Kinh tế chia sẻ ở Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0
Làn sóng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như sự bùng nổ của công nghệ số đang được đánh giá là cơ hội "vàng" để Việt Nam rút ngắn khoảng cách phát triển với các quốc gia thông qua kinh tế chia sẻ.
Tuy nhiên, những khoảng trống về pháp lý đối với các mô hình kinh tế này đang tạo ra nhiều áp lực, thách thức cho các nhà hoạch định và thực thi chính sách. Bài viết trao đổi về những quan điểm về kinh tế chia sẻ, thách thức đặt ra và giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của kinh tế chia sẻ, nhằm tận dụng tốt các cơ hội, hạn chế được rủi ro tiềm ẩn từ trào lưu kinh tế mới đầy sôi động này.
Các quan điểm về kinh tế chia sẻ
Hiện nay, có rất nhiều định nghĩa khác nhau về kinh tế chia sẻ, tuy nhiên, chưa có một định nghĩa thống nhất về kinh tế chia sẻ cho tất cả mọi trường hợp hay mọi quốc gia. Theo Cristiano Codagnone and Bertin Martens (2016), kinh tế chia sẻ còn được gọi theo nhiều tên khác nhau như: kinh tế cộng tác, kinh tế theo cầu, kinh tế nền tảng, kinh tế truy cập, kinh tế dựa trên các ứng dụng di động…
Theo Wikipiedia, kinh tế chia sẻ là mô hình “thị trường lai” (ở giữa sở hữu và tặng quà), trong đó đề cập đến việc chia sẻ quyền truy cập vào hàng hóa và dịch vụ (phối hợp thông qua các dịch vụ trực tuyến dựa vào cộng đồng). Kinh tế chia sẻ cũng được coi là hoạt động tái thiết kinh tế, trong đó các cá nhân ẩn danh có thể sử dụng các tài sản, dịch vụ nhàn rỗi (bao gồm cả các tài sản vô hình như kỹ năng cá nhân và thời gian rảnh rỗi), được sở hữu bởi các cá nhân khác thông qua các nền tảng kết hợp trên internet. Đó là một mô hình kết nối để người tiêu dùng có thể tận dụng nguồn lực dư thừa của nhau.
Theo Investopedia, kinh tế chia sẻ có nhiều hình thức, nhưng hiện nay thường có điểm chung là sử dụng công nghệ thông tin để cung cấp cho các cá nhân, tập đoàn, phi lợi nhuận và chính quyền, từ đó cho phép tối ưu hóa các nguồn lực thông qua sự tái phân phối, chia sẻ và tái sử dụng các năng lực dư thừa hàng hóa và dịch vụ.
Từ các khái niệm trên cho thấy, ranh giới giữa các khái niệm có sự đồng nhất ở một số khía cạnh, tuy nhiên, tất cả các tên gọi khác của mô hình kinh tế chia sẻ đều có bản chất là mô hình kinh doanh mới của kinh doanh ngang hàng, tận dụng lợi thế của phát triển công nghệ số giúp tiết kiệm chi phí giao dịch và tiếp cận số lượng lớn khách hàng thông qua các nền tảng số. Kinh tế chia sẻ là một hệ thống kinh tế mà ở đó tài sản hoặc dịch vụ được chia sẻ dùng chung giữa các cá nhân, hoặc không phải trả tiền hoặc không trả một khoản phí, với tính chất điển hình là thông qua các công cụ công nghệ, kết nối internet. Đây là một phương thức kết nối mới giữa người mua (người dùng) và người bán (người cung cấp) đối với một hoạt động kinh tế.
Khái niệm về kinh tế chia sẻ không mới, được manh nha từ năm 1995, khởi điểm tại Mỹ với mô hình ban đầu có tính chất “chia sẻ ngang hàng” nhưng chưa thực sự rõ rệt. Mô hình kinh doanh này chỉ thực sự phát triển mạnh mẽ khi nền kinh tế Mỹ rơi vào khủng hoảng năm 2008, khiến người dân phải thay đổi phương thức tiêu dùng để thích ứng với bối cảnh khó khăn. Đến nay, tại nền kinh tế phát triển nhất toàn cầu này, tổng giá trị các DN tham gia loại hình kinh tế chia sẻ đạt khoảng trên 464 tỷ USD, chiếm khoảng hơn 3% GDP nước Mỹ. Với những lợi ích to lớn mang lại cho người dùng, sau đó, mô hình kinh doanh này đã nhanh chóng phát triển, vượt ra khỏi biên giới Mỹ, lan rộng khắp châu Âu và toàn thế giới…
Lợi ích và thách thức từ mô hình kinh tế chia sẻ
Về lợi ích
Về mặt vĩ mô: Kinh tế chia sẻ giúp đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hướng tới xây dựng đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hòa nhập với xu hướng phát triển Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0. Đồng thời, góp phần đẩy mạnh kinh tế vùng địa phương và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế đất nước... Đặc biệt, kinh tế chia sẻ còn góp phần cải cách bộ máy hành chính theo hướng Chính phủ số; thúc đẩy cải cách thể chế nhằm phát triển nền kinh tế số và tận dụng xu thế của CMCN 4.0.
Kinh tế chia sẻ là xu hướng mới song hành cùng cuộc cách mạng về công nghệ thông tin, trở thành một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế số, là mối quan tâm hàng đầu của các doanh nhân và DN khởi nghiệp tại nhiều quốc gia. Nền kinh tế chia sẻ ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với các DN. Nó giúp tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường, tăng tính hiệu quả của nền kinh tế, giảm bớt sự lãng phí tài nguyên xã hội và sự dư thừa năng lực của các sản phẩm dịch vụ.
Về mặt vi mô: Kinh tế chia sẻ được kỳ vọng mang lại nhiều cơ hội phát triển khi người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng có thể tiếp cận, khai thác, sử dụng những tài sản mà họ không sở hữu và không có điều kiện sở hữu riêng, trong khi đó, người sở hữu tài sản có cơ hội để tăng thêm thu nhập. Mô hình kinh tế chia sẻ trong cuộc CMCN 4.0 sẽ giúp cho người tiêu dùng có thể chia sẻ, tận dụng tối đa các nguồn lực dư thừa của nhau như nhà cửa, xe cộ, vật dụng… thay vì phải chi phí đầu tư mới cho việc mua sắm, sở hữu tài sản đó. Theo Đỗ Thị Nhung (2018), mô hình kinh tế chia sẻ đã tạo ra áp lực cạnh tranh đối với các loại hình kinh doanh truyền thống, thúc đẩy sự đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động kinh tế nói chung. Đồng thời, mô hình này đem đến lợi ích cho không chỉ các nền kinh tế, các DN, mà còn tác động tích cực đến đời sống từng cá nhân, giúp tối đa hoá lợi ích từ những nguồn lực có sẵn, thông qua việc chia sẻ, tận dụng các nguồn lực dư thừa của nhau.
Về thách thức
Tại Việt Nam, trong vài năm gần đây, mô hình kinh tế chia sẻ được đề cập nhiều hơn, đặc biệt là từ khi Công ty Uber và Grab bắt đầu cung ứng dịch vụ taxi công nghệ. Tiếp đó, sự xuất hiện của hàng loạt DN khởi nghiệp trong nước như: Ahamove.com, jupviec.vn, dobody… đã minh chứng cho những lợi ích mà mô hình này đem lại. Dù mới xuất hiện ở Việt Nam, nhưng kinh tế chia sẻ được kỳ vọng sẽ đem lại cho Việt Nam nhiều cơ hội, "thổi bùng ngọn lửa sáng tạo" cho hàng loạt lĩnh vực của nền kinh tế. Một khảo sát mới công bố của công ty Nielsen cho thấy, kinh tế chia sẻ có tiềm năng lớn để phát triển tại Việt Nam, cứ 4 người Việt được hỏi thì có 3 người cho biết thích ý tưởng kinh doanh của mô hình kinh tế này (chiếm 75%)...
Tuy nhiên, hiện nay, kinh tế chia sẻ tại Việt Nam chưa phát triển và còn đối mặt với không ít thách thức, rào cản. Đó là các dịch vụ theo mô hình kinh tế chia sẻ tại nước ta hiện còn mang tính tự phát, trong khi các cơ quan quản lý còn khá lúng túng trong việc xác định bản chất và cách thức quản lý mô hình này. Chẳng hạn, mô hình này đang gây khó khăn cho cơ quan quản lý kiểm soát nghĩa vụ tài chính, nghĩa vụ với xã hội, nghĩa vụ với các đối tượng tham gia. Đặc biệt, vấn đề an toàn cho người tiêu dùng rất khó quản lý.
Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật về hoạt động kinh doanh của Việt Nam như: Luật DN, Luật Đầu tư, Luật Giao dịch điện tử… và các quy định pháp luật khác hầu như còn bỏ ngỏ đối với mô hình kinh tế chia sẻ.
Dù mới xuất hiện ở Việt Nam, nhưng kinh tế chia sẻ được kỳ vọng sẽ đem lại cho Việt Nam nhiều cơ hội, "thổi bùng ngọn lửa sáng tạo" cho hàng loạt lĩnh vực của nền kinh tế. Một khảo sát mới công bố của công ty Nielsen cho thấy, kinh tế chia sẻ có tiềm năng lớn để phát triển tại Việt Nam, cứ 4 người Việt được hỏi thì có 3 người cho biết thích ý tưởng kinh doanh của mô hình kinh tế này (chiếm 75%)...
Mô hình kinh tế chia sẻ có thể tạo ra nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh với các DN truyền thống, do DN tham gia chưa đảm bảo dịch vụ của họ đạt chuẩn theo quy định của pháp luật. Các mô hình kinh tế chia sẻ đang gây ra những lo ngại về việc phá vỡ, tạo ra xung đột lợi ích với các ngành nghề kinh doanh truyền thống và bị tố cáo sử dụng nguồn vốn khổng lồ huy động được, trợ giá, tạo ra lợi thế cạnh tranh không công bằng, gây bất bình đẳng đối với các loại hình kinh doanh truyền thống. Bên cạnh đó, nếu mô hình kinh doanh mới này biến tướng, sẽ tạo ra một lượng lớn người lao động “nghèo khổ” - không có quyền lợi về bảo hiểm sức khỏe, bảo đảm công việc và những giao dịch ngang hàng sẽ làm gia tăng bất bình đẳng…
Một số giải pháp phát triển bền vững mô hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam
Kinh tế chia sẻ với ý nghĩa tích cực và tiềm năng rất lớn, được kỳ vọng sẽ là “chìa khóa” để Việt Nam có thể thúc đẩy tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững, đặc biệt là trong bối cảnh CMCN 4.0. Để phát triển bền vững kinh tế chia sẻ, cần quan tâm đến các quan điểm định hướng và giải pháp sau:
Thứ nhất, công nhận sự phát triển của kinh tế chia sẻ là tất yếu, phù hợp với xu thế phát triển của công nghệ thông tin. Kinh tế chia sẻ không phải là một bộ phận tách rời hoặc một thành phần kinh tế riêng trong nền kinh tế. Tăng cường nhận thức của các bên trong nền kinh tế chia sẻ, bao gồm: Nhà nước, DN, người dân. Đồng thời, có những đánh giá tác động của từng loại hình kinh tế chia sẻ tới nền kinh tế để có cơ chế quản lý phù hợp.
Thứ hai, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật và chính sách hiện hành để các hoạt động kinh tế chia sẻ được quy định và kiểm soát chặt chẽ tại Việt Nam (về đăng ký kinh doanh, thực hiện nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ tài chính, nghĩa vụ khai báo thông tin, nghĩa vụ về thực hiện chính sách bảo hiểm...), đặc biệt là quy định rõ trách nhiệm giữa các bên trong kinh tế chia sẻ.
Tuy nhiên, các chính sách phải tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế chia sẻ phát triển đi kèm với những chính sách khuyến khích phù hợp để thúc đẩy phát triển những mô hình kinh tế chia sẻ vì mục đích xã hội và không nên cấm các hoạt động kinh tế này.
Đồng thời, cần có các chính sách thúc đẩy mô hình này theo hướng nới lỏng các điều kiện kinh doanh truyền thống; nâng cao kiểm soát quản lý đối với mô hình kinh tế chia sẻ trong việc cung ứng dịch vụ để tịnh tiến dần sự công bằng giữa truyền thống và công nghệ, gia tăng tính cạnh tranh.
Thứ ba, xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin và dữ liệu giữa chính quyền các cấp và các DN, các hiệp hội ngành nghề, các hộ kinh doanh. Xây dựng cơ chế, chính sách giảm thiểu rủi ro cho các bên trong hoạt động kinh tế chia sẻ bao gồm cảnh báo sớm cho người cung cấp dịch vụ, bảo vệ người tiêu dùng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và đảm bảo an toàn thông tin trên môi trường mạng được thực hiện tốt trong bối cảnh các hoạt động kinh tế chia sẻ tăng lên nhanh chóng. Xây dựng cơ chế để các bên trong hoạt động kinh tế chia sẻ có thể kiểm soát được việc sử dụng thông tin của các nền tảng, các DN sử dụng dữ liệu cá nhân, tổ chức của mình theo đúng thỏa thuận giữa các bên…
Thứ tư, nâng cao năng lực quản lý của bộ máy nhà nước trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 để khuyến khích và quản lý sự phát triển các hoạt động kinh tế chia sẻ hiện còn đang ở mức thấp. Cùng với đó, các bộ/ngành tăng cường phối hợp với nhau trong công tác điều hành quản lý nhà nước và chia sẻ thông tin; cần có quy chuẩn chung về thu thập xử lý dữ liệu để có thể kết nối, lưu trữ phân tích thông tin làm cơ sở đề ra các chính sách phù hợp trong bối cảnh công nghệ xóa mờ ranh giới giữa các lĩnh vực, ngành nghề. Thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử giai đoạn 2020 - 2025...
Tài liệu tham khảo:
1. Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (2018), Thực trạng kinh tế chia sẻ ở Việt Nam: Kiến nghị giải pháp quản lý nhà nước;
2. Đỗ Thị Nhung (2018), Phát triển mô hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam và một số đề xuất;
3. Nhóm PV (2018), Kinh tế chia sẻ - “chìa khóa” của tăng trưởng, Báo Nhân dân điện tử;
4. Adam Hayes, CFA, The Economic Fundamentals of the Sharing Economy, investopedia.com.