Nên để "sếp" doanh nghiệp Nhà nước hưởng lương theo kết quả kinh doanh
(Tài chính) Buổi họp chiều ngày 9/9 về dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) của Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách tiếp tục sôi nổi đến những phút cuối về các vấn đề doanh nghiệp nhà nước (DNNN), DN xã hội, nhóm công ty, hay các quy định về điều kiện kinh doanh.
Tại cuộc thảo luận, đa số các ý kiến nhất trí với điểm mới của dự thảo Luật Doanh nghiệp (DN) là bỏ nội dung về ngành nghề đăng ký đăng kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký DN. Điểm đổi mới này sẽ giảm đáng kể chi phí thực hiện thủ tục hành chính, nâng tính chủ động, linh hoạt cho DN trong kinh doanh. Tuy nhiên, theo quy định của dự án Luật, DN vẫn phải có nghĩa vụ kê khai, thông báo ngành, nghề kinh doanh với các cơ quan có thẩm quyền khi đăng ký kinh doanh hoặc khi bổ sung ngành, nghề kinh doanh để thực hiện nghĩa vụ của mình.
Đồng thời, dự thảo cũng thống nhất khái niệm DNNN là DN 100% vốn Nhà nước; còn DN có vốn khác của Nhà nước thì gọi là công ty cổ phần hoặc công ty TNHH có vốn Nhà nước. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thực tế một số DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoạt động yếu kém thời gian qua đặt ra yêu cầu cấp thiết cần quy định rõ ràng, chặt chẽ về cơ chế quản trị nội bộ của các DN này trong Luật DN.
Về chủ đề này, đại biểu Bùi Sĩ Lợi góp ý, nguyên tắc tiền lương trả cho cán bộ quản lý tại DNNN phải gắn với hiệu quả công việc, kết quả kinh doanh chứ không phải quy chế cố định, tối đa là 56 triệu đồng/tháng như hiện nay, mà không gắn với kết quả công việc. Đây cũng là quan điểm được đại biểu Trương Thị Mai đồng tình và nhấn mạnh phải rà soát để thống nhất với quy định lương trong Luật Lao động.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu thêm, vấn đề phải làm rõ ai quyết định lương của cán bộ quản lý DNNN. Đại diện chủ sở hữu quy định nhưng đại diện chủ sở hữu là ai, cơ quan nào sẽ quyết định lương cho từng loại hình DNNN khác nhau?
đại biểu Trần Du Lịch đề nghị, Ban kiểm soát của DNNN phải là chế định độc lập, không phụ thuộc hội đồng quản trị (HĐQT) như hiện nay. Ban kiểm soát phải do Bộ Tài chính bổ nhiệm, trên danh sách kiểm toán viên được phép hành nghề, kiểm soát cả HĐQT.
Nên hay không quy định về nhóm công ty?
Bên cạnh đó, cũng còn một số vấn đề các đại biểu có ý kiến khác nhau. Về nhóm công ty, đại biểu Bùi Sĩ Lợi cho rằng, quy định về nhóm công ty không phù hợp với phạm trù quy định trong Luật. Nếu cần thiết thì đưa vào một chương về thành lập tập đoàn, tổng công ty, vì khái niệm nhóm công ty không thể đại diện hết để xử lý với tập đoàn và tổng công ty.
Tuy nhiên, đại biểu Huỳnh Thành cho rằng, không chỉ có DNNN lớn mà hiện nay có nhiều DN tư nhân quy mô cũng rất lớn, hoạt động như mô hình tập đoàn hay nhóm công ty, với những quan hệ chưa rõ về cổ phần, cổ phiếu. Vì vậy phải tiếp tục ghi nhóm công ty vào luật này vì thực tế đã phát sinh mà chưa có luật nào điều chỉnh.
Trong khi đó, đại biểu Trần Du Lịch nêu kinh nghiệm quốc tế, các tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ con,… được hình thành tự nhiên theo quá trình tích tụ tư bản. Các chế định với đối tượng này là nhằm chống độc quyền, tránh nhóm này thôn tính, lũng đoạn thị trường. Còn với Việt Nam, mô hình tập đoàn, tổng công ty “không giống ai” nên không cần thiết quy định đối với nhóm này. đại biểu cho rằng, không nên vì mấy tập đoàn kinh tế nhà nước mà chế định vào luật, không quy định vẫn có thể phát triển các tập đoàn kinh tế lớn một cách tự nhiên. Nếu có quy định đó nên là những quy định hạn chế tình trạng độc quyền, sở hữu chéo, lũng đoạn thị trường.
Ưu đãi cho DN xã hội dễ bị lợi dụng
Về nhóm DN xã hội, đại biểu Trần Du Lịch cũng có quan điểm khác khi đề nghị bỏ không quy định nhóm này trong luật bởi cho rằng trong điều kiện nước ta hiện nay, các quy định này rất dễ bị lợi dụng. Để hỗ trợ cho DN xã hội, đại biểu đề nghị nên ưu đãi cụ thể trong các luật thuế, không nên để trong Luật DN.
Không đồng tình với quan điểm này, đại biểu Trương Thị Mai cho biết, hiện nước ta có khoảng 200 DN xã hội. Đây là loại hình DN đứng giữa khu vực công và tư, cần được ủng hộ phát triển nên cần có quy định về nguyên tắc hỗ trợ họ vận hành trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, cần làm rõ tiêu chí của DN xã hội như: Kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng với các DN khác; Mục tiêu không vì lợi nhuận mà trước tiên vì xã hội; Lợi nhuận sẽ tái phân bổ cho tổ chức, cộng đồng; Sở hữu của DN này là thuộc xã hội. Đây cũng là quan điểm được một số đại biểu đồng tình.