Nâng cao năng lực cạnh tranh bằng chất lượng lao động
(Tài chính) Cùng với việc hoàn thiện thể chế thị trường và tăng cường đổi mới khoa học - công nghệ, đào tạo, nâng cao chất lượng lao động được đánh giá là giải pháp quan trọng giúp đẩy mạnh năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước trong khu vực.
Nguồn nhân công vốn là ưu thế của nước ta trong việc đầu tư và phát triển kinh tế từ trước tới nay, tuy nhiên, dường như lợi thế đó đang có nguy cơ mất dần do năng suất lao động của nước ta bị đánh giá là thấp so với khu vực. Theo công bố của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), năng suất lao động của nước ta năm 2013 ở mức thấp nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thấp hơn Singapore 15 lần, thấp hơn Nhật Bản 11 lần và thấp hơn Hàn Quốc 10 lần. Chính vì vậy, tại Tọa đàm Năng suất lao động: yếu tố tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia cho rằng, năng suất lao động sẽ trở thành nguyên nhân trực tiếp đe dọa đến sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta, nhất là khi Cộng đồng ASEAN chính thức hình thành vào năm 2015.
Đúng là năng suất và kỹ năng của lao động nước ta đang ở mức thấp trong khối ASEAN, chỉ cao hơn Lào và Campuchia, tiệm cận các nước Indonesia và Phillipine. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này theo Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Dương Đức Lân đánh giá là do trình độ lao động ở nước ta hiện nay thấp, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng dần qua các năm nhưng vẫn chưa cao; theo thống kê ngành, năm 2000 là 16%, năm 2010 là 40% và năm 2013 mới là 49%. Chưa kể, nước ta sử dụng quá nhiều lao động nông nghiệp mà số lao động có chuyên môn kỹ thuật, có bằng cấp trong lĩnh vực này mới chỉ đạt 3,51%, còn lại trên 20% được đào tạo nhưng chỉ dừng lại ở mức giản đơn. Tính đến đầu năm nay, có khoảng 47% lao động nông nghiệp trên cả nước nhưng chỉ tạo ra lượng GDP thấp, nếu tính cả nông - lâm - ngư nghiệp là 18% còn riêng nông nghiệp thì chỉ chiếm 14% trong tổng GDP cả nước.
Số lượng lao động lớn nhưng giá trị gia tăng làm ra thấp, con số trên đã chỉ ra rằng, lao động nước ta đang thiếu những kỹ năng chuyên nghiệp và kinh nghiệm cần thiết để nâng cao năng suất lao động. Để cải thiện tình trạng này, ông Dương Đức Lân cho biết, Tổng cục Dạy nghề đang có phương án đổi mới phương thức đào tạo, nâng cao chất lượng nghề. Nếu như trước đây là có gì dạy nấy thì nay chuyển hướng đào tạo theo cung sang cầu. Nghĩa là các chương trình khung hiện nay bao gồm các kiến thức và kỹ năng cốt lõi được xây dựng hoàn toàn dựa trên phân tích nghề của doanh nghiệp cần gì và muốn gì.
Còn theo Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, cần có phương án rút ngắn khoảng cách đào tạo và thúc đẩy doanh nghiệp tự đào tạo lao động. Thứ nhất là doanh nghiệp có thể đào tạo lao động khớp với nhu cầu, đáp ứng kỳ vọng chất lượng công việc; thứ hai là người lao động được làm chủ công nghệ. Tránh trường hợp, cơ sở đào tạo không có thiết bị, máy móc hiện đại như doanh nghiệp, người lao động đã qua đào tạo nhưng không vận hành được thiết bị máy móc như trước đây. Song để khuyến khích sự chủ động của doanh nghiệp trong đào tạo cũng như tăng đầu tư vào đổi mới khoa học - công nghệ cần có chính sách khuyến khích cho doanh nghiệp như miễn trừ chi phí đào tạo trước khi tính thuế hay tăng sự tiếp cận bình đẳng giữa các doanh nghiệp đối với nguồn vốn khoa học quốc gia.
Riêng đối với khu vực nông nghiệp, ông Dương Đức Lân cho rằng, để tăng năng suất lao động, cần xem xét đưa một phần lao động sang lĩnh vực công nghiệp - dịch vụ theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ, tức là Đề án Đào tạo nghề cho khu vực nông thôn. Bắt đầu thực hiện từ năm 2010, sau 4 năm, cả nước đã đào tạo được 1,6 triệu lao động nông thôn, trong đó, một nửa lao động được định hướng học các nghề phi nông nghiệp và làm việc ở các khu công nghiệp - dịch vụ, còn một nửa còn lại vẫn làm việc trong khu nông nghiệp nhưng nắm được khoa học kỹ thuật và làm năng suất lao động cao hơn. Theo kế hoạch, việc chuyển dịch lao động trong nông nghiệp sẽ giúp phân bổ cân đối và cung cấp đầy đủ lực lượng lao động cho khu vực công nghiệp - dịch vụ trong nước, cũng như hạn chế sự di chuyển của lao động di cư của các nước trong khu vực vào nước ta trong tương lai.
Sự ra đời của Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 khiến cạnh tranh thị trường giữa các nước mạnh hơn, năng suất lao động sẽ chính là công cụ để bảo vệ doanh nghiệp và người lao động, chứ không phải là lợi thế của độc quyền hay của Nhà nước bao cấp. Bên cạnh việc tập trung đào tạo lao động trong nước, các chuyên gia còn khuyến nghị, nên đưa chú trọng công tác xuất khẩu lao động cả lao động trình độ cao sang các nước phát triển để tiếp nhận dòng tái cơ cấu thông qua đổi mới và phát triển công nghệ ở đây. Đồng thời, ngoài việc chú trọng nâng cao năng suất, cần có cơ chế chia sẻ và hỗ trợ với người lao động, vừa tăng cường phúc lợi xã hội vừa khuyến khích người lao động cống hiến cho doanh nghiệp.