Hòa giải thương mại: Cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh
Theo chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu được Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố hàng năm, hiệu quả giải quyết tranh chấp của Việt Nam còn thấp với các đặc điểm như thời gian dài, tốn kém chi phí của doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, hòa giải thương mại được xem là một giải pháp có lợi cho doanh nghiệp, cũng như cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh.
Khuyến khích hòa giải
Mặc dù Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách ngành tư pháp đến năm 2020 đã nhấn mạnh “khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài; tòa án hỗ trợ bằng quyết định công nhận việc giải quyết đó”, nhưng phải đến hơn 10 năm sau vấn đề này mới được hiện thực hóa bằng việc ban hành Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và Nghị định 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại.
Theo đó, Nghị định 22/2017 được xây dựng trên tinh thần thúc đẩy phương thức giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại. Phương thức này không chỉ giảm tải áp lực cho hệ thống tòa án mà còn rút ngắn thời gian giải quyết, chi phí thấp, đặc biệt “bảo tồn” quan hệ các bên sau tranh chấp.
Cùng với những ghi nhận trong quá trình lập pháp thì hòa giải thương mại dần dần đã được cộng đồng doanh nghiệp (DN) đón nhận. Theo khảo sát của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam về các phương án thay thế Tòa án mà DN thường sử dụng để giải quyết tranh chấp cho thấy, có đến 47% DN chọn hòa giải; 32% dùng quan hệ; 14% dùng áp lực của báo chí và 4% dùng các phương thức phi chính thức khác.
Việc các DN bắt đầu có sự ưu tiên lựa chọn trọng tài thương mại để giải quyết các tranh chấp cũng được thể hiện trong các Báo cáo Đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 và 2017.
Phó chánh Tòa Kinh tế, TAND TP Hà Nội Nguyễn Đình Tiến, hy vọng thời gian tới sẽ có những vụ hòa giải thành đầu tiên theo Nghị định 22/2017 mang đến Tòa án xin công nhận để thực hiện đúng quy định tại Chương 33 Luật Tố tụng dân sự 2015.
Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp Nguyễn Thị Mai cho rằng, Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP của Chính phủ: Về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo... đều có những quy định trực tiếp hoặc gián tiếp đề cập đến việc khuyến khích hỗ trợ giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại, qua đó hoàn thiện, cải thiện chỉ số môi trường cạnh tranh, đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Có thể thấy, đây là thông điệp quyết liệt của Chính phủ trong vấn đề khuyến khích giải quyết bằng con đường ngoài tòa án. Tuy nhiên, bản chất hòa giải thương mại là một loại hình dịch vụ pháp lý, nên phụ thuộc rất nhiều nhận thức pháp lý của cộng đồng DN. Cũng như chất lượng dịch vụ.
Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam Trần Hữu Huỳnh nêu thực tế, Báo cáo PCI 2016 về các phương thức thay thế được DN lựa chọn cho phương thức Tòa án truyền thống cho thấy có 4% DN vẫn đang lựa chọn sử dụng “Các phương thức phi chính thức khác” - tức là một phần DN dùng tới “xã hội đen” khi giải quyết các tranh chấp. Đây là điều đáng quan tâm.
Trên thực tế những quy định tại Nghị định 22/2017 không thể đi vào cuộc sống, nếu chỉ dừng lại ở nỗ lực của các bộ, ngành liên quan hay các trung tâm trọng tài trong việc thu hút đội ngũ trọng tài viên có uy tín.
Chính vì thế, cần phổ biến nhiều hơn nữa pháp luật về hòa giải thương mại đến cộng đồng DN, để DN biết và sử dụng quyền lựa chọn giải quyết tranh chấp của mình trước khi nhờ đến cơ quan Tòa án.
Khi cộng đồng DN biết nhiều đến phương thức giải quyết này; đồng thời sử dụng hữu hiệu nó thì cũng đồng nghĩa với việc giảm được thời gian giải quyết các tranh chấp, nâng cao chỉ số áp dụng hiệu quả các quy định về pháp luật giải quyết tranh chấp. Từ đó, góp phần cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia.