Nặng gánh bồi thường xe, doanh nghiệp nhỏ đã không thể… “làm liều”
(Tài chính) Năm 2015, trước rủi ro lớn từ bồi thường cao (dẫn đến lỗ nghiệp vụ, thậm chí có thể bị ngừng bán bảo hiểm xe cơ giới), giảm bồi thường được đặt ra như một nhiệm vụ cấp bách của các doanh nghiệp bảo hiểm nhỏ.
Thực ra, giảm bồi thường xe không phải là nhiệm vụ mới mẻ gì đối với toàn thị trường cũng như với các nhà bảo hiểm, nhất là với DN chiếm thị phần xe cơ giới lớn như Bảo hiểm PVI, PJICO, Bảo Minh… Mục tiêu này đã được đặt ra nhiều năm qua, nhất là khi tổng số tiền bồi thường bảo hiểm vật chất xe được xem là nhiều đến mức báo động từ năm 2012 và đây lại là mảng lại mang lại doanh thu nhiều nhất tại hầu hết DN.
Xét chung trên toàn thị trường, năm 2014, bảo hiểm xe cơ giới chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu (7.729 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 28,22%). Tuy nhiên, giai đoạn 2010 - 2012, nghiệp vụ bảo hiểm vật chất xe ô tô lỗ 900 tỷ đồng.
Tuy nhiên, để biến mục tiêu giảm tỷ lệ bồi thường thành hành động quyết liệt trên thực tế thì còn điều xa vời với nhiều DN nhỏ, bởi những đơn vị này vẫn nặng gánh doanh thu. Dẫu quyết tâm giảm tỷ lệ bồi thường, giảm trục lợi bảo hiểm thông qua chọn lọc khách hàng, tránh phân khúc rủi ro cao được đặt ra, dẫu các dịch vụ sản phẩm rủi ro cao như xe container, đầu kéo… được nhiều nhà bảo hiểm công bố là sẽ từ chối bán, nhưng áp lực doanh thu khiến một số đơn vị buông lơi làm liều, dẫn đến tỷ lệ bồi thường trên doanh thu vẫn cao.
Thế nhưng, năm 2015 này, trước rủi ro lớn từ bồi thường cao (dẫn đến lỗ nghiệp vụ, thậm chí có thể bị ngừng bán bảo hiểm xe cơ giới), giảm bồi thường được đặt ra như một nhiệm vụ cấp bách của các DN bảo hiểm nhỏ.
Tại VNI, đây là chiến lược do chính HĐQT đặt ra nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh bảo hiểm, bảo vệ quyền lợi của cổ đông, từ đó nâng cao thu nhập từ quỹ tiền lương cho toàn hệ thống. Trong cuộc thảo luận nói trên của Công ty, giải pháp đạt được sự đồng thuận cao là hình thức giao khoán để kiểm soát tỷ lệ bồi thường xe cơ giới, đồng thời giao cho các ban liên quan nghiên cứu thống nhất đưa ra cơ chế khoán từ năm 2015. Song song với đó là các chính sách tiền lương, cơ chế chi phí để khuyến khích các đơn vị có tỷ lệ bồi thường thực tế thấp hơn tỷ lệ bồi thường mục tiêu, ngược lại có các biện pháp giám sát đặc biệt đối với những đơn vị có tỷ lệ bồi thường cao hơn tỷ lệ bồi thường mục tiêu. Năm 2014, VNA ra khỏi danh sách các DN bồi thường trên 50% tổng doanh thu, tất nhiên đi kèm với đó là giảm 13,9% doanh thu phí, đạt 379 tỷ đồng.
Chia sẻ với ĐTCK, đại diện Bảo hiểm Xuân Thành (DN đứng thứ 2 trong danh sách có tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc cao nhất thị trường năm 2013 với 155% doanh thu phí) cũng cho biết, giảm bồi thường là mục tiêu chiến lược của Công ty trong năm 2015. Năm qua, Xuân Thành cũng đã kiểm soát chặt chẽ công tác bồi thường khi giảm chi bồi thường bảo hiểm xuống còn 36,62%. Đây cũng là tỷ lệ thấp hơn mức bình quân của thị trường (41%).
Một DN bảo hiểm nhỏ khác cũng cho biết sẽ thực hiện giảm bồi thường từ ngay chính nội bộ trước, theo đó sẽ thưởng với những đơn vị đạt tỷ lệ bồi thường thấp và có thể phạt những đơn vị có tỷ lệ bồi thường cao.
Cần nhắc lại là, năm 2014, với số tiền thực bồi thường bảo hiểm gốc của thị trường phi nhân thọ ước đạt 10.766 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 39,3%, thấp hơn khá nhiều tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc cùng kỳ năm 2013 (44,32%). Trong đó, 20/30 DN bảo hiểm có tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc thấp hơn tỷ lệ bồi thường của toàn thị trường. Kết quả trên được đánh giá một phần nhờ kiểm soát tốt hơn tỷ lệ bồi thường xe cơ giới.
Tuy nhiên, vẫn còn 10 DN có tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc cao hơn tỷ lệ bồi thường của toàn thị trường, trong đó có 8 đơn vị tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc trên 50% là Phú Hưng (167,94%), Fubon (142,44%), Cathay (110,08%), BVTM (106,68%), MSIG (70,52%), GIC (59,85%), Liberty (53,61%), Bảo Việt (51,72%).
Do đó, vẫn cần sự nhập cuộc mạnh mẽ hơn nữa của khối DN trên, nhất là các đơn vị dẫn đầu thị phần bảo hiểm vật chất xe cơ giới như Bảo hiểm Bảo Việt, PJICO..., vì đó chính là nhà bảo hiểm mang về doanh thu nghiệp vụ cao cho thị trường.
Dẫu các DN bảo hiểm đang trong quá trình đầu tư phần mềm liên quan đến bồi thường bảo hiểm, nhưng vẫn còn đó những thách thức cản trở mục tiêu giảm bồi thường như công nghệ quản lý lỗi thời, không theo kịp tốc độ phát triển của các hành vi gian lận, trục lợi bảo hiểm ngày càng gia tăng về số lượng và mức độ ngày càng tinh vi hơn… Do đó, giảm bồi thường vẫn cần sự chung tay của nhiều ngành, của toàn xã hội, chứ không chỉ riêng ngành bảo hiểm hay các DN đơn lẻ.