Nâng cao năng lực lãnh đạo của đội ngũ giám đốc điều hành ở Việt Nam


Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới cùng với sự cạnh tranh mạnh mẽ, đã và đang đặt ra những yêu cầu mới đối với các thế hệ lãnh đạo doanh nghiệp, đó là phải có kiến thức và năng lực khi làm việc với đối tác quốc tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thực tiễn tại Việt Nam, khi số lượng doanh nghiệp tăng lên nhanh chóng đã đặt ra thách thức rất lớn đối với nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp, đó là sự thiếu hụt trầm trọng đội ngũ quản lý điều hành chuyên nghiệp, có đủ năng lực lãnh đạo để dẫn dắt doanh nghiệp phát triển. Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả xác định các năng lực lãnh đạo cần thiết đối với giám đốc điều hành, làm cơ sở cho phát triển đội ngũ này ở Việt Nam.

Khái quát nghiên cứu trong và ngoài nước

Sự thành công của bất kỳ một doanh nghiệp (DN) nào cũng mang dấu ấn quan trọng của người lãnh đạo DN hay còn gọi Giám đốc điều hành (CEO). CEO là một chức danh cao nhất trong đội ngũ quản lý và điều hành của một DN, chịu trách nhiệm đưa ra định hướng (tầm nhìn, chiến lược) và điều phối, giám sát hoạt động của một DN. Theo David T. Kyle (2012), tại nhiều DN có Hội đồng quản trị (HĐQT), nếu HĐQT chịu trách nhiệm xây dựng chiến lược thì CEO chủ yếu chịu trách nhiệm triển khai các kế hoạch chiến lược của DN.

Năng lực lãnh đạo quản lý của CEO là vấn đề quan trọng ở các DN hiện nay, thu hút nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước quan tâm, nghiên cứu. Nói đến phẩm chất lãnh đạo, các tác giả tiêu biểu là Stodgdill (1948, 1974), Mann (1959), Lord, Devader và Alliger (1986), Kirkpartrick (1991); Năng lực/kỹ năng của người lãnh đạo tiêu biểu là nhóm tác giả Mumford, Zaccaro, Harding, Jacobs và Fleishman (2000) và Yammarino (2000). Tuy nhiên, các tác giả tập trung vào thảo luận các lý thuyết liên quan đến các kỹ năng và năng lực của người lãnh đạo DN.

Bảng 1: Vai trò của đội ngũ CEO ở Việt Nam

STT

Vai trò của CEO

1

Là người ở vị cao nhất của tổ chức, CEO cần kết hợp nhiều năng lực quản lý khác nhau và có tầm nhìn toàn tổ chức

2

Phải dự đoán được tình hình thị trường và tác động của môi trường kinh doanh bên ngoài đối với hoạt động kinh doanh của DN

3

Biết tổ chức toàn bộ dữ liệu, ý tưởng, thông tin và khái niệm hóa chúng

4

Biết tận dụng những kinh nghiệm trong quá khứ của mình và thấu hiểu được những thay đổi trong tương lai

5

Thiết lập sứ mệnh, mục tiêu, chính sách và chiến lược hiện tại để chống lại những thay đổi có thể xảy ra trong tương lai và xây dựng lại chúng, nếu cần

6

Đưa ra các mục tiêu, chính sách và chiến lược mới khi những thay đổi lớn xảy ra trong môi trường kinh doanh như tự do hóa kinh tế và tiến bộ kỹ thuật

7

Cung cấp thông tin và dữ liệu cho hội đồng quản trị về xây dựng chiến lược

8

Chia sẻ và đánh giá chiến lược cho hội đồng quản trị, cũng như tư vấn về chiến lược hiện tại có nên tiếp tục hoặc định hình và xây dựng một chiến lược mới

9

Cung cấp dữ liệu về môi trường bên ngoài với các cấp quản lý; Hướng dẫn và giúp họ xây dựng, thực hiện, đánh giá và định hình lại các chiến lược của bộ phận dựa trên các chiến lược của công ty

 

Người đặt nền móng cho hướng nghiên cứu kỹ năng và năng lực của nhà lãnh đạo là Robert Katz (1955). Phương pháp nghiên cứu của Katz nhìn nhận, nhà lãnh đạo dưới góc độ là người bình thường đã qua rèn luyện, điều này đã vượt qua giới hạn lúc bấy giờ, đó là chỉ nhận định một nhà lãnh đạo giỏi thông qua các đặc điểm tính cách bẩm sinh.

Đến đầu những năm 1990, đồng loạt xuất hiện nhiều nghiên cứu đã được công bố với nội dung: Tính hiệu quả của hoạt động lãnh đạo phụ thuộc rất nhiều vào kỹ năng giải quyết các vấn đề phức tạp trong DN. Kết quả của việc nghiên cứu này là sự thống nhất về công thức chung của kỹ năng lãnh đạo, được Mumford và các đồng nghiệp tóm tắt lại (Mumford, Zaccaro, Harding, Jacobs và Fleishman, 2000; Yammarino, 2000).

Sau quá trình tổng hợp và nghiên cứu kỹ các mô hình về năng lực lãnh đạo của các nghiên cứu trong và ngoài nước, dựa trên phương pháp và cách tiếp cận để đánh giá về năng lực lãnh đạo, nhóm tác giả chia ra hai xu hướng tiếp cận chính, cụ thể:

Bảng 2: Những năng lực và kỹ năng của Giám đốc điều hành hiện nay

STT

Năng lực và Kỹ năng

Chi tiết

1

Tố chất cần có
của nhà lãnh đạo

Là có sự hiểu biết và ham học hỏi, có tầm nhìn và sự quyết đoán, nhẫn nại và kiên trì

2

Sự hiểu biết
và ham học hỏi

Ngoài những kiến thức cơ bản trong lĩnh vực hoạt động của mình, lãnh đạo DN còn phải đọc nhiều và luôn có tinh thần học hỏi để không ngừng nâng cao kiến thức, nhận biết và cập nhật những thông tin và tri thức mới. Điều này giúp cho nhà lãnh đạo có một vốn kiến thức sâu rộng vừa hoàn thiện bản thân lại vừa có cái nhìn tổng thể để phát triển DN

3

Tầm nhìn
và sự quyết đoán

Sự thành bại của DN phụ thuộc tài năng của nhà lãnh đạo bởi sự quyết đoán và tầm nhìn xa trông rộng của người lãnh đạo. Nếu không có khả năng phán đoán triển vọng sẽ khó đưa ra tầm nhìn, chiến lược phát triển lâu dài của DN. Bên cạnh đó, tính quyết đoán trong mọi công việc sẽ giúp cho họ có những quyết định kịp thời và sáng suốt.

4

Nhẫn nại và kiên trì

Lãnh đạo tốt không bao giờ đầu hàng khó khăn, thất bại mà quan trọng là họ biết đối mặt và nhẫn nại vượt qua sự khó khăn, coi đó như trải nghiệm để tích lũy kinh nghiệm thiết thực về quản lý hay chiến lược kinh doanh. Phương cách quản lý không phải lúc nào cũng dễ dàng, đối với CEO nên biết chấp nhận thử thách và kiên trì, giữ vững ý chí cho đến khi nào thành công. Niềm hy vọng và lòng kiên trì, không ngại khó khăn là động lực lớn để phát triển DN.

5

Kỹ năng
của nhà lãnh đạo

Để trở thành một nhà lãnh đạo ưu tú, ngoài yếu tố ngoại hình thì họ cần trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng không thể thiếu như: Quản lý và lập kế hoạch, giao quyền hiệu quả, truyền cảm hứng và kỹ năng giao tiếp.

6

Kỹ năng quản lý và lập kế hoạch

Nhà lãnh đạo DN xây dựng tầm nhìn chiến lược cho công ty cũng như phải quản lý và lập kế hoạch cho các mục tiêu mà công ty cần đạt tới. Có khả năng quản lý và lập kế hoạch, thì nhà lãnh đạo mới có thể duy trì, phát triển và thay đổi được tầm nhìn chiến lược khi cần thiết.

7

Kỹ năng giao quyền hiệu quả

Nhà lãnh đạo phải biết phát hiện nhân tài - người có khả năng bổ sung những khiếm khuyết của chính họ thay vì biết cách khen ngợi mà hãy phân quyền và phân bổ công việc một cách hợp lý. Đồng thời, cần đưa ra chính sách đãi ngộ đặc biệt cho những người giỏi.

8

Kỹ năng
truyền cảm hứng

Biết cách truyền cảm hứng cho đồng nghiệp và CEO sẽ nhận được những điều mà họ mong đợi từ đồng nghiệp. Nhà lãnh đạo giỏi phải hiểu nhân viên của mình, biết lắng nghe và chia sẻ với cấp dưới chứ không phải chỉ biết ra lệnh và quát tháo. Khi có vấn đề rắc rối, phải đặt mình vào hoàn cảnh cụ thể để từ đó có hướng giải quyết hợp tình hợp lý.

9

Kỹ năng giao tiếp

Nhà lãnh đạo phải có một kỹ năng giao tiếp tốt bằng cả văn nói và văn viết, vì điều đó sẽ bộc lộ được khả năng nhiều mặt của chính họ và có ảnh hưởng không nhỏ tới sự thành công của DN.

 

Xu hướng thứ nhất: Nghiên cứu về năng lực lãnh đạo theo hướng tiếp cận về kiến thức - kỹ năng - phẩm chất/hành vi/thái độ của nhà lãnh đạo. Xu hướng này tiếp cận về năng lực lãnh đạo dựa trên các yếu tố kiến thức, kỹ năng, hành vi, thái độ, tố chất… của nhà lãnh đạo có các mô hình mà các nghiên cứu trước đã sử dụng đó là BKD (Be Know Do), ASK (Attitude Skills Knowledges) và mô hình các đặc trưng của năng lực lãnh đạo của Jeffrey D. Horey.

Xu hướng thứ hai: Các nghiên cứu về năng lực lãnh đạo theo hướng tiếp cận các bộ phận cấu thành. Cách tiếp cận theo bộ phận cấu thành năng lực lãnh đạo được đo lường tập trung, chi tiết cụ thể bởi các “năng lực con”.

Theo nhóm tác giả, chủ đề này đã và vẫn sẽ còn nhiều “khoảng trống” để nghiên cứu ở Việt Nam. Trong nhiều nghiên cứu, các tác giả không làm rõ nội hàm sự khác biệt giữa “hoạt động lãnh đạo” và “hoạt động quản lý”, giữa “năng lực lãnh đạo” và “năng lực quản lý”. Điều này không tách bạch nên gây khó khăn trong việc xây dựng khung năng lực, bởi mỗi hoạt động, mỗi vị trí lãnh đạo sẽ có những chức năng, nhiệm vụ, vai trò khác nhau.

Năng lực lãnh đạo của giám đốc điều hành

Năng lực lãnh đạo của CEO là sự tổng hợp kiến thức, kỹ năng và phẩm chất, thái độ mà một CEO cần có trong hoạt động lãnh đạo bản thân, lãnh đạo đội ngũ cấp dưới, lãnh đạo tổ chức nhằm đạt được mục tiêu của DN đã định ra từ đầu. Cụ thể:

Kiến thức lãnh đạo: Kiến thức lãnh đạo là tổng thể tri thức, hiểu biết mà một người lĩnh hội, tích lũy qua trải nghiệm hoặc học hỏi và có khả năng vận dụng vào công việc lãnh đạo của mình. Các kiến thức mà CEO cần có bao gồm: Kiến thức về DN và ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh của DN, các kiến thức về văn hóa - xã hội; các kiến thức về chính trị - pháp luật, kế toán tài chính, thuế khóa, công nghệ.

Những kiến thức về lãnh đạo cần thiết gồm: Các kiến thức về lãnh đạo bản thân, kiến thức về chiến lược kinh doanh, kiến thức để điều hành các hoạt động chính của DN như kiến thức về quản trị nhân sự, marketing, tài chính, sản xuất - dịch vụ. Các kiến thức bổ trợ khác cũng cần thiết cho giám đốc như kiến thức về trách nhiệm xã hội, văn hóa DN, quản trị sự thay đổi, hội nhập kinh tế quốc tế…

Kỹ năng lãnh đạo: Đây chính là năng lực thực hiện các công việc, biến kiến thức thành hành động. Kỹ năng lãnh đạo thể hiện sự thành thạo của mỗi người khi vận dụng sự hiểu biết về lãnh đạo trong thực tế điều hành nhằm đạt được mục tiêu đã đề ra. Một nhà lãnh đạo đòi hỏi phải có được các kỹ năng. Cụ thể:

- Kỹ năng liên quan đến lãnh đạo bản thân bao gồm: Thấu hiểu bản thân, cân bằng công việc và cuộc sống, học hỏi, giải quyết vấn đề.

- Kỹ năng lãnh đạo đội ngũ như: Giao tiếp lãnh đạo, động viên khuyến khích, phát triển đội ngũ, gây ảnh hưởng và xây dựng hình ảnh và kỹ năng thiết lập và lãnh đạo nhóm.

- Kỹ năng lãnh đạo tổ chức như xây dựng tầm nhìn và lập chiến lược; Tổ chức và triển khai công việc; huy động và phối hợp các nguồn lực; xây dựng và phát triển văn hóa DN; khởi xướng sự thay đổi.

Phẩm chất lãnh đạo: Phẩm chất của người lãnh đạo thường bao gồm các nhân tố thuộc về thế giới quan tiếp nhận và phản ứng lại các thực tế, xác định giá trị, giá trị ưu tiên. Các phẩm chất cần có để đảm bảo tính hiệu quả trong công tác lãnh đạo của giám đốc: tầm nhìn xa trông rộng. Tính mạo hiểm và quyết đoán, ham học hỏi, tư duy đổi mới và sáng tạo, linh hoạt và nhạy bén, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, tính bao quát, tự tin.

Thực trạng đội ngũ giám đốc điều hành tại một số công ty ở Việt Nam

Đứng trước bối cảnh toàn cầu hóa, cùng với sự tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ của kinh tế quốc tế, các DN của Việt Nam đã đề ra kế hoạch phát triển đáp ứng nhu cầu thị trường với những sản phẩm, dịch vụ kinh doanh, chất lượng... tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh trong cộng đồng DN Việt Nam. Trong đó, nổi lên với nhiều DN lớn như: Vingroup, Viettel, VNPT, Vinaphone, Mobiphone, FPT, Cafe Trung Nguyên. Sự phát triển lớn mạnh của các DN trong bối cảnh hiện nay phụ thuộc vào tầm nhìn, chiến lược phát triển của các CEO.

Về điểm mạnh của CEO Việt Nam

- Thông minh sáng tạo, nhanh nhạy, thích ứng nhanh với thời cuộc, cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm, lạc quan và năng động.

- Thái độ, tố chất lãnh đạo điều hành: Có tính đoàn kết và kỷ luật cao trong quá trình lãnh đạo, điều hành DN trong môi trường quốc tế.

Sẵn sàng từ bỏ những đam mê của mình để nỗ lực học hỏi, theo đuổi đam mê nghề nghiệp của mình với công việc lãnh đạo, quản lý.

- Sáng tạo và nhanh nhạy trong việc cập nhật thông tin mới trước bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Các CEO Việt Nam là những người biết tận dụng thời cơ mới, biết cách tư duy sáng tạo trước bối cảnh mới. Họ thường xuyên cập nhật kiến thức, thông tin mới của thị trường kinh doanh trong nước và quốc tế.

Về hạn chế của CEO Việt Nam

- Kiến thức, trình độ lãnh đạo điều hành còn thấp và mang số đông: Theo kết quả điều tra gần đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cơ quan Hợp tác Nhật Bản thực hiện khảo sát trong hơn 63.760 DN tại 30 tỉnh, thành phía Bắc cho thấy: Số chủ DN chỉ có 54,5% có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên, còn lại là 45,5% số chủ DN có trình độ bậc trung học phổ thông và chưa qua đào tạo đại học, số chủ DN có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ càng quá hiếm với 3,7% số chủ DN. Số trình độ cao đẳng trở lên, cũng chỉ khoảng 30% là được đào tạo về quản trị kinh doanh và có kiến thức kinh tế và khoảng 70% số chủ DN còn lại chưa qua đào tạo.

- Kỹ năng lãnh đạo điều hành vừa thiếu và yếu: Với nền tảng học vấn thấp, thiếu đào tạo để trở thành CEO một cách bài bản nên sẽ dẫn đến việc các CEO Việt Nam hiện nay bị thiếu nhiều kỹ năng để có thể lãnh đạo điều hành tốt DN của mình.

- Khủng hoảng nhân sự: Khủng hoảng nhân sự xuất phát từ nhiều nguyên nhân chế độ đãi ngộ cạnh tranh của đối thủ, môi trường làm việc hay đội ngũ cấp cao hiện thời không theo kịp tốc độ phát triển của DN… Lúc này, CEO phải xác định đúng nguyên nhân, dự liệu các hệ lụy mà DN có thể phải đối diện: Bộ máy điều hành xáo trộn, các bí mật kinh doanh bị tiết lộ, hoạt động kinh doanh bị đình trệ.

Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của CEO Việt Nam hiện nay

Thứ nhất, đối với bản thân các CEO:

- Phải xác định luôn học hỏi mọi lúc mọi nơi những thứ cần thiết để luôn theo kịp sự thay đổi nhanh chóng của môi trường.

- Đăng ký và tham gia các khóa đào tạo, các hội thảo, chuyên đề dành cho các lãnh đạo DN một cách hệ thống để trang bị các kiến thức liên quan đến tầm nhìn và chiến lược; quản trị sự thay đổi; phát triển nguồn nhân lực; động viên khuyến khích, huy động các nguồn lực trong và ngoài tổ chức…

- Chú trọng trang bị kiến thức về hội nhập quốc tế: nắm được bản chất, nội hàm, các hình thức và tính chất của hội nhập quốc tế; Hiểu được tính tất yếu và hệ lụy của hội nhập quốc tế như là một xu thế lớn của thế giới hiện đại.

Thứ hai, đối với Nhà nước:

- Có chính sách gắn việc nâng cao chất lượng giáo đào tạo với phát triển đội ngũ doanh nhân; Tiếp tục và hoàn thiện các chính sách, chương trình trợ giúp đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho DN. Đồng thời, có chính sách phát huy vai trò các tổ chức cung ứng dịch vụ tư vấn và đào tạo cho đội ngũ giám đốc, đội ngũ lãnh đạo, quản lý của DN; vai trò của các hiệp hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong việc tư vấn hỗ trợ các DN về nâng cao chất lượng nhân lực…

- Kiên quyết loại bỏ, cách chức và cho nghỉ việc những CEO tại các Tập đoàn, DN làm ăn thua lỗ phá sản để làm gương và tạo nên tinh thần và văn hóa dám làm, dám chịu trách nhiệm của một thế hệ doanh nhân mới hết lòng vì sự phát triển của đất nước.

- Thực hiện triệt để chiến lược phát triển giáo dục đào tạo, thực sự coi “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực góp phần gián tiếp tạo nên các CEO Việt Nam sau này.

Thứ ba, đối với các hiệp hội ngành nghề:

- Cần nâng cao hoạt động của các hiệp hội theo hướng thực chất, thiết thực và hiệu quả nhằm tạo nên khí thế, tinh thần doanh nhân cạnh tranh lành mạnh, hợp tác phát triển, chia sẻ và đoàn kết giữa các CEO với nhau và đặc biệt khi đầu tư ra nước ngoài.

- Các cấp lãnh đạo của tỉnh, thành phố cần triển khai các chính sách nhằm quan tâm hơn nữa đến hoạt động phát triển đội ngũ doanh nhân, đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực quản trị cho DN. UBND các tỉnh cần bố trí nguồn lực, tập trung chỉ đạo sát sao các cơ quan ban ngành thực hiện tốt các hoạt động trợ giúp, phát triển DN. Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động các Hiệp hội tại các địa phương, đặc biệt là các hoạt động hỗ trợ công tác đào tạo, bồi dưỡng cho nguồn nhân lực quản lý nói chung và đội ngũ giám đốc DN nói riêng.

Thứ tư, đối với cộng đồng DN:

Các chủ DN, HĐQT trong các DN cần nên trao quyền và tách biệt giữa quyền sở hữu với quyền điều hành trong DN, hạn chế kiêm nhiệm cả chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc, giám đốc. Qua đó, phát huy tính chủ động, sáng tạo cho nhà quản trị DN, góp phần nâng cao hiệu quả điều hành trong DN.

Tóm lại, trong môi trường kinh doanh đầy biến động, giải pháp quan trọng để phát triển bền vững các DN lấy con người là trung tâm, lấy CEO làm hạt nhân của quản lý điều hành. Trong thời gian tới, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, bản thân CEO cần tập trung vào các nhóm giải pháp nâng cao như: Năng lực xây dựng tầm nhìn và lập chiến lược; Năng lực khởi xướng sự thay đổi; Năng lực phát triển đội ngũ; Huy động và phối hợp các nguồn lực và năng lực động viên khuyến khích. Các CEO cũng cần chủ động phát huy năng lực tự thân, năng lực vốn có và ý thức phát triển chuyên môn trước những thách thức của thời đại mới...

Tài liệu tham khảo:

  1. David T. Kyle . (2012), Bốn sức mạnh của nhà lãnh đạo, NXB Lao động;
  2. Koontz H. and O'DonnellC. (1955), Principles of Management: An Analysis of Managerial Functions, McGill Hill;
  3. Mumford and Connelly (1991), Leaders as creator: Leader performance and problem solving in ill-defined domains, Leadership Quarterly, 2 289-315;
  4. Mumford, Zaccaro, Harding, Jacobs và Fleishman (2000), “Leadership Skills for a Changing World: Solving Complex Social Problems,” Leadership Quarterly 11(1), 23,200;
  5. Pham Hoang Tu Linh (2017), The competency’s Leadership, educational managers in the context’s fourth industrial revolution, International Yearbook;
  6. Kantz (1955), Skills of an effective Administrator, Harvard Business Review, Jan-Feb, 33 42.