Nâng cao vai trò và trách nhiệm của Hải quan Việt Nam
(Tài chính) Dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi) gồm 106 Điều, được bố cục thành 8 Chương, trong đó giữ nguyên 27 Điều, sửa đổi 45 Điều, bổ sung 34 Điều mới… Khắc phục những bất cập của Luật hiện hành, dự thảo Luật tập trung vào cải cách thủ tục hải quan, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý hải quan và kiện toàn hệ thống tổ chức hải quan.
Nội luật hóa các điều ước quốc tế
Xuất phát từ yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng mà thực tế phát triển kinh tế đối ngoại trước mắt cũng như lâu dài đặt ra, Luật Hải quan hiện hành phải được sửa đổi để nội luật hóa các điều ước quốc tế về hải quan mà Việt Nam là thành viên như Công ước Kyoto, Hiệp định GMS, Hiệp định về việc thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN, Hiệp định hợp tác hải quan ASEAN và góp phần cơ sở pháp lý để tham gia đàm phán các Hiệp định…
Vì vậy, vấn đề về cải cách thủ tục hải quan, hiện đại hoá quản lý hải quan, nội luật hoá các cam kết quốc tế đáp ứng yêu cầu hội nhập và tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) là một trong những nhóm vấn đề được triển khai sâu rộng tại dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi).
Theo đó, dự thảo Luật đã thay đổi căn bản phương thức thực hiện thủ tục hải quan, từ phương thức truyền thống, bán điện tử sang phương thức điện tử. Các quy định về địa điểm làm thủ tục hải quan (Điều 22), hồ sơ hải quan (Điều 24), thời hạn nộp hồ sơ hải quan (Điều 25), đăng ký tờ khai hải quan (Điều 30) cũng được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thủ tục hải quan điện tử.
Để đồng bộ với các quy định về thủ tục hải quan điện tử, dự thảo Luật Hải quan còn bổ sung, sửa đổi từ Điều 46 đến Điều 74 liên quan đến thủ tục hải quan cho các loại hình đối với hàng gia công, NK để sản xuất hàng XK; chế xuất; một số loại hình tạm XK, tạm NK... nhằm bảo đảm tính minh bạch và triển khai hiệu quả các ứng dụng công nghệ thông tin để hiện đại hoá chế độ quản lý hải quan và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính về hải quan như: Giảm các chứng từ tại bộ hồ sơ hải quan, quy định rõ thời hạn làm thủ tục hải quan, giảm thời gian kiểm tra thực tế hàng hoá xuống 8 giờ làm việc kể từ thời điểm người khai hải quan xuất trình hàng hoá cho cơ quan Hải quan. Cùng với đó, dự thảo Luật cũng áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra, giám sát hải quan; có chế độ ưu tiên, tạo thuận lợi về thủ tục hải quan cho doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện (Điều 16, Điều 17, Điều 38, Điều 39, Điều 40, Điều 41). Và bổ sung cơ chế xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan (Điều 28) sẽ tạo cơ sở pháp luật để cơ quan Hải quan thực hiện tạo thuận lợi thương mại, giúp doanh nghiệp chủ động xác định trước về nghĩa vụ thuế đối với hàng hoá dự kiến NK.
Đặc biệt, dự thảo Luật còn tạo cơ sở pháp lý để thực hiện thủ tục hải quan, chế độ kiểm tra hàng hóa XNK theo Cơ chế một cửa quốc gia (Điều 35) để nhằm tăng cường cơ chế phối hợp và bảo đảm thống nhất với các Luật, Pháp lệnh liên quan và bảo đảm cơ sở pháp lý để triển khai Cơ chế một cửa ASEAN, một cửa quốc gia về trách nhiệm các bộ, ngành trong việc cung cấp, trao đổi thông tin liên quan đến việc cấp phép, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK cho cơ quan Hải quan để làm thủ tục hải quan.
Nâng cao hiệu quả quản lý hải quan
Song hành với việc tạo thuận lợi thương mại, dự thảo Luật Hải quan tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý hải quan, tăng cường công tác bảo vệ lợi ích, chủ quyền quốc gia và an ninh kinh tế nhằm phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới, gian lận thương mại...
Để đáp ứng yêu cầu tăng cường hoạt động phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới của cơ quan Hải quan, tại Điều 91 dự thảo Luật quy định thẩm quyền của lực lượng kiểm soát hải quan được truy đuổi liên tục trong trường hợp có căn cứ xác định hàng hoá, phương tiện vận tải là hàng hóa, phương tiện vận tải buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới đang di chuyển từ địa bàn hoạt động hải quan ra ngoài địa bàn hoạt động hải quan. Điều 92 dự thảo quy định rõ các biện pháp cụ thể áp dụng khi tiến hành tuần tra, kiểm soát, điều tra, xác minh để cơ quan Hải quan có cơ sở thực hiện.
Ngoài ra, để phù hợp với quy định tại Khoản 2, Điều 14 Luật Biển Việt Nam “Nhà nước thực hiện kiểm soát trong vùng tiếp giáp lãnh hải nhằm ngăn ngừa và trừng trị hành vi vi phạm pháp luật về hải quan, thuế, y tế, xuất nhập cảnh xảy ra trên lãnh thổ hoặc trong lãnh hải Việt Nam”, tại Khoản 4 Điều 91 dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi) bổ sung quy định: “Tại vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, cơ quan Hải quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, phối hợp thực hiện tuần tra, kiểm soát nhằm ngăn ngừa hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới; thực hiện các biện pháp ngăn chặn và xử lý vi phạm theo thẩm quyền trong vùng nội thủy, lãnh hải phù hợp với quy định của Luật Biển Việt Nam”.
Tổ chức bộ máy theo yêu cầu công việc
Sửa Luật Hải quan để đổi mới toàn diện hoạt động hải quan, song hành với đó thì việc cải cách bộ máy tổ chức là việc cần phải thực hiện để đáp ứng yêu cầu công việc. Vì vậy, tại dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi) đã dành hẳn một chương quy định về nhiệm vụ, tổ chức Hải quan, trong đó quy định rõ nhiệm vụ của Hải quan, nguyên tắc tổ chức và hoạt động hải quan, hệ thống tổ chức hải quan và quy định về công chức Hải quan.
Tại Điều 14 dự thảo Luật Hải quan đã sửa đổi quy định về tổ chức bộ máy theo hướng bỏ cụm từ “tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” tại cấp Cục, bỏ cụm từ “cửa khẩu, Đội kiểm soát hải quan” và quy định có tính nguyên tắc chung về hệ thống tổ chức Hải quan Việt Nam gồm có: Tổng cục Hải quan; Cục Hải quan; Chi cục Hải quan, Đội kiểm soát và đơn vị tương đương.
Việc tổ chức theo mô hình này sẽ tăng cường được năng lực quản lý, điều hành của cấp Tổng cục Hải quan, giảm bớt đầu mối trung gian để phù hợp với yêu cầu cải cách, hiện đại hóa. Tiêu chuẩn hóa trụ sở làm việc gắn với hệ thống cơ sở vật chất và công nghệ thông tin hiện đại. Đặc biệt, nguồn nhân lực sẽ được chuyên nghiệp và nâng cao chất lượng hơn.
Hơn thế nữa, mô hình này hiện đã được Hải quan các nước trên thế giới áp dụng và triển khai có hiệu quả như hải quan: Pháp, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc…
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan Hải quan ở mỗi nước là khác nhau, phụ thuộc vào quy định luật pháp của các nước. Dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi) khi quy định về thẩm quyền của Hải quan Việt Nam căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ mà Nhà nước quy định cho Hải quan Việt Nam.
Trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và khu vực, thủ tục hải quan ngày càng đơn giản theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, khối lượng công việc của Hải quan ngày càng tăng lên, thủ đoạn buôn lậu, gian lận ngày càng trở nên tinh vi và ngày càng có mối liên hệ chặt chẽ với các yếu tố nước ngoài, thì việc mở rộng thẩm quyền cho cơ quan Hải quan cũng là một việc cần thiết. Tuy nhiên, việc mở rộng thẩm quyền này đến đâu còn phụ thuộc vào sự phân công phân nhiệm giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật, trong đó có cơ quan Hải quan.
Vì vậy, trong dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi) chỉ đề cập đến thẩm quyền của Hải quan được truy đuổi liên tục khi phát hiện hành vi phạm tội từ trong địa bàn hải quan ra ngoài địa bàn hải quan, cũng như thẩm quyền tuần tra của hải quan trên các vùng biển theo quy định của Luật Biển Việt Nam.
Với những quy định của Luật Hải quan hiện hành và những nội dung dự kiến bổ sung vào dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi) thì chức năng nhiệm vụ và thẩm quyền của Hải quan Việt Nam ở mức độ nào đó cũng tương tự như Hải quan các nước nêu trên.
PGS., TS. Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội
Trong điều kiện hội nhập quốc tế và yêu cầu từ thực tiễn, Luật Hải quan sửa đổi là cần thiết. Để đáp ứng yêu cầu thông quan hàng hóa nhanh chóng trong bối cảnh nhân lực của ngành Hải quan có hạn, tôi nghĩ có mấy việc quan trọng cần thực hiện để đáp ứng được yêu cầu này.
Thực tế hiện nay, công tác Kiểm tra sau thông quan (KTSTQ) đã có những bước tiến quan trọng. Sau những cuộc kiểm tra đã phát hiện những sai phạm, vi phạm các quy định liên quan đến XNK hàng hóa và thực hiện truy thu. Sắp tới, trước áp lực mở cửa nền kinh tế, quy trình thông quan phải nhanh, KTSTQ là 1 hậu thuẫn lớn trong quản lý rủi ro, bởi khi đã quản lý rủi ro rồi thì yêu cầu KTSTQ cần đặc biệt tăng cường.
Trong KTSTQ, có một vấn đề lớn là xác định trị giá hải quan. Đây là khâu phức tạp cho dù ngành Hải quan đã cố gắng để thu thập thông tin nhưng số lượng hàng có giá khai báo cao với trị giá hải quan vẫn lớn. Việt Nam là đất nước NK nhiều nguyên vật liệu đầu vào nên nếu không có phương pháp, quy trình xác định tốt thì làm thất thoát nguồn thu. Do đó cần tích hợp nhiều nguồn thông tin để xác định đối tượng nào, dòng hàng nào… có độ rủi ro cao để xây dựng chính xác địa chỉ KTSTQ, xây dựng kế hoạch KTSTQ.
Về công tác phối hợp với bộ, ngành liên quan trong khâu làm thủ tục, kiểm tra hàng hóa XNK thực hiện Cơ chế Hải quan một cửa là vấn đề mới, yêu cầu sự phối hợp thực sự hiệu quả. Hiện việc thực hiện cơ chế phối hợp này ở một số bộ, ngành, địa phương là chưa cao, một số bộ, ngành chưa vào cuộc. Thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, việc phối hợp giữa ngành Hải quan và các bộ, ngành là thực sự cấp bách, nếu không tôi nghĩ là khó có hiệu quả cao.