Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế ở Việt Nam

Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2020 xác định, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và áp dụng thuế điện tử là một trong những nhiệm vụ quan trọng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thuế. Theo đó, việc ứng dụng CNTT sẽ làm giảm ít nhất 50% chi phí tuân thủ pháp luật thuế cho người nộp thuế (NNT); tự động hoá ít nhất 90% khối lượng công việc trong tất cả các chức năng quản lý thuế đối với cơ quan thuế; Đồng thời, giúp loại bỏ thủ tục giấy tờ và sự tiếp xúc giữa NNT với cơ quan thuế. Thực hiện nhiệm vụ đó, trong những năm qua, ngành Thuế đã đẩy mạnh thực hiện ứng dụng CNTT vào công tác quản lý thuế, bước đầu đã mang lại nhiều kết quả thiết thực. Cụ thể:

Thứ nhất, ngành Thuế ứng dụng CNTT vào hoạt động tuyên truyền thuế. Theo đó, các công việc chủ yếu đã được áp dụng là: Cung cấp các văn bản pháp luật về thuế, trong mục văn bản pháp quy trên website của Ngành (www.gdt.gov.vn); mở các chuyên mục cung cấp tài liệu đặc thù trong website của ngành Thuế; niêm yết công khai bộ thủ tục hành chính thuế trên website Ngành và các trang điện tử của cơ quan thuế các tỉnh, thành phố. Các thông tin quan trọng liên quan đến việc triển khai các văn bản pháp luật mới về thuế đều có những chuyên mục riêng để NNT và những người quan tâm dễ dàng tìm hiểu. Đồng thời, thông qua ứng dụng CNTT cơ quan thuế các cấp đã trả lời, giải đáp kịp thời nhiều vướng mắc về thuế cho NNT.

Thứ hai, ngành Thuế đẩy mạnh thực hiện ứng dụng CNTT kết hợp giữa mã số Đăng ký kinh doanh và Đăng ký thuế tại bộ phận “một cửa” đã giảm đáng kể thủ tục và thời gian kê khai cho NNT.

Thứ ba, đã triển khai ứng dụng CNTT vào kê khai thuế trên cơ sở sử dụng công nghệ mã vạch hai chiều nhằm hỗ trợ người nộp thuế kê khai thuế nhanh chóng và chính xác. Tính đến 31/5/2014 số NNT được cấp dịch vụ đã lên tới 369.448 người, số NNT thực hiện gửi hồ sơ khai thuế qua mạng là 366.915 NNT, đạt 99,3% so với số NNT được cấp dịch vụ.

Thứ tư, ứng dụng CNTT trong trao đổi thông tin giữa ngành Thuế với hệ thống Kho bạc, Hải quan, Tài chính và Ngân hàng đã hỗ trợ cho NNT giảm thủ tục và thời gian nộp thuế. Tính đến ngày 27/5/2014, đã có 272 DN thực hiện nộp thuế điện tử với tổng số chứng từ 344 chứng từ, số tiền nộp tương ứng lên tới 114 tỷ đồng.

Thứ năm, ứng dụng hệ thống Kiosk (công nghệ màn hình cảm ứng giúp người sử dụng tra cứu thông tin đơn giản, dễ dàng bằng cách dùng tay “trỏ” vào các biểu tượng trên màn hình) thông tin hỗ trợ tra cứu nghĩa vụ kê khai, nộp thuế, số thuế còn phải nộp của NNT có tính ứng dụng cao, hỗ trợ NNT khi cần tra cứu các thông tin liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ thuế của mình.

Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến mạnh mẽ trong ứng dụng CNTT vào quản lý thuế, tạo sự thuận lợi cho NNT nói chung và DN nói riêng, trong thực tiễn triển khai hiện vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục, điển hình là:

Một là, khung pháp lý điều chỉnh liên quan đến các giao dịch điện tử trong cung cấp dịch vụ thuế của cơ quan thuế chưa hoàn thiện và đồng bộ. Hệ thống các văn bản pháp lý còn thiếu các quy định cụ thể như quy định tờ khai thuế điện tử là như thế nào; tờ khai thuế điện tử được lưu trữ và quản lý tại cơ quan thuế và tại NNT để có thể sử dụng và đối chiếu khi cần; thủ tục để NNT sử dụng phương thức kê khai thuế điện tử và việc sử dụng các giải pháp an toàn bảo mật phải được cụ thể hoá...

Hai là, việc triển khai dịch vụ thuế điện tử mới chỉ được áp dụng đối với các công việc cơ bản như kê khai thuế, tra cứu thông tin của NNT. Các khâu công việc thực sự liên quan đến dịch vụ thuế điện tử như đăng ký thuế điện tử, khai thuế điện tử, cưỡng chế nợ thuế, hoàn thuế và thanh tra thuế điện tử chưa triển khai được toàn diện và đúng nghĩa.

Ba là, điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở hạ tầng công nghệ cho việc cung cấp dịch vụ thuế điện tử còn chưa hoàn thiện và đồng bộ; chưa đáp ứng được hết các nhu cầu của NNT khi sử dụng dịch vụ thuế điện tử.

Bốn là, vai trò của các tổ chức trung gian trong mô hình áp dụng dịch vụ thuế điện tử còn chưa thực sự được chú trọng, do đó ảnh hưởng đến phạm vi áp dụng cũng như tính hiệu quả của công tác kê khai, nộp thuế...

Năm là, trình độ về CNTT tại một số DN còn thấp, việc sử dụng các dịch vụ thuế do cơ quan thuế cung cấp còn nhiều lúng túng; điều kiện áp dụng CNTT (máy tính, đường truyền…) cũng ảnh hưởng đến chất lượng các dịch vụ thuế điện tử; tâm lý một số DN chưa sẵn sàng đón nhận các dịch vụ thuế điện tử do các chi phí hạ tầng cao.

Giải pháp nâng cao tính tuân thủ pháp luật thuế qua ứng dụng công nghệ thông tin

Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp lý đồng bộ liên quan đến dịch vụ thuế điện tử.

Dịch vụ thuế điện tử muốn triển khai có hiệu quả cần phải có một khuôn khổ pháp luật tương ứng. Có như vậy, các chủ thể tham gia dịch vụ thuế điện tử mới có căn cứ để tham gia trao đổi các thông tin, dữ liệu điện tử phục vụ cho công tác quản lý thuế; Đồng thời, các cơ quan quản lý mới có căn cứ để thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với dịch vụ thuế điện tử, xử lý các tranh chấp giữa các bên phát sinh trong quá trình hoạt động. Nếu hình thành một khuôn khổ pháp lý hiệu quả sẽ đảm bảo cho quá trình thực hiện dịch vụ thuế điện tử được tiến hành nhanh chóng, chủ động và minh bạch, tạo niềm tin cho DN và các nhà đầu tư tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh. Khung pháp lý này phải bao gồm hệ thống các văn bản luật, các qui định, các hệ thống văn bản hướng dẫn về quy trình thủ tục trong áp dụng dịch vụ thuế điện tử. Hệ thống pháp lý hỗ trợ dịch vụ thuế điện tử phải được soạn thảo, ban hành kịp thời, đầy đủ, toàn diện, đồng bộ, thống nhất, ổn định, rõ ràng, minh bạch, khả thi; phải kết hợp vận dụng các tiêu chuẩn chung đã được thừa nhận trên phạm vi quốc tế, giữa luật với các văn bản hướng dẫn thi hành luật phải nhất quán. Đặc biệt việc áp dụng dịch vụ thuế điện tử có liên quan đến hệ thống trao đổi dữ liệu điện tử, do đó khung pháp lý cũng phải đưa ra những quy định về việc bảo mật thông tin, không chỉ đối với nhà cung cấp mạng mà cả đối với chính cơ quan thuế, và NNT.

Cần có quy định NNT phải cung cấp thông tin dạng điện tử (số hoá) và có quy định cụ thể về sử dụng thông tin điện tử của các cơ quan có liên quan tới thuế. Bổ sung, sửa đổi các văn bản qui phạm pháp luật về kế toán điện tử, chứng từ điện tử, về trách nhiệm cung cấp dữ liệu điện tử cho cơ quan thuế của NNT; về quy chế trao đổi thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan quản lý liên quan đến công tác quản lý thu thuế. Quy định rõ hơn về trách nhiệm trong việc lưu giữ, bảo quản và sử dụng chữ ký số của doanh nghiệp. Xây dựng hệ thống cơ sở pháp lý đồng bộ về các tiêu chuẩn cấu trúc, kết nối thông tin và trách nhiệm cung cấp thông tin của từng bộ, ngành, tổ chức liên quan với cơ quan thuế. Có chính sách khuyến khích các DN cung cấp dịch vụ chứng thư số, dịch vụ Internet để làm cơ sở triển khai các dịch vụ điện tử về thuế.

Thứ hai, hoàn thiện cơ sở kỹ thuật hạ tầng và CNTT của ngành Thuế và cả phía NNT.

Xây dựng một hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật đảm bảo về an ninh, an toàn và có khả năng hoạt động liên tục 24/7. Hệ thống CNTT cần được tái thiết kế theo mô hình kiến trúc đầy đủ, hiện đại, đảm bảo dễ kết nối, nâng cấp và đáp ứng các chuẩn công nghệ quốc tế. Từng bước nghiên cứu áp dụng hình thức cung cấp tài khoản và mật khẩu áp dụng giải pháp an toàn cao, nghiên cứu nâng cấp sử dụng chữ ký số công cộng do các đơn vị được phép cung cấp thực hiện.

Cơ sở hạ tầng phải đảm bảo tính hiện hữu nghĩa là phải có một hệ thống chuẩn giữa các đơn vị thực hiện dịch vụ thuế điện tử. Các chuẩn này phải gắn với một hệ thống cơ sở dữ liệu và mạng liên kết để kết nối giữa các cơ quan: Thuế, Hải quan, Ngân hàng và các cơ quan có liên quan đến DN để quá trình truyền nhận thông tin dữ liệu điện tử được thông suốt. Hệ thống đường truyền phải đảm bảo thông suốt với hệ thống thiết bị, phần mềm ứng dụng đồng bộ, kết nối được giữa các bộ phận mới một cách nhanh chóng để xử lý thông tin. Bên cạnh đó, hệ thống còn phải đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin dữ liệu chống lại sự xâm nhập, phá hoại từ bên ngoài.

Đối với NNT muốn tham gia vào các giao dịch dịch vụ thuế điện tử phải đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất nhất định. Hệ thống máy tính của NNT phải được kết nối trực tiếp với trung tâm xử lý dữ liệu của cơ quan thuế. Do đó, các DN cần phải trang bị cơ sở hạ tầng đầy đủ và hiện đại; cần phải cài đặt các chương trình phần mềm khai báo điện tử theo đúng yêu cầu và tương thích với phần mềm khai báo của cơ quan thuế. Đặc biệt, phải không ngừng đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ cho công tác khai báo điện tử nói chung và dịch vụ thuế điện tử nói riêng.

Hơn nữa, cần phải đảm bảo sự phù hợp giữa mức độ hiện đại của máy móc thiết bị sử dụng, công nghệ và trình độ quản lý của DN và khả năng tiếp nhận của người nộp thuế. Theo đó, quá trình hiện đại hoá của cơ quan thuế cần phải thực hiện theo một lộ trình phù hợp, các biện pháp hoặc yêu cầu quản lý do cơ quan thuế đưa ra phải được đảm bảo thực hiện đầy đủ bởi NNT. Mặt khác, cả cơ quan thuế và NNT cũng cần có thời gian nhất định để hoàn thiện dần các điều kiện cần thiết phục vụ cho môi trường thuế điện tử một cách toàn diện.

Thứ ba, nâng cao trình độ nguồn nhân lực.

Để cơ quan thuế có thể thực hiện được việc cung cấp dịch vụ thuế điện tử cần phải có nguồn nhân lực đầy đủ và có trình độ cao để thực hiện dịch vụ thuế điện tử. Mặt khác, dịch vụ thuế điện tử là cả một quy trình thống nhất, liên tục, các bước đều liên quan chặt chẽ với nhau và được cài đặt một phần mềm hoạt động theo chương trình định sẵn, từ khâu tiếp nhận thông tin thuế điện tử đến kê khai, nộp thuế và thanh tra, kiểm tra thuế… Do đó, chỉ cần một sai sót nhỏ sẽ khiến cho quy trình buộc phải thực hiện từ đầu, gây tốn kém thời gian và chi phí. Vì vậy, để thực hiện dịch vụ thuế điện tử đòi hỏi cán bộ thuế phải có trình độ và kỹ năng chuyên sâu tốt, thành thạo trong các quy trình nghiệp vụ thuế. Cùng với việc nhận thức rõ tầm quan trọng, các ưu thế vượt trội của dịch vụ thuế điện tử so với dịch vụ thuế thủ công, DN muốn tham gia vào mô hình dịch vụ thuế điện tử phải cũng am hiểu nghiệp vụ cũng như thành thạo về CNTT.

Thứ tư, chú trọng đến vai trò của các tổ chức trung gian trong phát triển dịch vụ thuế điện tử.

Cơ quan thuế có thể phối hợp với các cơ quan trung gian cung cấp phần mềm để xây dựng một hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hoàn thiện và chuẩn xác, phù hợp với thực tế. Cơ quan thuế cần đưa ra các quy định ràng buộc trách nhiệm đối với cơ quan xây dựng phần mềm như: Áp dụng đúng các qui định về định dạng dữ liệu khi truyền thông tin đến cơ quan thuế; Cập nhật kịp thời để đảm bảo tương thích khi có các bổ sung, thay đổi định dạng dữ liệu của cơ quan thuế; Có trách nhiệm đảm bảo bí mật về tên, mật khẩu và các thông tin có liên quan đến việc cung cấp dịch vụ thuế điện tử.

Thứ năm, đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin hỗ trợ người nộp thuế đáp ứng yêu cầu của hệ thống ứng dụng thuế điện tử.

Cần có những thông tin và dịch vụ hỗ trợ phù hợp với nhu cầu của NNT để giảm bớt chi phí tuân thủ và tạo điều kiện cho quá trình áp dụng dịch vụ thuế điện tử đạt được hiệu quả như mong muốn. Nâng cấp trang thông tin điện tử để cung cấp đầy đủ các văn bản pháp quy, thủ tục thuế, tạo điều kiện thuận lợi nhằm hỗ trợ cho NNT có thể thực hiện tốt nghĩa vụ của mình. Xây dựng hệ thống cung cấp thông tin thuế qua tin nhắn (SMS) về mã số thuế, tình trạng DN, hoá đơn. Nghiên cứu triển khai phần mềm dịch vụ điện tử thuế với đầy đủ các tính năng như đăng ký, khai, nộp, tra cứu, đối chiếu nghĩa vụ thuế. Cung cấp các dữ liệu hỗ trợ cho NNT hoặc tích hợp vào các ứng dụng chuyên môn của DN.

Thứ sáu, tăng cường sự phối hợp, trao đổi thông tin giữa cơ quan Thuế với các cơ quan chức năng khác.

Hoàn thiện chương trình phần mềm quản lý thuế cần có sự tương thích với các chương trình quản lý của các cơ quan liên quan để thuận tiện cho việc kết nối thông tin, trao đổi dữ liệu điện tử giữa cơ quan thuế và các cơ quan liên quan. Thiết lập cơ chế trao đổi thông tin, đối thoại các thủ tục về thuế giữa cơ quan thuế với các bộ, ngành liên quan và NNT nhằm tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện dịch vụ thuế điện tử.

Nâng cao tính tuân thủ pháp luật thuế qua ứng dụng công nghệ thông tin

TS. VƯƠNG THỊ THU HIỀN

(Tài chính) Một trong những mục tiêu của Chương trình cải cách và hiện đại hoá ngành Thuế là ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý thuế. Điều này, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí cho doanh nghiệp mà còn giúp cơ quan thuế nâng cao chất lượng phục vụ, hỗ trợ cho người nộp thuế và hạn chế sự gian lận thuế.

Xem thêm

Video nổi bật