Nâng tầm vị thế Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu: Không chỉ là điểm đến FDI

Hoàng Minh

Định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu không chỉ là cơ hội dành riêng cho Việt Nam. Để không bị đánh bật khỏi cuộc chơi, Việt Nam cần chuyển mình từ một “công xưởng gia công” thành một mắt xích chủ động, chất lượng và bền vững trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng đã có những tác động lớn đến Việt Nam.
Làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng đã có những tác động lớn đến Việt Nam.

Từ “công xưởng thế giới” đến ngưỡng cửa đổi vai

Trong bối cảnh tái cấu trúc mạnh mẽ của chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam đang đứng trước một ngưỡng cửa mới, nơi cơ hội và thách thức song hành. Việc gia nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị không còn chỉ là con đường tăng trưởng, mà là điều kiện tất yếu để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, giữ vững chủ quyền kinh tế trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng phân mảnh.

Thực tế cho thấy, Việt Nam đã gặt hái nhiều thành công trong việc thu hút dòng vốn đầu tư dịch chuyển khỏi Trung Quốc sau đại dịch. Các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Apple, Samsung, Intel, LG, Dell, Google... đã lựa chọn Việt Nam là cứ điểm chiến lược trong chuỗi sản xuất của họ.

Apple đã nâng số nhà cung ứng tại Việt Nam lên 35 doanh nghiệp, đưa Việt Nam trở thành trung tâm cung ứng lớn thứ tư toàn cầu, với hơn 15,8 tỷ USD đầu tư và khoảng 200.000 việc làm được tạo ra.

Samsung - nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất, đã rót trên 18 tỷ USD vào 6 nhà máy và một trung tâm nghiên cứu phát triển, biến Việt Nam thành căn cứ sản xuất smartphone số một. Những con số này cho thấy sức hút đặc biệt của Việt Nam trên bản đồ chuỗi cung ứng thế giới.

Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với một vị thế vững chắc. Tỷ trọng xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm đến 72% tổng kim ngạch năm 2024, trong khi khối doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm 28%, chủ yếu ở những ngành thâm dụng lao động như nông sản, dệt may, giày dép.

Tỷ lệ doanh nghiệp nội địa kết nối được với chuỗi giá trị toàn cầu năm 2023 chỉ còn 18%, giảm mạnh so với 35% năm 2009. Điều này phản ánh một thực tế đáng lo ngại: Nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa tạo dựng được sự lan tỏa đủ lớn từ khu vực FDI sang khu vực doanh nghiệp nội địa.

Để thay đổi cục diện, cần nhìn nhận rõ ràng chuỗi giá trị toàn cầu không chỉ là xuất khẩu. Thị trường Việt Nam, với hơn 100 triệu dân, cũng là một phần của chuỗi giá trị. Nếu các doanh nghiệp nội địa không nâng cao được năng lực cạnh tranh, không chủ động tham gia các tiêu chuẩn toàn cầu, thì ngay trên "sân nhà", họ cũng có thể bị lấn lướt bởi các tập đoàn đa quốc gia, như thực tế đã xảy ra trên nhiều sàn thương mại điện tử.

Việt Nam cần một chiến lược toàn diện để vừa giữ chân, vừa nâng tầm các doanh nghiệp FDI, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp trong nước vươn lên tham gia sâu vào chuỗi cung ứng.

Trước tiên, môi trường đầu tư phải tiếp tục cải thiện theo hướng minh bạch, ổn định và thân thiện hơn. Hạ tầng điện, khu công nghiệp, logistics cần đáp ứng yêu cầu của sản xuất hiện đại. Hệ thống logistics hiện chiếm 16–18% GDP, cao hơn mức 10–12% của các nước phát triển, đang là điểm nghẽn cần được khơi thông. 

Xây chuỗi lợi ích nội địa, kiến tạo vị thế mới trong toàn cầu hóa

Tuy nhiên, theo TS. Phạm Anh Tuấn  - Viện Kinh tế Việt Nam và Thế giới, cải thiện hạ tầng mới chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ là sự phát triển đồng bộ của công nghiệp hỗ trợ.

Việt Nam cần có chính sách cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ nội địa trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ trợ cho các tập đoàn lớn như Apple, Samsung, LG. Điều này đòi hỏi chất lượng sản phẩm Việt Nam phải đạt chuẩn quốc tế, đòi hỏi liên kết thực chất giữa doanh nghiệp nội địa và FDI, cũng như sự vào cuộc của nhà nước thông qua các trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo, đào tạo kỹ năng và nâng cấp tiêu chuẩn sản xuất.

Ngoài ra, cần có cách tiếp cận linh hoạt và đa chiều trong chiến lược hội nhập thị trường. Việc quá phụ thuộc vào một vài thị trường lớn như Mỹ và Trung Quốc (lần lượt chiếm khoảng 30% và 20% xuất khẩu) tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, RCEP mở ra cơ hội lớn để Việt Nam khai phá những thị trường giàu tiềm năng như EU, Canada, Mexico, Ấn Độ, Trung Đông, châu Phi. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phân mảnh, khi các nước lớn giảm giao thương với nhau, Việt Nam có thể lấp vào những khoảng trống này nếu chủ động định vị sản phẩm phù hợp.

Quan trọng hơn cả, Việt Nam cần khơi dậy sức mạnh nội sinh để chủ động hội nhập. Từng doanh nghiệp, từng hộ sản xuất, đặc biệt là 5 triệu hộ kinh doanh gia đình,  phải trở thành mắt xích hiệu quả trong các chuỗi cung ứng và chuỗi lợi ích nội địa. Sự gắn kết giữa doanh nghiệp lớn với nông dân, nhà cung cấp, nhà phân phối, người lao động sẽ tạo nên mạng lưới kinh tế tự cường.

Chỉ khi doanh nghiệp nội địa có năng lực cạnh tranh thực sự, có khả năng cung ứng giá trị vượt trội, họ mới có thể trụ vững trong chuỗi toàn cầu và bảo vệ được thị trường nội địa. Độc lập, tự cường không có nghĩa là khép kín, mà là có đủ nội lực để hội nhập một cách chủ động, thích ứng linh hoạt và tối ưu hóa lợi ích trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng.

Việt Nam không thể kỳ vọng vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu nếu vẫn chủ yếu làm gia công, lắp ráp đơn giản. Muốn có giá trị gia tăng cao, cần đầu tư vào thiết kế, R&D, công nghệ lõi. Cần thu hút những dự án đầu tư chiến lược có khả năng lan tỏa công nghệ và tạo đà phát triển kỹ năng cho lực lượng lao động.

"Nếu làm được điều đó, Việt Nam sẽ không chỉ là công xưởng hấp dẫn, mà còn là trung tâm sản xuất thông minh, có khả năng định hình xu hướng trong chuỗi giá trị toàn cầu tương lai", TS. Phạm Anh Tuấn cho biết.