Tăng sức cạnh tranh cho ngành cao su

Theo Thế Anh/baodauthau.vn

Theo số liệu cập nhật tháng 10/2017 của Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC), trong 9 tháng đầu năm 2017 nguồn cung cao su thiên nhiên thế giới vẫn thấp hơn nhu cầu khoảng 400 nghìn tấn.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tuy nhiên, ANRPC dự báo chênh lệch cung cầu sẽ dần quay trở lại trạng thái cân bằng vào cuối năm 2017, khi sản lượng cao su thiên nhiên dự kiến đạt 12,883 triệu tấn so với nhu cầu là 12,805 triệu tấn.

Giá sẽ cải thiện?

Về xu hướng thị trường trong ngắn hạn, vào tháng 7/2017, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo giá cao su RSS 3 (SGX) trong quý IV/2017 cao hơn 1.700 USD/tấn. Tháng 10/2017, Ngân hàng Thế giới (WB) đã đưa ra dự báo giá cao su RSS 3 bình quân trong năm 2017 đạt 2.050 USD/tấn, sau đó chỉ tăng nhẹ lên 2.080 USD/tấn vào năm 2018.

Tại Hội nghị Cao su toàn cầu 2017 diễn ra mới đây tại Malaysia, các báo cáo viên đều đồng thuận xu hướng giá sẽ được cải thiện trong thời gian tới. Tuy nhiên, còn nhiều biến động và không vững chắc do chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố.

Ông Dar Wong, Công ty Đầu tư Dektos (Singapore) cho biết, giá cao su TSR 20 (SICOM) sẽ vượt mức 2.000 USD/tấn vào cuối năm 2017 và có thể đạt mức 2.450 USD/tấn trong quý I/2018. Trong khi đó, ông Benny Lee, Công ty Jupiter Securities (Malaysia) lại cho rằng, giá cao su TSR 20 (SICOM) vào cuối năm 2017 sẽ khoảng 1.720 - 1.940 USD/tấn và đến cuối năm 2018 sẽ vượt 2.200 USD/tấn.

Ngoài hai yếu tố cơ bản cung cầu, trong những tháng cuối năm 2017, giá cao su chịu ảnh hưởng nhiều của dư cung tích lũy từ các năm trước, cùng với nhiều yếu tố khác như diễn biến của giá dầu thô; biến động tỷ giá hối đoái của các đồng tiền mạnh; tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới, đặc biệt là các nước tiêu thụ cao su lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ...; tình trạng đầu cơ tại các sàn giao dịch hàng hóa tương lai; xung đột địa chính trị; biến đổi thời tiết…

Bên cạnh đó, thị trường cao su luôn tồn tại nguy cơ tiềm ẩn về giá, cần theo dõi và cập nhật thường xuyên tình hình thị trường cung cầu cao su cùng với các yếu tố liên quan để giảm rủi ro, bình tĩnh ứng phó và hạn chế tâm lý dao động.

Tăng sức cạnh tranh cho ngành cao su - Ảnh 1
Xuất khẩu cao su thiên nhiên của Việt Nam và các nước dẫn đầu trên thế giới, năm 2016 (ĐVT: nghìn tấn) (Nguồn: Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên ANRPC (8/2017); Hiệp hội Cao su Việt Nam tổng hợp)

Để ngành cao su phát triển bền vững

Trước tình hình giá cao su thiên nhiên liên tục biến động, Hiệp hội Cao su Việt Nam tiếp tục khuyến cáo các hội viên duy trì các giải pháp ứng phó với tình hình giá không thuận lợi; hỗ trợ hội viên mở rộng thị trường; nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo uy tín thương mại. Nhằm tăng sức cạnh tranh cho ngành cao su Việt Nam, Hiệp hội đang tiếp tục kiến nghị Bộ Tài chính xem xét áp dụng chính sách thuế giá trị gia tăng đối với cao su sơ chế như đã áp dụng với cà phê, hồ tiêu, nhân điều, chè, gạo… để tạo điều kiện thúc đẩy xuất khẩu và giảm chi phí cho Nhà nước trong khâu kiểm tra hoàn thuế.

Đặc biệt, Hiệp hội Cao su Việt Nam đã triển khai một số bước ban đầu trong việc xây dựng thương hiệu ngành cao su Việt Nam. Cụ thể là việc hình thành Nhãn hiệu chứng nhận Cao su Việt Nam đã được bảo hộ trong nước và tại một số thị trường xuất khẩu trọng điểm. Vì vậy, Hiệp hội kiến nghị với các bộ ngành, cơ quan quản lý nhà nước tạo điều kiện thuận lợi về chính sách đối với các doanh nghiệp hội viên được cấp quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam” như rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, ưu tiên hoàn thuế trước, kiểm tra sau…

Trong dài hạn, Hiệp hội tích cực phối hợp với một số tổ chức liên quan trong nước và quốc tế nhằm đưa ra những giải pháp thiết thực, phù hợp để phát triển ngành cao su bền vững. Hiệp hội thường xuyên cập nhật và cung cấp thông tin về cung cầu để làm cơ sở cho các cơ quan chức năng của bộ, ngành quản lý nguồn cung hướng đến cân bằng với nhu cầu. Đồng thời, đề xuất tăng cường sử dụng cao su thiên nhiên trong các sản phẩm, lĩnh vực mới bên cạnh các sản phẩm truyền thống đang dần bão hòa.

 

Năm 2016 Việt Nam tiếp tục là nước xuất khẩu đứng thứ ba trên thế giới, sau Thái Lan và Indonesia và xếp trên Malaysia, với 1,253 triệu tấn cao su thiên nhiên, giá trị đạt 1,67 tỷ USD, tăng 10,2% về lượng, tăng 9,0% về giá trị. Cao su thiên nhiên là nông sản xuất khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam, sau cà phê, hạt điều, hàng rau quả và gạo, đóng góp khoảng 0,95% tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2016.

Việt Nam xuất khẩu cao su thiên nhiên tới 80 thị trường trong năm 2016, trong đó Trung Quốc vẫn là thị trường quan trọng nhất, chiếm 59,3% tổng lượng xuất khẩu. Tiếp theo là Malaysia (8,1%), Ấn Độ (6,9%), Hàn Quốc (3,1%), Hoa Kỳ (2,9%)...

Trong 9 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu cao su thiên nhiên Việt Nam ước đạt 955.683 tấn với giá trị khoảng 1,62 tỷ USD, tăng 10,6% về lượng và 49,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.