Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của tỉnh Bình Dương


Những năm gần đây, với việc chủ động, sáng tạo thực hiện các khâu đột phá chiến lược, trong đó tập trung đổi mới toàn diện, căn bản về cải cách thủ tục hành chính, tỉnh Bình Dương đã đạt được những kết quả tích cực về môi trường kinh doanh, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn; Đồng thời, thúc đẩy hoạt động thu hút đầu tư ngày càng hiệu quả. Để tiếp tục cải thiện chỉ số PCI, nâng cao năng lực cạnh tranh, trong thời gian tới, tỉnh Bình Dương cần triển khai đồng bộ các giải pháp.

Lễ công bố trực tuyến Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2020
Lễ công bố trực tuyến Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2020

Theo Báo cáo PCI năm 2020 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố, trong danh sách 10 tỉnh đứng đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Bình Dương là địa phương có sự cải thiện về điểm số PCI mạnh nhất, với mức tăng 2,78 điểm và tăng 9 bậc so với kết quả năm 2019 (Hình 1 và Hình 2).

Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của tỉnh Bình Dương  - Ảnh 1
Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của tỉnh Bình Dương  - Ảnh 2

Đáng lưu ý là, Bình Dương tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng PCI 2020 ở khu vực Đông Nam Bộ, xếp trên TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Tây Ninh, Ninh Thuận, Bình Thuận và Bình Phước (Hình 3). Mức tăng 2,78 điểm của tỉnh Bình Dương là nhờ những đánh giá tích cực của doanh nghiệp về gia nhập thị trường (tăng 1,22 điểm) và công tác hỗ trợ doanh nghiệp (tăng 0,19 điểm) (Hình 4).

Đây là kết quả của việc tỉnh Bình Dương đã rà soát và hoàn thiện cơ chế một cửa liên thông đăng ký doanh nghiệp và giải quyết các thủ tục về đầu tư, thực hiện công khai minh bạch các cơ chế, chính sách, quy trình. Đồng thời, Bình Dương đã tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong thu hút, quản lý các dự án đầu tư, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết các vướng mắc để các dự án nhanh chóng hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của tỉnh Bình Dương  - Ảnh 3
Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của tỉnh Bình Dương  - Ảnh 4

Chỉ tính riêng năm 2020, các sở, ban, ngành tại Bình Dương đã tiếp nhận gần 168.000 hồ sơ thủ tục hành chính, tăng 39.440 hồ sơ, trong đó đã giải quyết đúng hạn gần 160.000 hồ sơ, đạt tỷ lệ 96,85%, góp phần giải quyết nhanh các nhu cầu của doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, Bình Dương thực hiện niêm yết công khai thủ tục hành chính rõràng, minh bạch và thực hiện tốt các thủ tục hành chính công mức độ 3 và 4. Trong năm 2020, tỷ lệ hồ sơ phát sinh trực tuyến chiếm 43,63%, tỷ lệ hồ sơ được nhận tại địa chỉ qua bưu chính đạt 7,63% và 24,45% tỷ lệ hồ sơ trả kết quả tại địa chỉ (Minh Duy, 2021).

Năm 2020, hơn 50% số hồ sơ mà người dân, doanh nghiệp không phải đến trực tiếp Trung tâm Hành chính công Tỉnh vẫn giải quyết được thủ tục hành chính. Trong đó, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử đạt tỷ lệ 99,4%, tăng 33,4% so với năm 2019. Nhờ đó, người dân và doanh nghiệp giảm được chi phí về thời gian và chi phí không chính thức khi thực hiện thủ tục hành chính. Ngoài ra, Tỉnh đã tích cực rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết với 86 thủ tục, trong đó cấp tỉnh giảm 71 thủ tục; cấp huyện giảm 13 thủ tục; cấp xã giảm 2 thủ tục so với năm 2019 (Minh Duy, 2021).

Bên cạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, tỉnh Bình Dương luôn xem cơ sở hạ tầng là điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong đó hạ tầng giao thông là ưu tiên hàng đầu để thu hút và hỗ trợ nhà đầu tư gắn bó lâu dài với địa phương. Tỉnh đã tập trung đầu tư các tuyến đường giao thông đối nội thông suốt, mang tính chất lan tỏa và kết nối với các tuyến đường đối ngoại nhằm liên kết các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là các tuyến đường huyết mạch nối liền các vùng nguyên liệu, vùng sản xuất với hệ thống các cảng biển để lưu thông hàng hóa. Bình Dương cũng là địa phương đầu tiên thực hiện đầu tư các tuyến đường vành đai đoạn qua Tỉnh và phối hợp với các địa phương trong vùng xây dựng hạ tầng đường, cầu nối giữa hai tỉnh để thông thương hàng hóa được thuận lợi.

Với phương châm “chăm sóc tốt một nhà đầu tư sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư mới”, định kỳ lãnh đạo tỉnh Bình Dương, lãnh đạo các sở, ngành luôn duy trì gặp gỡ và đối thoại với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp để lắng nghe ý kiến đề xuất, tâm tư nguyện vọng, nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc giúp doanh nghiệp hoạt động ổn định, hiệu quả. Chính những buổi gặp gỡ, trao đổi, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp đã minh chứng cho tinh thần cởi mở, thực hiện đến cùng những cam kết của Tỉnh đã đặt ra.

Bên cạnh những kết quả đạt được, năm 2020, một số chỉ số thành phần của PCI Bình Dương chứng kiến sự sụt giảm như: Tiếp cận đất đai, Tính minh bạch và Đào tạo lao động. Mặc dù vậy, với sự cải thiện chung của chỉ số PCI, Bình Dương vẫn đạt được những thành tựu đáng khích lệ.

Cụ thể, năm 2020, tổng sản phẩm xã hội (GRDP) của tỉnh tăng 6,19% so với năm 2019. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,02%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,3%, kim ngạch xuất khẩu tăng 8,5%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 133.568 tỷ đồng, tăng 11,6%, tổng vốn đầu tư FDI đạt gần 1,85 tỷ USD, vốn đầu tư trong nước đạt hơn 70.000 tỷ đồng. Thu hút FDI lũy kế đến năm 2020 đạt 35,8 tỷ USD với 3.960 dự án, xếp thứ ba cả nước, sau TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Kim ngạch xuất khẩu đạt 27,4 tỷ USD, xuất siêu 6 tỷ USD. Tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện là 61.400 tỷ đồng, tạo việc làm mới cho 45.300 lao động; thu nhập bình quân đầu người đạt 151 triệu đồng/năm.

Một số giải pháp cải thiện chỉ số CPI, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Để tiếp tục cải thiện chỉ số CPI, nâng cao năng lực cạnh tranh, trong thời gian tới, tỉnh Bình Dương cần thực hiện những giải pháp sau:

Thứ nhất, tập trung thực hiện tốt công tác lập quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021- 2030, quy hoạch xây dựng cấp huyện đảm bảo chất lượng, bài bản, khoa học và đồng bộ; Chủ động xây dựng phương án phát triển các khu công nghiệp Tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để tạo quỹ đất sạch đón làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư và công nghệ trên thế giới và trong khu vực; Đồng thời, tích hợp vào quy hoạch tỉnh tạo điều kiện thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đến sinh sống và làm việc trên địa bàn Tỉnh.

Thứ hai, tiếp tục huy động các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như: Cải tạo, mở rộng Quốc lộ 13, Dự án tạo cảnh quan chống ùn tắc giao thông tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn, ĐT.743, ĐT.746, ĐT.747B, tuyến Vành đai 3, Vành đai 4; Kiến nghị Trung ương khẩn trương thực hiện dự án đường sắt Dĩ An - Lộc Ninh đã có trong quy hoạch. Nghiên cứu khẩn trương triển khai các bước phát triển hệ thống giao thông vận tải đường thủy kết nối các khu công nghiệp phía Bắc của tỉnh với các trung tâm logicstic, các cảng ICD và cảng biển của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Thứ ba, xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, thân thiện và cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt; Giải quyết thủ tục hành chính nhanh, hiệu quả trên các lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư, đất đai, xây dựng, thuế, hải quan, giải quyết các thủ tục về tranh chấp, thi hành án và các thủ tục liên quan đến giải thể, phá sản.

Đặc biệt, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, đẩy mạnh tuyên truyền cải cách hành chính thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; Xây dựng đội ngũ cán bộ công chức thân thiện, trách nhiệm, tận tụy phục vụ người dân và doanh nghiệp một cách chuyên nghiệp, nhanh và hiệu quả nhất.

Thứ tư, tiếp tục tổ chức các hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, trong đó tập trung các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; chú trọng phát triển hệ thống nhà ở xã hội cho công nhân và chăm lo đời sống nhân dân trên tất cả các lĩnh vực về y tế, văn hóa, giáo dục, tạo môi trường sống đầy đủ, thuận tiện và lâu dài cho người dân yên tâm đến sinh sống và làm việc.

Thứ năm, đổi mới thu hút đầu tư với mục tiêu là tập trung thu hút các đối tác có tiềm lực mạnh, các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới. Tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư các ngành công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường. Trong đó, tỉnh tập trung thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã được quy hoạch. Bên cạnh các lĩnh vực thu hút đầu tư truyền thống, trong định hướng phát triển bền vững, Bình Dương đang tập trung vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đẩy mạnh thương mại - dịch vụ chất lượng cao, tạo bước đột phá trong giai đoạn mới.

Thứ sáu, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức quản trị cho chủ các doanh nghiệp hàng năm, tránh chồng chéo, đảm bảo sự hợp lý về nội dung và thời gian, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia; tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao; giúp cho doanh nghiệp tiết giảm chi phí tuyển dụng và chi phí đào tạo lại lao động và nâng cao sự hài lòng với người lao động. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động dạy nghề, thường xuyên trao đổi thông tin, nhu cầu lao động thực tế với các hiệp hội doanh nghiệp để kịp thời có phương hướng đào tạo sát với yêu cầu.

Tài liệu tham khảo:

1. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (2021), Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam năm 2020;

2. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (2016), Cẩm nang đối thoại doanh nghiệp và một số thực tiễn tốt ở Việt Nam, tháng 9/2016;

3. Minh Duy (2021), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020: Bình Dương thăng tiến ngoạn mục, http://baobinhduong.vn/chi-so-nang-luc-canh-tranh-cap-tinh-pci-nam-2020-binh-duong-thang-tien-ngoan-muc-a244625.html;

4. Tiểu My (2021), Nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu phát triển - Kỳ 1, http://baobinhduong.vn/nang-cao-nang-luc-canh-tranh-dap-ung-nhu-cau-phat-trien-ky-1-a245647.html.

(*) TS. Bùi Thị Hoàng Lan

Khoa Môi trường, biến đổi khí hậu và đô thị Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

(**) Bài đăng Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 7/2021.