Năng suất lao động ngành chế biến, chế tạo của Việt Nam chỉ bằng 7% Nhật Bản, Hàn Quốc
Năng suất lao động ngành chế biến chế tạo của Việt Nam vẫn chỉ bằng khoảng 1/4 năng suất lao động của Trung Quốc và Malaysia; 1/3 của Indonesia và Philippines; 1/2 của Ấn Độ và Thái Lan và chỉ bằng khoảng 7% của Nhật Bản và Hàn Quốc vào năm 2015.
Đây là một trong những phát hiện chính trong Báo cáo “Năng suất và khả năng cạnh tranh của Doanh nghiệp ngành Công nghiệp Chế biến chế tạo của Việt Nam”, vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI), Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS) và Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) công bố sáng nay, 26-4, tại Hà Nội.
Cụ thể, chỉ số cạnh tranh công nghiệp, xuất khẩu công nghiệp chế tạo và chỉ số lợi thế so sánh hiện hữu (RCA) của Việt Nam trong những năm gần đây đã liên tục được cải thiện so với các nước trong khu vực.
Trong một số chỉ tiêu (như tỷ lệ giá trị gia tăng trên giá trị đầu ra hoặc doanh thu và RCA) Việt Nam vượt trội so với Ấn Độ và Bangladesh. Trong các chỉ số hiệu suất công nghiệp chế biến, chế tạo khác, đặc biệt là năng suất lao động, Việt Nam tụt lại sau các nước so sánh. Năng suất lao động ngành chế biến chế tạo của Việt Nam vẫn chỉ bằng khoảng 1/4 năng suất lao động của Trung Quốc và Malaysia; 1/3 của Indonesia và Philippines; 1/2 của Ấn Độ và Thái Lan, và chỉ bằng khoảng 7% của Nhật Bản và Hàn Quốc vào năm 2015.
Dựa trên phân tích toàn diện về ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và năng suất, khả năng cạnh tranh của các tiểu ngành trong ngành, Báo cáo khuyến nghị Việt Nam chuyển trọng tâm thu hút FDI từ số lượng sang chất lượng và gia tăng liên kết giữa các doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp FDI, đồng thời phát triển hệ sinh thái, chuyển dịch lên các mức cao hơn trong các chuỗi giá trị địa phương và toàn cầu. Đồng thời, cần ưu tiên nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp tư nhân trong nước.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Vũ Đại Thắng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: “Báo cáo nghiên cứu có thể được xem là một trong những thông tin đầu vào quan trọng cho quá trình xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (2021-2030) và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (2021-2025)”.