọn phương án sản xuất
Với các dự án sản xuất, trong trường hợp các DN xác định riêng các khoản định phí và biến phí trong quá trình sản xuất, khi đó, biến phí được coi là chi phí liên quan. Biến phí sẽ tăng lên khi quyết định đầu tư, phát sinh trong tương lai khi dự án được thực hiện và dòng tiền chi gia tăng khi dự án thực hiện.
Riêng đối với định phí, cần cân nhắc. Thông thường, định phí là những khoản chi phí luôn phát sinh cho dù dự án đó có thực hiện hay không, nó được coi là chi phí không liên quan khi thẩm định dự án.
Tuy nhiên, có một số dự án, định phí dạng bậc (ví dụ chi phí lương cho giám sát hoặc quản lý lao động), số lượng lao động tăng lên một mức nhất định thì dự án cần thêm giám sát, lúc này phần chi phí tăng lên do trả thêm lương cho giám sát bổ sung trở thành chi phí liên quan.
Trong các dự án sản xuất, có những khoản chi phí mang tính đặc trưng của quá trình sản xuất, đặc biệt là chi phí lao động và chi phí nguyên vật liệu. Các chi phí này phần lớn là biến phí.
Tuy nhiên, khi đánh giá chúng như một khoản chi phí liên quan trong thẩm định các dự án sản xuất, dự án đầu tư chúng ta cần lưu ý một số điểm. Có thể tóm lược các chi phí lao động được coi là chi phí liên quan trong lựa chọn phương án kinh doanh và tận dụng các nguồn lực sẵn có trong DN theo sơ đồ 1.
Sơ đồ trên đây không chỉ là sơ đồ xác định chi phí liên quan đối với chi phí nhân công mà cũng là hướng đánh giá sử dụng hiệu quả tiết kiệm nguồn lực lao động của DN trong từng trường hợp.
Sơ đồ cũng tổng hợp các phương án lựa chọn trong trường hợp dự án cần thêm lao động, DN đánh giá mức độ cần lao động làm thêm giờ hoặc điều động lao động hoặc thuê ngoài cho phù hợp và tiết kiệm nguồn lực cho DN.
Đối với chi phí nguyên vật liệu được xác định là chi phí liên quan khi đánh giá dự án kinh doanh, nhà quản trị cần cân nhắc trong từng trường hợp cụ thể (Sơ đồ 2).
Như vậy, với từng trường hợp và tính chất của nguyên vật liệu sử dụng cho dự án mà chúng ta xác định chi phí liên quan đối với chi phí nguyên vật liệu khác nhau.
Đối với trường hợp DN tận dụng nguyên vật liệu sẵn có và không được sử dụng cho sản xuất thông thường của DN thì chi phí liên quan được xác định là chi phí cơ hội cao nhất để dự án sử dụng nguyên vật liệu này. Nhà quản trị cần cân nhắc đánh giá phương án sử dụng nguyên vật liệu cho dự án một cách tiết kiệm và hợp lý với tình hình thực tế của DN.
Đối với chi phí liên quan tới dự án là chi phí về máy móc thiết bị. Chi phí sử dụng máy móc trong dự án được coi là chi phí liên quan sẽ phát sinh dòng tiền mất đi trong tương lai, hay chính là chi phí sử dụng tài sản.
Các chi phí đó là chi phí khấu hao tài sản cố định mà DN đang sở hữu nay được đưa vào sử dụng cho dự án, hay các chi phí sản xuất chung phân bổ theo định mức công suất hoạt động khi sử dụng vào dự án.
Chi phí không liên quan trong thẩm định dự án kinh doanh
Chi phí không liên quan tới dự án có thể tồn tại dưới dạng chi phí chìm, chi phí cam kết, chi phí giả định. Chi phí chìm là những chi phí đã xảy ra, không thay đổi cho dù dự án có thực hiện hay không, không liên quan đến quyết định quản trị.
Ví dụ, với những dự án khai khoáng, những khoản chi phí khảo sát thăm dò trước khi lập và thực hiện dự án luôn phát sinh cho dù dự án khai khoáng có được thực hiện hay không, đây được coi là khoản chi phí chìm, chi phí không liên quan khi đánh giá dự án đầu tư.
Chi phí cam kết là những chi phí đang và sẽ phát sinh trong tương lai, cho dù có quyết định thực hiện dự án hay không. Những chi phí này phát sinh từ những thỏa thuận trong quá khứ, kéo dài đến hiện tại và tương lai, không thay đổi cho dù quyết định thực hiện dự án hay không.
Chi phí giả định là những tổn thất từ những phương án mà nhà đầu tư không lựa chọn và giá trị tổn thất do nhà đầu tư tự đánh giá lợi ích kinh tế của phương án thay thế theo giá trị thị trường.
Ví dụ như với dự án đầu tư nhà xưởng sản xuất của DN, nhà quản trị giả định không sử dụng nhà xưởng để sản xuất mà sử dụng để cho thuê, khi đó, giá trị hợp đồng cho thuê nhà xưởng mà nhà quản trị giả định là chi phí không liên quan đến dự án đầu tư.
Vận dụng chi phí liên quan và chi phí không liên quan trong thẩm định dự án kinh doanh
Trong Báo cáo thẩm định dự án chỉ trình bày chi phí liên quan đến quyết định thực hiện dự án đó, không trình bày các chi phí không liên quan khi báo cáo. Chúng ta sẽ xem xét việc vận dụng chi phí liên quan trong thẩm định dự án kinh doanh trong các trường hợp cụ thể.
Công ty lựa chọn sản xuất sản phẩm hay thuê ngoài hoặc mua từ nhà cung cấp về bán. Với trường hợp này, nhà quản trị cần so sánh tác động trên phương diện tài chính trên cơ sở chọn phương án có chi phí rẻ hơn.
Trong trường hợp chi phí thuê ngoài, mua ngoài lớn hơn tổng chi phí liên quan và chi phí cơ hội trong trường hợp DN tự sản xuất thì DN nên chọn phương án tự sản xuất nếu xét trên góc độ tài chính. Nếu chi phí thuê ngoài, mua ngoài nhỏ hơn tổng chi phí liên quan và chi phí cơ hội khi DN tự sản xuất thì DN nên thuê ngoài hoặc mua ngoài.
Nếu trong trường hợp chi phí mua ngoài và chi phí tự sản xuất không chênh lệch hoặc chênh lệch không đáng kể thì DN cần cân nhắc do việc DN tự sản xuất có thể làm ảnh hưởng đến sức khoẻ, tinh thần của người lao động hoặc chất lượng của sản phẩm sản xuất, ảnh hưởng uy tín của DN, bên cạnh điểm lợi là tận dụng được các nguồn lực hiện có của DN khi thực hiện phương án này.
Trường hợp đánh giá chấp nhận hay không chấp nhận một hợp đồng đặc biệt, hợp đồng có thể là hợp đồng một lần hoặc hợp đồng ngắn hạn.
Trong trường hợp DN đang xem xét nhận thêm một dự án mới, nhà quản trị cần đánh giá và so sánh giá trị hợp đồng với tổng chi phí liên quan và chi phí cơ hội nếu DN thực hiện dự án đó. Nếu giá trị hợp đồng lớn hơn tổng chi phí liên quan và chi phí cơ hội khi DN thực hiện dự án thì DN nên thực hiện dự án đó. Trong trường hợp ngược lại, DN không nên thực hiện dự án này.
Khi giá trị hợp đồng so với tổng chi phí liên quan và chi phí cơ hội không chênh lệch hoặc không có sự chênh lệch đáng kể, nhà quản trị có thể xem xét thêm kết quả theo các phương pháp thẩm định dự án khác để có cái nhìn toàn diện về khả năng sinh lời của dự án kinh doanh.
Trường hợp đánh giá khả năng kinh doanh, khả năng sinh lời của một máy móc, một dòng sản phẩm đang sản xuất hay một bộ phận sản xuất để đưa ra quyết định nên tiếp tục sản xuất, tiếp tục hoạt động hay không, nhà quản trị cần đánh giá khả năng sinh lời của từng tài sản, sản phẩm sản xuất, bộ phận sản xuất đang xem xét.
Khi đó, nếu số dư đảm phí (trong trường hợp tiếp tục sản xuất) của tài sản, sản phẩm, bộ phận sản xuất nhỏ hơn tổng chi phí liên quan để sản sản xuất sản phẩm hoặc chi phí liên quan về máy móc thiết bị hay chi phí liên quan để bộ phận sản xuất trong từng trường hợp cụ thể, thì DN nên ngừng sản xuất sản phẩm, với máy móc thiết bị ngừng sử dụng tài sản, với bộ phận sản xuất thì nên đóng cửa.
Trong trường hợp ngược lại, DN vẫn có hướng khả quan tiếp tục sản xuất sản phẩm, sử dụng tài sản cho sản xuất, tiếp tục hoạt động bộ phận sản xuất theo góc độ tài chính.
Ngoài những yếu tố mang tính định lượng trong thẩm định dự án kinh doanh như trên, DN cũng cần xem xét các yếu tố định tính như ảnh hưởng của việc dừng sản xuất sản phẩm, kéo theo việc giảm lượng tiêu thụ về những sản phẩm liên quan, hay vấn đề gia tăng lao động thất nghiệp… Khi đó, DN cần nêu rõ những chi phí liên quan, loại trừ những chi phí không liên quan, bên cạnh đó cần xem xét cả những phương án thay thế hơn là việc đưa ra quyết định ngừng kinh doanh.
Dựa trên quan điểm của kế toán quản trị, phương pháp đánh giá dự án kinh doanh bằng chi phí liên quan giúp nhà đầu tư có thể đánh giá được những tổn thất và dòng tiền thực chi ra khi dự án được thực hiện. Từ đó, nhà đầu tư, nhà quản trị có thể đưa ra quyết định kinh doanh phù hợp với thực tế nguồn lực và tình hình kinh doanh của DN.
Tài liệu tham khảo:
1. BBP (2017), Management accounting paper, UK;
2. McGraw-Hill Ryerson Limited(2001), Relevant costs for decision making, Canada;
3. http://accounting-simplified.com/management/relevant-costing/;
4. https://www.accountingtools.com/articles/what-is-a-relevant-cost.html;
5. http://www.accaglobal.com/gb/en/student/costing.html.