Nâng cao hiệu quả quản lý rủi ro trong quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu


Hoạt động xuất nhập khẩu hàng năm đóng góp số thu lớn cho ngân sách nhà nước, mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế đất nước. Hoạt động quản lý xuất nhập khẩu của các bộ, ngành đã đóng góp quan trọng vào thành công đó. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác quản lý chuyên ngành của các bộ, ngành vẫn còn nhiều bất cập, chưa áp dụng hiệu quả các phương pháp quản lý hiện đại tiên tiến như quản lý rủi ro trong quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Việc xây dựng các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý rủi ro trong quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu là yêu cầu bức thiết hiện nay.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Một số lý luận về quản lý rủi ro trong quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu

Quản lý rủi ro trong quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu

Hải quan Việt Nam (HQVN) đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tạo thuận lợi thương mại hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK), đồng thời kiểm soát việc tuân thủ pháp luật (TTPL) trong chuỗi cung ứng thương mại quốc tế. Trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, thương mại và du lịch tăng trưởng nhanh chóng đã tạo ra những thay đổi căn bản mang tính chiến lược trong môi trường hoạt động của Hải quan. Điều này đặt ra những yêu cầu cho việc điều chỉnh cách thức và phương pháp quản lý, thực thi nhiệm vụ của cơ quan hải quan (CQHQ).

Điều 17, Luật Hải quan năm 2014 đã nêu rõ: “Quản lý rủi ro (QLRR) là việc CQHQ áp dụng hệ thống các biện pháp, quy trình nghiệp vụ nhằm xác định, đánh giá và phân loại mức độ rủi ro, làm cơ sở bố trí, sắp xếp nguồn lực hợp lý để kiểm tra, giám sát và hỗ trợ các nghiệp vụ hải quan khác có hiệu quả”. Trong đó, cụ thể quy định: “QLRR trong hoạt động nghiệp vụ hải quan bao gồm việc thu thập, xử lý thông tin hải quan; xây dựng tiêu chí và tổ chức đánh giá việc TTPL của người khai hải quan, phân loại mức độ rủi ro; tổ chức thực hiện các biện pháp quản lý hải quan phù hợp”. Như vậy, về cơ bản HQVN đã tiếp thu các kiến thức QLRR của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) vào công tác quản lý hải quan ở các góc độ sau:

Thứ nhất, HQVN đã thừa nhận việc áp dụng QLRR có tính hệ thống, có sự phối hợp chặt chẽ của các lực lượng; Dùng các biện pháp, kỹ thuật nghiệp vụ để thu thập thông tin, xác định và xử lý các giao dịch có rủi ro cao, hướng đến tuân thủ pháp luật.

Thứ hai, QLRR đã được áp dụng rộng rãi vào các lĩnh vực nghiệp vụ hải quan như: kiểm tra, giám sát hải quan, kiểm tra sau thông quan (KT, GSHQ, KTSTQ) và các biện pháp nghiệp vụ khác.
Thứ ba, công tác QLRR có vai trò xác định và đánh giá phân loại mức độ rủi ro; cung cấp thông tin, cảnh báo rủi ro; đồng thời, xây dựng hệ thống thông tin QLRR hiện đại làm cơ sở cho việc ra quyết định áp dụng các biện pháp KT, GSHQ, KTSTQ và các biện pháp nghiệp vụ khác vào trong quản lý của mình.

Thứ tư, việc áp dụng QLRR nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả QLHQ, tạo thuận lợi thương mại đồng thời đảm bảo kiểm soát việc TTPL.

Quản lý rủi ro trong quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu

Ngoài những nội dung tương tự khi áp dụng QLRR đối với hàng hóa XK, NK nói chung, khi áp dụng QLRR đối với hàng hóa XNK thuộc diện chính sách quản lý chuyên ngành (QLCN) nói riêng có các tính chất đặc trưng riêng như: (1) Thu thập thông tin, thiết lập danh mục hàng hóa ban hành theo các chính sách QLCN và thông tin hoạt động XNK; (2) Nhận diện rủi ro, đánh giá, phân loại mức độ rủi ro của hàng hóa theo chính sách và thực tế hoạt động XNK; (3) Áp dụng các chế độ KTCN; KT, GSHQ; (4) Quản lý, đánh giá sự TTPL trong QLCN đối với hàng hóa XNK; (5) Xác lập, quản lý danh sách doanh nghiệp (DN) trọng điểm, rủi ro cao trong QLCN; (6) Xây dựng, quản lý, thực hiện các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ để KSRR trong QLCN đối với hàng hóa XNK.

Vai trò QLRR trong QLCN đối với hàng hóa XNK: Việc áp dụng QLRR trong QLCN có vai trò tối quan trọng, cụ thể: (1) QLRR cung cấp cho cơ quan QLCN, cơ quan Hải quan một phương pháp quản lý khoa học, logic và tính hệ thống; (2) Kỹ thuật QLRR là một bộ phận và cũng là điều kiện cho việc triển khai thực hiện chương trình phát triển, hiện đại hoá trong QLCN, QLHQ; là nền tảng cơ sở cho việc triển khai ứng dụng Hệ thống một cửa quốc gia sâu rộng, tự động hoá cao; (3) Phương pháp QLRR làm giảm thiểu các TTHC, giảm bớt vai trò can thiệp của cơ quan QLCN khi thực hiện thủ tục QLCN, KTCN của mình cũng như TTHQ của cơ quan Hải quan; (4) QLRR tạo môi trường minh bạch trên nền tảng TTPL, giúp cho DN có điều kiện nâng cao khả năng cạnh tranh, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Quy trình áp dụng QLRR trong QLCN đối với hàng hóa XNK: Việc áp dụng một quy trình QLRR có tính hệ thống, liên tục và thống nhất sẽ giúp cho cơ quan QLCN, CQHQ tiếp cận và thực hiện một phương pháp luận chuẩn mực về QLRR. Quy trình QLRR chính là một phương pháp luận có tính vòng tròn lặp lại, trong đó có các công việc được định danh cụ thể, hỗ trợ cho việc đưa ra các quyết định nghiệp vụ thông qua phân tích bản chất rủi ro, xem xét các tác động có thể có của rủi ro để đưa ra các quyết định hài hòa với nguồn lực hiện có và thứ tự ưu tiên các biện pháp xử lý rủi ro cao.

Các biện pháp kỹ thuật QLRR trong quản lý hải quan và QLCN đối với hàng hóa XNK: Trong quá trình tổ chức thực hiện áp dụng các biện pháp kỹ thuật QLRR vào hoạt động QLRR của ngành Hải quan từ năm 2006 đến nay, trên cơ sở vừa học hỏi kinh nghiệm Hải quan các nước tiên tiến như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, Anh và Trung Quốc, WCO chuyển giao đào tạo và cùng với việc tự nghiên cứu, xây dựng, vận hành các biện pháp kỹ thuật QLRR của riêng mình, HQVN đã xây dựng và tham mưu cho Bộ Tài chính ban hành 12 nhóm biện pháp, kỹ thuật QLRR được quy định tại Điều 5 Thông tư số 81/2019/TT-BTC ngày 15/11/2019 của Bộ Tài chính, cụ thể:

- 05 nhóm biện pháp, kỹ thuật QLRR chính: (1) Thu thập, xử lý thông tin QLRR; (2) Quản lý, xây dựng, cập nhật, áp dụng tiêu chí để đánh giá TTPL, tiêu chí phân loại mức độ rủi ro đối với người khai hải quan và tiêu chí phân loại mức độ rủi ro trong hoạt động XK, NK, XC, NC, quá cảnh; (3) Phân tích, đánh giá rủi ro; (4) Quản lý, đánh giá TTPL, phân loại mức độ rủi ro đối với người khai hải quan; (5) Kiểm tra, đánh giá việc thực hiện, áp dụng QLRR, QLTT pháp luật trong hoạt động nghiệp vụ hải quan.

- 07 nhóm biện pháp, kỹ thuật QLRR phụ hỗ trợ: (1) Xây dựng, quản lý danh mục hàng hóa rủi ro; (2) Xây dựng, quản lý hồ sơ rủi ro; (3) Xác lập hồ sơ, quản lý DN trọng điểm; (4) Đo lường TTPL hải quan trong các hoạt động XK, NK, quá cảnh; (5) Quản lý Kế hoạch KSRR; (6) Chuyên đề KSRR; (7) Phân tích sau khi phát hiện, xử lý vụ việc buôn lậu, trốn thuế, gian lận thương mại điển hình để dự báo xu hướng và cảnh báo rủi ro (PSA).

Thực trạng áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu

Quản lý rủi ro trong hoạt động quản lý chuyên ngành của các bộ, ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu

Qua phân tích ở 3 nhóm vấn đề thực trạng QLCN đối với hàng hóa XNK, kết quả áp dụng QLRR trong QLCN và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN cho thấy nổi bật lên 28 ưu điểm, thành công đã đạt được.

Tính đến tháng 5/2022 các bộ, ngành đã ban hành 351 văn bản từ luật, nghị định, quyết định và thông tư liên quan QLCN, KTCN đối với hàng hóa XNK. Số lượng văn bản như vậy tạo nên hệ thống văn bản pháp luật về QLCN, KTCN là khá đầy đủ, khoa học và mang tính cải cách, bao phủ hầu hết các mảng công việc chuyên môn cần quản lý của các bộ, ngành. Các văn bản có danh mục đã được áp mã HS theo quy định; Đã chú trọng ban hành danh mục hàng hóa mang tính cải cách, từ tiền kiểm sang hậu kiểm…

Mặc dù, đã có quy định về áp dụng QLRR trong KTCN như quy định về miễn kiểm tra, kiểm tra giảm..., tuy nhiên, về mặt cơ sở pháp lý quy định về áp dụng QLRR trong QLCN đối với hàng hóa XNK vẫn còn đến nhiều vấn đề tồn tại, bất cập như:

+ Tại Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007 và Luật An toàn thực phẩm năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa có nội dung nào quy định đầy đủ về áp dụng QLRR trong QLCN đối với hàng hóa XNK như: quy định về khái niệm rủi ro, QLRR trong QLCN, nội dung áp dụng QLRR trong QLCN, phân công trách nhiệm thực hiện áp dụng QLRR trong QLCN… dẫn đến việc triển khai trên thực tiễn của các Bộ ngành chưa đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả.

+ Chưa có quy định thống nhất giữa văn bản các cấp từ Luật, Nghị định, Thông tư về nội dung áp dụng QLRR;

+ Chưa có quy định áp dụng QLRR dựa trên đánh giá tuân thủ DN: Nội dung áp dụng QLRR không chỉ thể hiện trong việc phân loại mức độ rủi ro của hàng hóa mà còn thể hiện việc đánh giá mức độ tuân thủ đối với các giao dịch.

+ Quy định KTCN, QLCN hiện nay được áp dụng đối với từng lô hàng của từng nhà NK. Quy định kiểm tra chất lượng từng lô hàng dẫn đến tỷ lệ kiểm tra cao gây lãng phí, tốn kém chi phí cho DN.

Khi áp dụng QLRR thời gian qua, các cơ quan QLCN thuộc các bộ, ngành chưa làm và hiểu về QLRR thực sự đầy đủ, thực chất nên chưa mang lại hiệu quả; chưa đáp ứng yêu cầu của thương mại quốc tế là tạo thuận lợi thương mại nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu kiểm soát, chưa thực sự là áp dụng QLRR. Tồn tại này thể hiện ở các nội dung sau:

+ Hoạt động thu thập thông tin phục vụ công tác đánh giá rủi ro trong QLCN chưa được quan tâm, dẫn tới chưa có các biện pháp để chủ động quản lý, kiểm soát đối với nhiều hạn chế, vướng mắc phát sinh khi thực hiện chính sách hoặc các kẽ hở, nguy cơ bị lợi dụng các chính sách QLCN;

+ Chưa có bộ phận chuyên trách làm công tác QLRR tại các cơ quan bộ, ngành, do đó năng lực nhận diện rủi ro, đánh giá, phân loại mức độ rủi ro hàng hóa theo chính sách chuyên ngành chưa thực sự hiệu quả, chủ động;

+ Về hỗ trợ DN tuân thủ: Các bộ, ngành chưa chú trọng hỗ trợ DN TTPL, chưa chủ động gắn kết tìm hiểu nhu cầu của DN; thường chỉ là tuyên truyền, phổ cập chính sách, quy định pháp luật mới; thời lượng tuyên truyền ít, tần suất thấp, nội dung và hình thức mang tính phổ cập, theo thời vụ...

Quản lý rủi ro trong quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của cơ quan Hải quan

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, thời gian qua, việc triển khai thực hiện của ngành Hải quan cũng gặp phải những vướng mắc sau:

- Luật Hải quan năm 2014 và các luật chuyên ngành chưa có quy định cho phép cơ quan Hải quan được phép áp dụng QLRR dựa trên mức độ tuân thủ của DN để thực hiện phân luồng đối với hàng hóa thuộc diện chính sách QLCN.

- Khó khăn khi thu thập thông tin liên quan đến văn bản QLCN và trong cập nhật tiêu chí phân luồng kiểm tra, thực hiện kiểm tra theo quy định của pháp luật QLCN; Chưa có Bộ tiêu chí đánh giá tuân thủ, phân loại mức độ rủi ro áp dụng riêng cho hoạt động XNK hàng hóa thuộc diện chính sách QLCN.

Tóm lại, việc triển khai áp dụng QLRR trong QLCN đối với hàng hóa XNK trong thời gian qua chủ yếu mới dừng ở việc cập nhật vào hệ thống các mã hàng hóa, thông tin chỉ dẫn theo văn bản, chính sách quản lý đã được bộ, ngành ban hành để xử lý dữ liệu tự động của Hải quan trong phân luồng kiểm tra.

Ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng mô hình Cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN

Tính đến ngày 31/5/2022, đã có 249 trên 261 thủ tục hành chính (chiếm 95,4%) với hơn 4,9 triệu bộ hồ sơ của gần 54 nghìn DN đã được 13 Bộ đưa lên Hệ thống một cửa quốc gia, còn lại 12 thủ tục (chỉ chiếm 4,5%), trong đó hầu hết là các thủ tục liên ngành liên quan đến PTVT XC, NC, quá cảnh (TCHQ, báo cáo 6 tháng đầu năm 2022); Về Cơ chế một cửa ASEAN, từ 01/01/2018, Việt Nam đã chính thức kết nối trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ điện tử ATIGA C/O mẫu D với tất cả 09 nước thành viên ASEAN.

Về ứng dụng CNTT trong thực thi, quản lý pháp luật quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, tại các cơ quan các Bộ, ngành, cơ quan Hải quan còn những hạn chế như: Hạn chế trong kết nối CNTT, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan QLCN và cơ quan Hải quan; Hạn chế trong ứng dụng CNTT phục vụ đánh giá TTPL, phân loại mức độ rủi ro DN trong hoạt động XNK hàng hóa thuộc diện chính sách QLCN; Hạn chế trong ứng dụng CNTT phục vụ công tác đánh giá, phân loại mức độ rủi ro đối với hàng hóa thuộc diện chính sách QLCN.

Với DN XNK, các bộ, ngành ban hành nhiều văn bản QLCN. Tuy nhiên, hiện nay chưa có một Hệ thống CNTT nào chính thống của ngành Hải quan hoặc của các bộ, ngành tích hợp đầy đủ các văn bản chính sách QLCN, danh mục hàng hóa thuộc diện QLCN và số hóa trên hệ thống để phục vụ cho DN tra cứu khi XK, NK mặt hàng nào đó thuộc chính sách QLCN.

Về áp dụng mô hình Cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN trong quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa XNK, bên cạnh những kết quả đạt được trong thời gian qua, hiện vẫn tồn tại những vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện trên tất cả các mặt từ nhận thức, cơ sở pháp lý, giải pháp công nghệ, phương án đầu tư tài chính và công tác tổ chức thực hiện để triển khai Cơ chế một cửa quốc gia.

Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý rủi ro trong quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu

Trên cơ sở thực trạng công tác QLCN đối với hàng hóa XK, NK nêu trên; xu hướng, mô hình QLCN của một số nước trên thế giới, để nâng cao hiệu quả công tác áp dụng QLRR trong QLCN, nhóm tác giả đưa ra một số nhóm giải pháp, kiến nghị sau:

Thứ nhất, hoàn thiện cơ sở pháp lý nhằm đáp ứng yêu cầu áp dụng QLRR đối với hàng hóa chịu sự QLCN.

Hiện nay, ngành Tài chính (TCHQ) đang phối hợp với các bộ, ngành xây dựng dự thảo Nghị định về Quy định cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng và kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa NK, trong đó có Điều 9, 14, 23, 24 áp dụng đầy đủ, thực chất nguyên tắc QLRR trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa NK để bảo đảm vai trò quản lý nhà nước và nâng cao tính tuân thủ của DN.

Cụ thể: Nghiên cứu hình thành Trung tâm dữ liệu về QLRR trong hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu quy định tại Điều 38 dự thảo Nghị định nêu trên, trong đó quy định về việc xây dựng trung tâm dữ liệu về QLRR trong hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Nhiệm vụ của trung tâm là thu thập, cập nhật, chia sẻ, tích hợp thông tin giữa các bên tham gia về chất lượng, an toàn thực phẩm hàng hóa với đầy đủ các công cụ khai thác làm cơ sở cho việc phân tích, đánh giá rủi ro, hỗ trợ ra quyết định kiểm tra của cơ quan kiểm tra.

Ngoài ra, theo yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/02/2022 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 đặt ra đối với Bộ Tài chính tại tiết c khoản 3 phụ lục III quy định: c) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan: Nghiên cứu, kiến nghị xây dựng trung tâm dữ liệu QLRR để thực hiện quản lý, KTCN tập trung, thống nhất trên phạm vi cả nước. Như vậy, yêu cầu từ Chính phủ về sự cần thiết hình thành 01 đơn vị hay gọi là Trung tâm thu thập xử lý thông tin/phân tích QLRR của các bộ chuyên ngành kết nối quản lý, liên ngành đối với hoạt động XNK hàng hóa phục vụ cho việc quản lý chỉ đạo thống nhất tập trung công tác KTCN trên toàn quốc;

Một nhiệm vụ nữa là hình thành 01 Trung tâm phục vụ điều hành chung giữa các cơ quan chức năng liên quan đến hoạt động XNK, XNC tham gia trong Cơ chế Một cửa quốc gia, Một cửa ASEAN theo quy định tại dự thảo Nghị định về kết nối và chia sẻ thông tin trong lĩnh vực XK, NK, quá cảnh hàng hóa; xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh người và phương tiện vận tải theo Cơ chế Một cửa quốc gia.

Thứ hai, xây dựng các kỹ thuật QLRR trong QLCN.

Trong đó, cần áp dụng nguyên tắc đầy đủ, linh hoạt QLRR trong Mô hình hải quan thông minh đang được xây dựng, áp dụng mạnh mẽ CNTT và Công nghệ tiên tiến thế hệ 4.0 để phân tích thông tin, hình ảnh, cảnh báo hỗ trợ công chức và DN theo hướng quản lý tập trung tại cấp TCHQ, cấp vùng, xử lý tự động hàng hóa XNK, phương tiện XNC từ khâu đầu đến khâu cuối; Kết nối trao đổi thông tin với các bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, các DN trên nền tảng kỹ thuật chuyển đổi số, được tự động hóa ở mức độ cao, cho phép các bên tham gia có thể được trao đổi, chia sẻ thông tin với tốc độ nhanh để thực hiện thủ tục hải quan mọi lúc, mọi nơi, trên mọi phương tiện.

Mô hình Hải quan thông minh có mức độ tự động hóa cao, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới và hiện đại trên nền tảng số, phi giấy tờ, đảm bảo minh bạch, công bằng, hiệu lực, hiệu quả, có khả năng dự báo, thích ứng với sự biến động của thương mại quốc tế và yêu cầu quản lý của cơ quan Hải quan, yêu cầu chia sẻ, kết nối với các bộ, ngành, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, phục vụ người dân, DN đang được TCHQ xây dựng định hướng phát triển 10 năm nữa.

Nâng cao năng lực quản lý của cơ quan Hải quan và các cơ quan QLCN trên cơ sở các tính năng vượt trội của hệ thống quản lý mới như: Tự động phân tích thông tin rủi ro, xác định trọng điểm, ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển tải bất hợp pháp và quản lý tốt chuỗi cung ứng trong hoạt động sản xuất, gia công; Sẵn sàng tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành, DN trong nước; trao đổi dữ liệu hải quan với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Thứ ba, xây dựng và tổ chức thực hiện thành công Chương trình thí điểm hỗ trợ DN XNK nâng cao tính tuân thủ pháp luật hải quan.

Trong đó, hướng đến mục tiêu tạo thuận lợi đối đa thương mại, giảm chi phí thông qua việc nâng cao mức độ tuân thủ pháp luật, giảm tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa XNK, hàng hóa KTCN; Hỗ trợ DN hạn chế, dẫn đến giảm hẳn các khó khăn vướng mắc khi làm TTHQ, thủ tục chuyên ngành, có biện pháp chủ động phòng tránh vi phạm hành chính, nắm vững được cơ chế đánh giá tuân thủ pháp luật; Thiết lập được mối quan hệ đối tác tin cậy Hải quan - DN trong hoạt động XNK, QLCN, làm cơ sở thúc đẩy thương mại đầu tư phát triển, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia.

Thứ tư, xây dựng chương trình nội dung đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức về QLRR cho ba đối tượng cán bộ công chức các bộ, ngành, cơ quan Hải quan và cộng đồng DN XNK trong công tác QLCN.

Cụ thể, cán bộ, công chức các bộ, ngành cần nắm vững những vấn đề cốt lõi của QLRR và áp dụng vào công tác QLCN. Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng công chức hải quan và công chức QLCN phải sát với thực tiễn hoạt động và theo quy định của pháp luật.

Thứ năm, thông tin, tuyên truyền tư vấn pháp luật trong việc thực hiện QLRR trong QLCN.

Trong đó, tăng cường sự hiểu biết về vai trò của QLRR và nhiệm vụ của CQHQ và cơ quan QLCN trong điều kiện mở cửa thị trường và tự do hóa thương mại nên phải áp dụng QLRR mạnh mẽ, nhất là trên Cơ chế Một cửa quốc gia và Cơ chế Một cửa ASEAN tại Việt Nam để xây dựng, phát triển hệ thống thông tin qua phương tiện thông tin đại chúng, cổng thông tin điện tử hải quan, cổng thông tin điện tử các cơ quan QLCN, tổ chức các hội nghị đối thoại giữa các bên liên quan đối với sự phát triển kinh tế của đất nước, đối với an ninh quốc gia và sức khỏe của cộng đồng.

Bên cạnh đó, cần minh bạch hóa thông tin về quy định, quy trình TTHQ, QLCN đáp ứng các tiêu chí rõ ràng, thống nhất, nhanh chóng, kịp thời, chính xác, đầy đủ về PLHQ, PLCN qua phương tiện thông tin đại chúng, cổng thông tin điện tử; Niêm yết công khai quy định tại các địa điểm làm TTHQ, địa điểm làm thủ tục QLCN; tổ chức giới thiệu về các chính sách, quy định pháp luật mới ban hành. Thường xuyên tổ chức tham vấn DN và các bên liên quan về các quy trình, TTHQ, TTCN cần đơn giản và hài hòa hóa hoặc xây dựng mới. Ngoài ra, tăng cường hợp tác quốc tế và khu vực để tổ chức các buổi làm việc, hội thảo với sự tham gia của DN, chuyên gia và các bên xây dựng các quy trình, TTHQ, QLCN.

Tài liệu tham khảo:

  1. Thủ tướng Chính phủ (2021), Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 12/01/2021 về phê duyệt Đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”;
  2. Ngô Minh Hải (2016), “Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đáp ứng yêu cầu cải cách hiện đại hóa hải quan; Đề tài NCKH cấp Bộ Tài chính;
  3. WCO (2007), Coordinated Border Management, Brussels, Belgium.
  4. WCO (2011), Risk Management Compendium 6-2011, Brussels.

 

* TS. Bùi Thái Quang, Phó Cục trưởng Cục Quản lý rủi ro, Tổng cục Hải quan

* ThS. Nguyễn Mạnh Hảo, Phó trưởng Phòng Cục Quản lý rủi ro, Tổng cục Hải quan

* ThS. Lê Bảo Khánh, Cục Tin học và Thống kê tài chính, Bộ Tài chính

** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 6/2022