Nâng cao trách nhiệm kiểm toán trong quản trị ngân sách
(Tài chính) Để nâng cao chất lượng quản trị ngân sách quốc gia, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho rằng, việc quản lý và điều hành ngân sách nhà nước (NSNN) cần thực hiện một số giải pháp tổng thể.
KTNN cho biết, trong những năm qua, các báo cáo kiểm toán của KTNN ngày càng cung cấp cho Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan liên quan những thông tin giá trị trong quản trị tài chính công. Trong đó, KTNN luôn quan tâm và đẩy mạnh đến công tác kiểm toán NSNN.
Trong 5 năm trở lại đây, hầu hết các bộ, cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn kinh tế Nhà nước đều được kiểm toán ít nhất 2 năm/1 lần. 3 năm gần đây, TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội được kiểm toán hàng năm, chỉ riêng 2 thành phố này đã chiếm 21,3% thu, 24% chi ngân sách địa phương…
Bên cạnh đó, các cuộc kiểm toán ngân sách, tiền, tài sản tại các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế Nhà nước, KTNN còn thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN, làm cơ sở để Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN hàng năm.
Tuy nhiên, theo KTNN, công tác quản lý NSNN còn bộc lộ nhiều hạn chế. Nhiều bộ, ngành, địa phương lập dự toán thu còn thấp, không sát với thực tế nên kết quả thu ngân sách hàng năm vượt so với dự toán khá lớn, trong khi dự toán chi lập cao hơn thực tế, thiếu cơ sở, chưa sát, chưa đúng định mức, sai tính chất nguồn kinh phí…
Tổng hợp kết quả kiểm toán 5 năm gần đây (2009-2013), KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 91.168 tỷ đồng, chiếm 62% tổng số kiến nghị xử lý tài chính trong 20 năm (từ khi thành lập đến năm 2013, KTNN đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính 147.580 tỷ đồng), trong đó các khoản tăng thu NSNN 14.290 tỷ đồng, giảm chi NSNN 14.527 tỷ đồng, ghi thu-ghi chi để quản lý qua NSNN 5.177 tỷ đồng…
Nâng cao trách nhiệm của kiểm toán trong quản trị ngân sách
Để có giải pháp tổng thể nâng cao chất lượng quản trị ngân sách quốc gia, KTNN cho rằng, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý NSNN, theo hướng sửa đổi căn bản Luật NSNN năm 2002, trong đó, đổi mới quy trình lập, phân bổ, chấp hành và quyết toán ngân sách theo hướng hiện đại, dựa vào kết quả đầu ra và áp dụng kế hoạch tài chính ngân sách trung hạn, thực hiện các mục tiêu chiến lược ưu tiên quốc gia. Đồng thời có cơ chế kiểm soát, tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình về NSNN…
Đồng thuận với quan điểm này, PGS., TS. Trần Văn Tá - Chủ tịch Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) cho rằng, phạm vi hoạt động của KTNN trong lĩnh vực NSNN cần mở rộng hơn so với hiện hành. KTNN không chỉ có trách nhiệm trong kiểm toán NSNN mà còn có thẩm quyền và trách nhiệm trong công tác lập dự toán và quyết toán NSNN. Như vậy, KTNN có ý kiến độc lập, trình Quốc hội xem xét quyết định dự toán NSNN…
“Về phương diện kỹ thuật thực hiện các cuộc kiểm toán, trong lĩnh vực kiểm toán NSNN, KTNN cần chuyển trọng tâm từ kiểm toán tuân thủ sang kiểm toán hoạt động, đặc biệt là kiểm toán đầu tư công gắn với việc chuyển hướng quản lý, phân bổ NSNN theo mô hình kết quả đầu ra. Áp dụng phương pháp hạch toán theo kiểu doanh nghiệp trong quản lý, sử dụng NSNN, có nghĩa là tính đúng, tính đủ chi phí đầu vào và đánh giá theo kết quả đầu ra…”- PGS., TS. Trần Văn Tá chia sẻ.