Nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia tạo nên bước tiến quan trọng của thị trường vốn Việt Nam

TP.

Theo đánh giá của FiinRatings (FiinGroup), việc S&P Global Ratings nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+ với triển vọng Ổn định là một bước tiến quan trọng đối với nền kinh tế và thị trường vốn Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ngày 26/5/2022, S&P Global Ratings đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+ với triển vọng Ổn định. Trong bối cảnh triển vọng không mấy sáng sủa của kinh tế thế giới sau COVID-19 và ảnh hưởng của xung đột Nga-Ucraina, việc Việt Nam được một tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín hàng đầu thế giới nâng hạng cho thấy góc nhìn tích cực đối với Việt Nam trên thị trường vốn quốc tế.

Theo đánh giá của FiinRatings, sự kiện này là một bước tiến quan trọng đối với nền kinh tế và thị trường vốn Việt Nam bởi việc nâng hạng tín nhiệm quốc gia trong thời điểm kinh tế toàn cầu có nhiều bất ổn cho thấy sự công nhận về vị thế của kinh tế Việt Nam trên trường quốc tế và trong khu vực. Sau đại dịch COVID-19, Việt Nam là nước duy nhất trong 8 nước khối ASEAN được nâng hạng năm 2022, trong khi phần lớn các nước giữ nguyên, riêng Malaysia và Lào được Fitch Ratings hạ 1 bậc xuống lần lượt là BBB+ và CCC.

Bên cạnh đó, mức điểm BB+ đã tiệm cận với nhóm điểm mức Đầu tư của S&P, tức là nếu lên đến điểm BBB-, Việt Nam sẽ lọt vào tiêu chí đầu tư của nhiều định chế tài chính trên thế giới. Mức BBB- sẽ giúp đưa Việt Nam lên chỉ còn thấp hơn Indonesia 1 bậc và thấp hơn Thái Lan, Philippines và Malaysia 2 bậc.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Tùng Anh - Trưởng nhóm Nghiên cứu Rủi ro Tín dụng Khối Dịch vụ Xếp hạng Tín nhiệm FiinRatings (FiinGroup), việc nâng hạng tín nhiệm giúp giảm chi phí huy động vốn không chỉ cho trái phiếu Chính phủ Việt Nam trong sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế mà còn cho doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào thị trường nợ quốc tế.

Theo đó, dù không có thống kê về chênh lệch lãi suất giữa BB và BB+, thông lệ quốc tế cho thấy nếu vươn lên mức xếp hạng BBB, chênh lệch trung bình của các khoản vay sẽ là 150 đến 300 điểm phần trăm về lãi suất. Điều này đồng nghĩa với chi phí huy động của doanh nghiệp sẽ giảm đi đáng kể, đơn cử như lô trái phiếu quốc tế 525 triệu USD của VinGroup, theo tính toán của FiinGroup, chi phí vốn hàng năm có thể giảm được từ 8 đến 16 triệu USD nếu như lãi suất vay được xác định dựa trên mức xếp hạng ở mức BBB của Việt Nam. Dĩ nhiên, điều này còn phụ thuộc vào mức xếp hạng của chính doanh nghiệp tổ chức phát hành nữa.

Đại diện của FiinRatings cũng cho rằng, việc nâng hạng cũng giúp “nâng trần” xếp hạng đối với tất cả các doanh nghiệp của Việt Nam bởi S&P. Mức trần xếp hạng tín nhiệm này đã làm giảm đáng kể mức độ phân hóa về điểm xếp hạng tín nhiệm giữa các đơn vị phát hành công cụ nợ trên thị trường vốn quốc tế, dẫn đến việc nhà đầu tư gặp khó khăn trong phân loại và đánh giá giữa các hồ sơ tín nhiệm của đơn vị phát hành công cụ nợ, đặc biệt đối với nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư nước ngoài.