Nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm cao su Việt Nam
Ngành Cao su Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào thị trường thế giới. Cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu của các sản phẩm cao su Việt Nam tiếp tục được mở ra thông qua các cam kết từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và đang chuẩn bị ký kết. Tuy nhiên, trước bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay, ngành Cao su Việt Nam phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Để nâng tầm thương hiệu Cao su Việt Nam, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp về quy hoạch, thuế, thị trường, đầu tư, phát triển chế biến sản phẩm Cao su sơ chế, quản lý chất lượng, xây dựng thương hiệu… để tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Thấy gì từ năng lực sản xuất và chế biến sản phẩm cao su của Việt Nam?
Ngành sản xuất và chế biến sản phẩm cao su của Việt Nam là một trong những ngành sản xuất nông lâm nghiệp quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Cây cao su được người Pháp mang đến Việt Nam từ năm 1897, ban đầu trồng chủ yếu ở các tỉnh Đông Nam Bộ như: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh. Sau đó, đến năm 1955 một số doanh nghiệp (DN) và tiểu điền Việt Nam đã đầu tư trồng cây cao su ở miền Nam và Tây Nguyên. Đến cuối những năm 1960, tổng diện tích cao su tại Việt Nam được nhân rộng, đạt khoảng 142.000 ha và sản lượng khoảng 79.650 tấn (Nguyễn Thị Huệ, 2006).
Giai đoạn 1958 – 1963, cây cao su tiếp tục được nhân rộng, trồng ở các tỉnh như: Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Phú Thọ, diện tích canh tác đạt khoảng 6.000 ha và giảm dần trong giai đoạn chiến tranh, còn khoảng 4.500 ha vào năm 1975 (Trần Thị Thúy Hoa, 1993).
Từ năm 1975 đến nay, nhận thức được tầm quan trọng của cây cao su đối với phát triển kinh tế, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách khuyến khích, mở rộng sản xuất cao su, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao của thị trường xuất khẩu. Nhờ đó, diện tích cao su cả nước đạt khoảng 969.700 ha vào năm 2017, với 67% trong tổng diện tích đang ở giai đoạn cho thu hoạch mủ. Tham gia vào khâu sản xuất và chế biến cao su gồm nhiều thành phần kinh tế, trong đó chủ yếu là các DN nhà nước (phần lớn thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam) và các hộ gia đình (hay còn gọi là cao su tiểu điền, diện tích chiếm khoảng 51% tổng diện tích cao su cả nước).
Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu về năng suất cao su ở châu Á. Bình quân sản lượng tăng trưởng đạt khoảng 9,5%/năm trong những thập kỷ qua, từ 41.100 tấn năm 1980 lên 1.094.500 tấn năm 2017, tăng 26,6 lần. Với sản lượng trên, Việt Nam là nước đứng thứ 3 trên thế giới về cung cao su thiên nhiên, chiếm khoảng 8,1% tổng sản lượng cao su thế giới, chỉ sau Thái Lan (33,2% thị phần thế giới) và Indonesia (27,2% thị phần thế giới) (Hiệp hội các nước Sản xuất Cao su thiên nhiên - ANRPC, 2018).
Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, cao su là 1 trong 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Sản phẩm xuất khẩu chủ lực của ngành Cao su Việt Nam tập trung ở 3 nhóm sau: Nguyên liệu cao su thiên nhiên (cao su thiên nhiên); sản phẩm cao su; gỗ cao su và đồ gỗ được làm từ gỗ cao su. Tổng kim ngạch xuất khẩu của 3 nhóm mặt hàng này đạt trên 6,2 tỷ USD, đóng góp 3% vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước năm 2017. Tiêu thụ nội địa các sản phẩm của ngành mặc dù nhỏ hơn so với lượng và kim ngạch xuất khẩu, nhưng hiện cũng đang ở mức cao và đang tiếp tục mở rộng, cụ thể như:
Nguyên liệu cao su thiên nhiên: Với đặc tính đàn hồi, chống thấm, chống cháy và chống nhiệt, mủ cao su thiên nhiên là nguồn nguyên liệu quan trọng cho nhiều ngành công nghiệp, trong đó, sản xuất lốp xe tiêu thụ khoảng 70% tổng lượng cao su thiên nhiên.
Sản phẩm cao su: Nhiều sản phẩm cao su đã tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây như lốp xe, găng tay, phụ kiện xe ô tô, đế giày, nệm gối, thảm lót, chỉ thun… Công nghiệp chế biến sản phẩm cao su đã góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho ngành và giảm dần nhập siêu cũng như giảm xuất khẩu nguyên liệu thô. Hiện sản xuất các sản phẩm cao su chỉ tiêu thụ khoảng 18 – 20% tổng lượng cung cao su thiên nhiên của Việt Nam. Đây cũng là các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm cao su tương đương với kim ngạch xuất khẩu cao su thiên nhiên (chiếm 80 – 82% sản lượng).
Gỗ nguyên liệu và sản phẩm gỗ cao su: Gỗ cao su có màu vàng sáng, nhẹ, dễ gia công chế biến. Nguồn gỗ này được xem là thân thiện với môi trường, được khai thác sau chu kỳ kinh tế lấy mủ khoảng 25 – 30 năm. Trong những năm gần đây, gỗ cao su đã trở thành nguồn nguyên liệu quan trọng cho ngành gỗ, không chỉ cho chế biến xuất khẩu mà cả cho các sản phẩm tiêu thụ nội địa. Có thể khẳng định, ngành sản xuất và chế biến sản phẩm cao su của Việt Nam đã có sự phát triển, góp phần đáng kể trong sự phát triển kinh tế địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân và giải quyết việc làm.
Bên cạnh những thành công, ngành sản xuất và chế biến sản phẩm cao su của Việt Nam cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức tiêu biểu như: Diện tích và sản lượng tăng nhưng lợi nhuận cho người sản xuất không tăng; trong phân phối lợi nhuận thu được thì ở công đoạn sản xuất là thấp nhất; công nghiệp chế biến và bảo quản chưa được đầu tư; các hộ cao su tiểu điền thường trồng với quy mô nhỏ, thiếu vốn, thiếu kỹ thuật, có hộ trồng cây giống không rõ nguồn gốc, trồng xen canh không đúng kỹ thuật, khai thác không đúng quy trình, sản phẩm làm ra chưa gắn khâu tiêu thụ... và quan trọng hơn là chưa tạo ra được chuỗi giá trị cho sản phẩm cao su có khả năng cạnh tranh; giá bán thấp, sản xuất bị động, sự nhận biết về thương hiệu cao su Việt Nam còn hạn chế. Mặt khác, cao su Việt Nam còn gặp nhiều rủi ro do tác động bởi thời tiết và biến đổi khí hậu; sự gia tăng thiên tai, dịch bệnh làm tăng chi phí, giảm hiệu quả sản xuất, giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước…
Cơ hội, thách thức và kỳ vọng đặt ra đối với cao su Việt Nam
Nhằm giải quyết các tồn tại và khó khăn trên, một trong những vấn đề cần thực hiện đầu tiên là nghiên cứu, đánh giá điểm mạnh, điểm yếu; cơ hội và thách thức, qua đó mới có thể định hướng và nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm cao su Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Cụ thể:
Điểm mạnh
- Việt Nam có điều kiện thiên nhiên thuận lợi về khí hậu, đất đai, phù hợp cho phát triển ngành cao su tự nhiên và từ lâu trong nước đã hình thành các vùng trồng cao su tập trung quy mô lớn như: Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Duyên Hải Nam Trung Bộ…
- Ngành Cao su tự nhiên đã được Chính phủ xác định là một trong những ngành kinh tế cần tập trung phát triển mạnh và nhận được nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ, với quy hoạch phát triển theo các vùng, miền có thế mạnh như: Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ, Tây Bắc, Duyên Hải Nam Trung Bộ...
- Nhu cầu tiêu thụ cao su trên thế giới và trong nước ngày càng tăng cao cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nhiều ngành công nghiệp, sản xuất tiêu dùng… Sử dụng cao su là nguyên liệu đầu vào.
- Chi phí sản xuất trong ngành Cao su tại Việt Nam thấp cũng là yếu tố hỗ trợ sự phát triển ngành.
Điểm yếu
- Ngành Cao su trong nước đang gặp khó khăn trong việc mở rộng diện tích gieo trồng, với thực tế này, nhiều DN trồng cao su Việt Nam thời gian qua đã phải mở rộng diện tích sang Lào, Campuchia…
- Cao su tự nhiên xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu ở dạng thô, chưa sản xuất được cao su tổng hợp và phương thức xuất khẩu chủ yếu là qua đường tiểu ngạch. Thực tế này khiến sản phẩm cao su tự nhiên của Việt Nam gặp rủi ro cao với sản phẩm thay thế và không chủ động được về giá xuất khẩu, gây khó khăn cho DN trong nước.
- Thị trường xuất khẩu của Việt Nam lại tập trung quá nhiều vào Trung Quốc, do đó phụ thuộc khá nhiều vào những biến động giá tại thị trường này. Trong nhiều trường hợp, phần thiệt luôn thuộc về các DN Việt Nam.
- Tỷ trọng các rừng cao su già cỗi của ngành Cao su Việt Nam cũng đang ở mức cao, khiến chất lượng và năng xuất khai thác sụt giảm. Thực tế này đặt ra vấn đề cần phải tái canh tác, gieo trồng lại các rừng cao su trong thời gian tới.
Cơ hội
- Ngành công nghiệp – sản xuất – tiêu dùng thế giới (sản xuất máy bay, ô tô, xe máy, sản xuất thiết bị, máy móc cho ngành chế tạo, y tế, hàng tiêu dùng…) ngày càng phát triển và nhu cầu đối với nguyên liệu đầu vào là cao su cùng ngày càng cao.
- Việc mở rộng hợp tác phát triển trồng rừng cao su ra nước ngoài (Lào, Campuchia, Myanmar…) cũng tạo ra cơ hội mở rộng diện tích trồng và khai tác đối với các DN Việt Nam.
- Việt Nam ở gần các công trường sản xuất lớn như Trung Quốc, thuận lợi trong hoạt động xuất khẩu sang thị trường này.
Thách thức
- Rủi ro của sản phẩm thay thế là cao su tổng hợp, bởi sản phẩm cao su của Việt Nam chủ yếu là cao su tự nhiên dưới dạng thô.
- Sự cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu cao su ngày càng gay gắt về cả chất lượng và sự đa dạng của sản phẩm cao su xuất khẩu, một điểm mà ngành cao su Việt Nam vẫn còn hạn chế.
- Rủi ro bất khả kháng từ thảm họa thiên nhiên tại các vùng gieo trồng cao su.
- Các rào cản thuế quan đối với cao su và các sản phẩm liên quan cũng là các yếu tố ảnh hưởng đến giá cả xuất khẩu của các DN Việt Nam.
Định hướng nâng cao năng lực cạnh tranh cho cao su Việt Nam
Đề án Nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1137/QĐ-TTg ngày 03/8/2017 khẳng định: Cao su là một trong 8 mặt hàng nông thủy sản đang có lợi thế xuất khẩu cần được tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh.
Xét trên các quan điểm tận dụng được cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do, mặt hàng cao su được đánh giá có lợi thế xuất khẩu và có triển vọng nâng cao năng lực cạnh tranh; Có thể khai thác tối đa lợi thế hiện có và có tiềm năng tạo ra lợi thế so sánh mới dựa trên ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; Có thể nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa gắn với năng lực cạnh tranh của DN và năng lực cạnh tranh của quốc gia; Có sự gắn kết hiệu quả giữa DN, hiệp hội ngành hàng và Nhà nước.
Cụ thể, Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ giúp ngành Cao su Việt Nam đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, mở rộng thị trường, nâng cao giá trị gia tăng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng. CPTPP mang đến cho ngành Cao su nhiều cơ hội, tiềm năng và triển vọng phát triển. Đối với cao su thiên nhiên, CPTPP sẽ đưa thuế nhập khẩu cao su thiên nhiên của Việt Nam từ 3% giảm còn 0%. Đối với sản phẩm cao su, mỗi nước thành viên CPTPP có lộ trình cắt giảm riêng cho từng nhóm sản phẩm và sẽ loại bỏ hoàn toàn thuế quan trong vòng 16 năm sau khi CPTPP có hiệu lực.
Do đó, CPTPP tạo cơ hội cho sản phẩm cao su Việt Nam mở rộng thị trường đến các nước mà công nghiệp chế biến cao su chưa phát triển nhiều như: Peru, Chile, Brunei, New Zealand, Úc. Đồng thời, Việt Nam có thể nhập khẩu cao su tổng hợp, máy móc thiết bị hiện đại từ các nước có thế mạnh như: Nhật Bản, Canada, Singapore với mức thuế 0%, nhờ vậy sẽ giúp DN giảm giá thành và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đối với sản phẩm gỗ cao su, nhu cầu của thị trường đang tăng nhanh khi xu hướng sử dụng rừng trồng được khuyến khích ở nhiều nước. Đây là nhóm sản phẩm mà ngành Cao su ít gặp sự cạnh tranh với các nước thành viên CPTPP, ngay cả với Malaysia là nước phát triển mạnh về sản phẩm gỗ cao su, nhờ giá của Việt Nam thấp hơn. Được hưởng thuế suất nhập khẩu 0% đối với nguyên vật liệu và thiết bị cao cấp cần cho công nghiệp chế biến gỗ, sẽ giúp ngành gỗ cao su Việt Nam giảm giá thành, chuyển đổi sang công nghệ tiến bộ và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Công nghiệp hỗ trợ với những sản phẩm linh kiện cao su cho ngành ô tô và nhiều ngành công nghiệp khác của Việt Nam có cơ hội phát triển nhanh hơn nữa nhờ nguyên vật liệu và thiết bị, máy móc cao cấp được nhập khẩu với mức thuế 0%, cũng như sản phẩm từ công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam có nhiều triển vọng mở rộng sang các nước CPTPP.
Các cơ hội khác mang đến từ CPTPP và FTA cho ngành Cao su còn là triển vọng về đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, tránh phụ thuộc quá mức vào thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, CPTPP tạo sự thu hút vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Việt Nam để hợp tác liên doanh sản xuất sản phẩm cao su khi thuế nhập khẩu các nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị vào Việt Nam, giảm dần đến mức 0%, tạo điều kiện khai thác dịch vụ tại các khu công nghiệp trên đất cao su. Đồng thời, thúc đẩy ngành Cao su tham gia sâu vào chuỗi giá trị gia tăng trong nước và quốc tế, từ khâu cung cấp nguyên liệu đến sản xuất thành phẩm cho thị trường nội địa và xuất khẩu.
Để giúp ngành sản xuất và chế biến sản phẩm cao su của Việt Nam khắc phục tồn tại, khó khăn, ứng phó hiệu quả những thách thức, tận dụng tối đa các cơ hội và nâng cao năng lực cạnh tranh, thời gian tới, Việt Nam cần phải xây dựng chiến lược và giải pháp phát triển Ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng cho cao su và các sản phẩm chế biến từ cao su của Việt Nam.
Phấn đấu thực hiện mục tiêu đặt ra ngành Cao su là đảm bảo chất lượng sản phẩm đáp ứng mục tiêu đến 2020 sẽ chế biến được khoảng 40% sản lượng mủ cao cấp (như: SVR 10 và 20, CV50 và 60); tăng lượng mủ nguyên liệu sử dụng cho các nhà máy sản xuất các sản phẩm của ngành Cao su đạt khoảng trên 40.000 tấn/năm; nâng tỷ trọng gỗ cao su tinh chế lên 50% và duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân trên 10% năm sẽ góp phần ổn định ngành Cao su, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, các nhà máy cần được chuẩn hóa công nghệ và quy trình chế biến, kiểm tra chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn đăng ký, bao gồm việc đảm bảo các tiêu chuẩn theo môi trường, lao động. Tập trung thay đổi cơ cấu sản phẩm như chú trọng cách thu mủ cho loại sản phẩm mủ cao su có chất lượng cao SVR 3L (loại sản phẩm mủ cao su sơ chế này thường có giá cao hơn) và đây là loại sản phẩm được tiêu thụ phổ biến trên thế giới (chiếm 60% sản lượng tiêu thụ).
Ngành công nghiệp cao su cũng cần đẩy mạnh đầu tư và tập trung vào các sản phẩm nhúng như găng tay, chỉ sợi, nệm là các sản phẩm có lợi thế về nguồn nguyên liệu và có sức cung cao ở thị trường thế giới. Bên cạnh đó, cần mở rộng và đầu tư chiều sâu cho chế biến nguồn gỗ cao su để nâng tỷ trọng gỗ tinh chế và đa dạng hóa các sản phẩm từ gỗ cao su. Tăng cường công tác quản lý chất lượng cao su cả nước để nâng cao uy tín sản phẩm cao su Việt Nam, tăng tính cạnh tranh với các nước trong khu vực.
Mặt khác, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại đối với ngành Cao su; hỗ trợ DN quảng bá sản phẩm trên thị trường xuất khẩu. Mở rộng thị trường, thúc đẩy các dự án và ưu đãi trong đầu tư nhằm phát triển công nghiệp chế biến sản phẩm cao su để nâng cao giá trị gia tăng cũng như đa dạng hóa các sản phẩm của ngành. Khuyến khích và thu hút các nhà đầu tư để mở rộng các nhà máy công nghiệp chế biến sản phẩm gần vùng nguyên liệu…
Tài liệu tham khảo:
- Đề án Nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1137/QĐ-TTg ngày 03/8/2017;
- Hiệp hội Cao su Việt Nam (2018b), Số liệu thống kê cao su Việt Nam 2007 – 2017, NXB Nông nghiệp;
- Hiệp hội Cao su Việt Nam (2018a), Dự thảo báo cáo tổng kết nhiệm kỳ IV (2015-2017) và phương hướng nhiệm kỳ V (2018-2021);
- Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (2018), Báo cáo đánh giá về kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2018 và kết quả thực hiện 03 năm 2015-2017 của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam;
- Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (2018), Báo cáo tổng kết công tác sản xuất – kinh doanh năm 2017, phương hướng, nhiệm vụ năm 2018;
- Công ty Cổ phần chứng khoán MB (2014), Báo cáo phân tích ngành Cao su Việt Nam;
- Nguyễn Vinh Quang, Tô Xuân Phúc, Trần Lê Huy, Cao Thị Cẩm, Nguyễn Tôn Quyền và Huỳnh Văn Hạnh (2018), Chuỗi cung gỗ cao su Việt Nam: Thực trạng và chính sách, VIFORES, VRA, BIFA, FPA Bình Định, HAWA và Forest Trends;
- Thiên Hương, Minh Tân (2019), Hiệp định CPTPP tác động đến ngành cao su: Cơ hội và thách thức; vietdata.vn.