Nâng cao tính minh bạch và chất lượng hàng hóa trên thị trường chứng khoán Việt Nam
Nâng cao tính minh bạch và chất lượng hàng hóa trên thị trường chứng khoán Việt Nam là một trong những nhiệm vụ được đặt ra trong Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030.
Hàng hóa được giao dịch, mua bán trên thị trường chứng khoán là loại hàng hóa đặc biệt và vô cùng đa dạng bao gồm: cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ; chứng quyền, chứng quyền bảo đảm, quyền mua cổ phần, chứng chỉ lưu ký; chứng khoán phái sinh...
Tại Việt Nam, sau 25 năm hình thành và phát triển, số lượng cũng như chủng loại hàng hóa trên thị trường chứng khoán đã khá đa dạng và phong phú. Đến nay, thị trường chứng khoán đã thiết lập được: 01 thị trường cổ phiếu niêm yết có quy mô vốn lớn; 01 thị trường cổ phiếu niêm yết có quy mô vốn vừa và nhỏ; 01 thị trường giao dịch UPCoM; 01 thị trường trái phiếu doanh nghiệp; 01 thị trường trái phiếu Chính phủ chuyên biệt; và 01 thị trường chứng khoán phái sinh.
Đến nay, cấu trúc của thị trường chứng khoán đã tương đối hoàn chỉnh bao gồm thị trường huy động vốn (thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu) và thị trường phân tán rủi ro (thị trường phái sinh) với những sản phẩm cơ bản đã phong phú hơn rất nhiều so với hai thập kỷ trước.
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX), việc đa dạng hóa sản phẩm là một trong những công tác được chú trọng trong Chiến lược phát triển giai đoạn 2023 - 2027, định hướng đến năm 2030 của VNX. Việc đa dạng hóa sản phẩm được đề cập tại tất cả các thị trường, từ thị trường cổ phiếu, trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp, đến thị trường chứng khoán phái sinh và các sản phẩm khác.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường, theo Phó Tổng Giám đốc VNX, cần hoàn thiện hệ thống chỉ số. Cụ thể, quy hoạch lại các bộ chỉ số trên thị trường chứng khoán trên cơ sở sắp xếp lại thị trường giao dịch cổ phiếu, phát triển các sản phẩm chỉ số mới theo lộ trình của các cơ quan có thẩm quyền và đáp ứng nhu cầu thị trường bao gồm các chỉ số chỉ báo cơ bản và các chỉ số chuyên biệt. Bên cạnh đó, thống nhất chuẩn phân ngành cổ phiếu niêm yết theo thông lệ quốc tế để làm cơ sở phát triển các bộ chỉ số ngành cho các doanh nghiệp niêm yết; Xây dựng chỉ số chỉ báo cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, yêu cầu đặt ra hiện nay là cần nâng cao tính minh bạch và chất lượng hàng hóa trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo các chuyên gia chứng khoán, để làm tốt điều này, cần bám sát thực hiện các nhiệm vụ giải pháp được nêu ra tại Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1726/QĐ-TTg ngày 29/12/2023. Cụ thể:
Một là, thực hiện sắp xếp, phân loại cổ phiếu niêm yết và cổ phiếu đăng ký giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam dựa trên quy mô, chất lượng đồng thời nâng cao điều kiện niêm yết và điều kiện duy trì niêm yết đối với cổ phiếu.
Hai là, thẩm định, giám sát chặt chẽ việc phát hành chứng khoán; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn đúng mục đích theo phương án phát hành được cấp phép theo quy định pháp luật; kiểm tra, giám sát việc công bố thông tin của các doanh nghiệp huy động vốn trên thị trường chứng khoán; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Kiểm tra, xử lý kịp thời các doanh nghiệp không tuân thủ quy định pháp luật về niêm yết/đăng ký giao dịch.
Ba là, tăng cường kiểm tra việc tuân thủ công bố thông tin báo cáo tài chính; kiểm tra, giám sát việc cung cấp dịch vụ kiểm toán của các doanh nghiệp kiểm toán, kiểm toán viên nhằm nâng cao chất lượng báo cáo tài chính và dịch vụ kế toán - kiểm toán; xử lý nghiêm đối với hành vi vi phạm của doanh nghiệp kiểm toán, kiểm toán viên khi thực hiện kiểm toán các doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng.
Bốn là, tiếp cận thông lệ quốc tế và phù hợp với điều kiện của Việt Nam đối với các chuẩn mực về kế toán, kiểm toán. Áp dụng các chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS), chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) góp phần nâng cao tính minh bạch và tăng hiệu quả cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư.
Năm là, nâng cao chất lượng công bố thông tin của công ty đại chúng trên cơ sở thúc đẩy việc tuyên truyền, phổ biến các quy định về công bố thông tin; khuyến khích các đối tượng công bố thông tin bằng tiếng Anh; tổ chức kiểm tra để chấn chỉnh, nhắc nhở doanh nghiệp, thành viên, cổ đông lớn, người nội bộ, người có liên quan thực hiện nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin đầy đủ và kịp thời; hiện đại hóa hệ thống công bố thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, thành viên thị trường thực hiện công bố thông tin đầy đủ theo quy định.
Sáu là, phối hợp với các đơn vị trong và ngoài nước để đẩy mạnh các chương trình đào tạo, tuyên truyền về quản trị công ty, chương trình đánh giá xếp loại quản trị công ty hàng năm cho các công ty niêm yết; nâng cao vai trò và trách nhiệm của các Sở giao dịch chứng khoán trong việc giám sát thực hiện các quy định về công bố thông tin và quản trị công ty.
Bảy là, nâng cao chất lượng báo cáo thường niên của công ty đại chúng, hướng tới yếu tố phát triển bền vững dựa trên áp dụng tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (tiêu chuẩn ESG) theo thông lệ quốc tế.
Tám là, tăng cường vai trò và trách nhiệm của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tiến tới yêu cầu doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải được xếp hạng tín nhiệm, hình thành thói quen và thông lệ sử dụng kết quả xếp hạng tín nhiệm khi phát hành, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.
Chín là, nghiên cứu về tổ chức cung cấp dịch vụ định giá trái phiếu, tổ chức cung cấp dịch vụ định giá trái phiếu xanh, trái phiếu bền vững; chuẩn hóa quy định về trách nhiệm của tổ chức đại diện người sở hữu trái phiếu, tổ chức quản lý tài sản đảm bảo để tăng tính chuyên nghiệp cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp.