Nâng cao năng lực vận tải - bây giờ hay bao giờ?
(Tài chính) Ngay sau cuộc họp về “Tăng cường kết nối, nâng cao năng lực và hiệu quả của các phương thức vận tải khối lượng lớn để giảm áp lực cho vận tải đường bộ” của Bộ Giao thông - Vận tải vừa qua, một vấn đề đã được đặt ra, đó là nâng cao năng lực vận tải: bây giờ hay bao giờ?
So sánh chi phí vận tải/GDP của nước ta hiện nay là 15%, trong khi các nước châu Âu là 5 - 6%, Bộ trưởng Đinh La Thăng nêu lên câu hỏi về trách nhiệm của ngành giao thông đối với sự phát triển chung của nền kinh tế.
Rồi chính ông lại đặt vấn đề: Đây là thời điểm, là cơ hội cho các lực lượng vận tải phát huy ưu thế và năng lực của mình. Điều quan trọng là các lĩnh vực vận tải phải thay đổi cách tiếp cận. Không thể như đại diện ngành đường sắt, đường sông nói rằng, nếu doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa nói có nhu cầu thì chúng tôi sẽ mở rộng đầu tư. Không thể là câu chuyện quả trứng và con gà. Mà phải biết tự đặt cho mình câu hỏi rằng: mình có năng lực không? Cách gì để thu hút các khách hàng, doanh nghiệp lớn đến với mình? Trong khi đó, hiện nay, Bộ Giao thông - Vận tải đã có đề án kết nối các lĩnh vực vận tải. Trách nhiệm của từng cán bộ, nhân viên trong ngành được xác định rõ. Rằng, phải cải thiện, đổi mới hoàn thiện năng lực vận tải. Không thể để tình trạng tiêu cực, lót tay khi các doanh nghiệp đến với các đơn vị vận tải.
Câu hỏi tiếp theo được đặt ra là: Nâng cao năng lực vận tải: Bây giờ hay bao giờ? Mục tiêu của ngành này hướng tới là sự chuyên nghiệp trong vận tải. Vận tải phải trọn gói, không thể phân khúc, mỗi người một đoạn, mạnh ai nấy đi, thì đích đến về hoàn thiện năng lực vận tải sẽ mãi là câu chuyện cũ. Rồi ngành hàng không cũng phải thay đổi, để không còn chuyện, “ban ngày quá tải, ban đêm không có người đi”.
Đến thời điểm này, ngành giao thông vận tải đã từng bước khẳng định sự quyết liệt đồng bộ trong công tác kiểm soát tải trọng, nâng cao năng lực vận tải của các lĩnh vực. Đích đến là đưa giá cước vận tải đúng với thị trường, giữ được hạ tầng. Và điều quan trọng nhất là người dân phải được hưởng dịch vụ chất lượng tốt. Đây là một chủ trương đúng đắn, được sự nhất trí, sự quyết tâm chính trị của cả một ngành, xác định gây dựng niềm tin trong nhân dân, lẽ nào lại không thể?
Về mặt đầu tư hạ tầng, Bộ Giao thông - Vận tải cũng tập trung xây dựng. Cụ thể, đường sắt đến tháng 3.2015 phải cải tạo xong tuyến Yên Viên - Lào Cai. Kênh chợ gạo 2015 hoàn thành. Đường bộ năm nay hoàn thành cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cầu Nhật Tân, Vĩnh Thịnh; Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng khẩn trương tiến độ. Thống nhất tổ chức lại vận tải khoa học, hợp lý, khai thác hiệu quả tốt hơn. Và trong năm nay, yêu cầu đặt ra là ngành phải thực sự đổi mới kinh doanh vận tải, đảm bảo an toàn giao thông. Đây là căn cứ, nhận xét để đánh giá. Tất cả mọi cán bộ trong ngành cần suy nghĩ trước thống kê 97,5% cán bộ của ngành hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ?
Một ưu tiên khác cũng được lãnh đạo ngành này xác định, là tập trung ưu tiên cho vận tải các sản phẩm nông nghiệp như phân bón, gạo, hoa quả, những sản phẩm của người nông dân - những người khó khăn nhất. Và đó cũng là giải pháp để thúc đẩy nông nghiệp phát triển, để khẳng định những đóng góp của ngành giao thông đối với sự phát triển chung của kinh tế đất nước. Vì vậy, rất cần có bước chuyển biến tích cực để nhân dân đánh giá và ghi nhận.