Nâng cao tính cạnh tranh cho thị trường lao động Việt Nam
(Tài chính) Sự thuận lợi trong quá trình cấp giấy phép lao động cũng như cấp visa cho người lao động là một trong những yếu tố nâng cao năng lực cạnh tranh của thị trường lao động Việt Nam.
Ông Dương Mạnh Hùng, Trưởng Phòng Quản lý Lao động nước ngoài (Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, trong quá trình áp dụng Nghị định 102 ngày 5/9/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Bộ luật Lao động về lao động người nước ngoài (NNN) làm việc tại Việt Nam đã phát sinh một số bất cập như: NNN vào Việt Nam lao động ngắn ngày, tham dự họp, khảo sát; thương nhân vào mua hàng hoá ngắn ngày; tình nguyện viên, thực tập sinh không trong diện thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết gia hoặc gia nhập... chưa được quy định trong Nghị định. Từ đó, gây ra những khó khăn cho NNN trong quá trình xin giấp phép lao động cũng như visa.
Thêm nữa, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập vào cuối năm 2015 sẽ cho phép các lao động có tay nghề cao của 10 quốc gia thành viên ASEAN di chuyển tự do hơn trong khu vực.
Vì vậy, cần phải có những điều chỉnh và sửa đổi để không chỉ tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho lao động NNN tại Việt Nam mà còn hội nhập với khu vực trong vấn đề di chuyển lao động vào cuối năm 2015.
Ông Benjamin Yap, Chủ tịch Danh dự Hiệp hội DN Singapore cho rằng, quá trình xin giấy phép lao động hay visa cho NNN hiện còn qua nhiều khâu, nhiều công đoạn và chưa có sự nhất quán ở mỗi cơ quan quản lý. Thông tin về quy trình xin giấy phép cho NNN cũng chưa được phổ biến rộng rãi trên các kênh thông tin đại chúng nên đã gây tốn kém thời gian chờ đợi cho các DN và NNN trong quá trình xin phép.
Luật số 47 tạo điều kiện tối đa cho người nước ngoài
Ông Nguyễn Văn Anh, Trưởng Phòng Xuất nhập cảnh (Công an TPHCM) cho biết, để giải quyết những tồn tại đã phát sinh trong quá trình thực hiện, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam Năm 2014 (Luật số 47) đã được Quốc hội thông qua và được chính thức áp dụng từ 1/1/2015 có nhiều đổi mới và tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho NNN tại Việt Nam.
Trước đây, NNN phải đến đăng ký tạm trú tại các cơ quan chức năng như công an phường, công an thành phố thì nay người quản lý kinh doanh, DN phải chịu trách nhiệm trước các cơ quan chức năng để khai báo tạm trú cho NNN mà mình đang quản lý, thuê, cung cấp dịch vụ.
Liên quan đến Nghị định 102, ông Dương Mạnh Hùng cho biết, Cục Quản lý Lao động nước ngoài đang đề xuất sửa đổi bổ sung giảm một số giấy tờ trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động của những trường hợp sau: đã được cấp giấy phép lao động và đang còn hiệu lực có nhu cầu làm việc cho DN khác cùng vị trí công việc đã ghi trong giấy phép lao động; đối với những NNN đã được cấp giấy phép lao động nhưng hết thời hạn và có nhu cầu làm việc cho DN khác cùng vị trí công việc đã ghi trong giấy phép; cấp phiếu lý lịch tư pháp cho các lao động NNN đã cư trú tại Việt Nam từ 6 tháng trở lên.