Nền móng của một chu kỳ tăng trưởng mới
(Tài chính) Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) đều tin rằng kinh tế toàn cầu sẽ bước sang một giai đoạn tăng trưởng mới cao hơn. Dù vẫn còn lo ngại về rủi ro địa chính trị như khủng hoảng tại Ukraine, kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ cải thiện hơn từ mức tăng trưởng 2,4% của năm ngoái lên 3,6% năm nay và 3,9% năm tới. Trong đó, sự phục hồi của các nước phát triển như Mỹ được kỳ vọng sẽ bù đắp tốc độ tăng trưởng có phần chậm lại của các quốc gia mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ và Nga.
Trong bối cảnh này, liệu Việt Nam có tận dụng được cơ hội để thúc đẩy kinh tế, thậm chí mở đầu cho một chu kỳ tăng trưởng mới?
Nhìn lại diễn biến kinh tế Việt Nam từ năm 1990, có thể thấy 2 chu kỳ tăng trưởng. Giai đoạn 1 (1990-1998) được đánh dấu bằng việc Việt Nam mở cửa nền kinh tế, đặc biệt là bình thường hóa quan hệ với Mỹ (1994). Lạm phát trong giai đoạn này đã giảm mạnh sau khi tăng phi mã ở thập kỷ trước. Nhưng điều quan trọng hơn cả có lẽ là Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty được ban hành vào năm 1990 đã giải phóng khu vực kinh tế tư nhân, tạo thêm động lực tăng trưởng cho nền kinh tế. Có những năm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã tăng lên đến hơn 9% như năm 1995 và 1996.
Thế nhưng, cuộc khủng hoảng châu Á 1997-1998 đã kết thúc chu kỳ tăng trưởng đầu tiên của một nền kinh tế mới chớm nở theo định hướng thị trường, khi tăng trưởng GDP sụt giảm nhanh chóng xuống chỉ còn 4-5% sau đó.
Chu kỳ thứ hai bắt đầu từ năm 2000. Chu kỳ này được hỗ trợ bởi Luật Doanh nghiệp sửa đổi, thị trường chứng khoán ra đời và đặc biệt là việc thông qua Hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ (2001), mở đường rộng hơn cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu trực tiếp vào nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Lạm phát thấp của những năm đầu 2000 cùng chính sách tự do hóa lãi suất đã tạo điều kiện cho ngân hàng huy động được lượng vốn lớn từ người dân để đáp ứng nhu cầu vay của doanh nghiệp, nhất là khi thị trường chứng khoán vẫn còn non trẻ. Kết quả là kể từ năm 2001, tổng vốn đầu tư toàn xã hội/GDP bắt đầu vượt mốc 30%, cao hơn mức trung bình 26,4% của giai đoạn 1992-2000.
Đặc trưng của giai đoạn này còn được thể hiện qua tốc độ mở rộng nhanh chóng của hệ thống ngân hàng, thị trường bất động sản và số doanh nghiệp mới thành lập không ngừng tăng cho đến năm 2009.
Thế nhưng, khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 đã giáng một đòn mạnh vào doanh nghiệp khi các thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, châu Âu rơi vào khủng hoảng. Và chu kỳ tăng trưởng thứ hai của Việt Nam kết thúc với lạm phát cao, tình hình tài chính yếu của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đầu tư công tràn lan và sự yếu kém của hệ thống ngân hàng đã bị phơi bày cùng sự sụt giảm đáng kể của giá nhà đất trong năm 2011-2012.
Tuy vậy, kể từ cuối năm 2013, tín hiệu tích cực đã bắt đầu xuất hiện. Lạm phát giảm xuống mức thấp chỉ còn 1 con số, tỉ giá ổn định, xuất khẩu tăng trưởng 2 con số. Hệ thống ngân hàng cũng đã ổn định hơn và tiếp tục con đường tái cấu trúc. Tăng trưởng GDP năm ngoái dù vẫn thấp (5,42%) nhưng đã cải thiện so với năm 2012 (5,03%).
Lạm phát được kiểm soát ở mức vừa phải là điều kiện quan trọng để Việt Nam thực hiện các công cụ tiền tệ và tài khóa nhằm kích thích kinh tế. Có thể thấy từ năm ngoái đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục hạ trần lãi suất huy động, giảm lãi suất các khoản cho vay ưu đãi. Đồng thời, Chính phủ cũng đưa ra các gói hỗ trợ cho lĩnh vực bất động sản, nông nghiệp. Tín dụng cho nền kinh tế nhờ đó đã tăng hơn 12%, cao hơn hẳn 2 năm trước.
Kinh tế vĩ mô ổn định hơn cũng đã thu hút một luồng vốn mới. Năm 2013, Việt Nam đã thu hút được 22,35 tỉ USD vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài, một sự phục hồi đáng kể sau khi sụt giảm 3 năm liên tiếp. Việt Nam hiện đang là đại bản doanh sản xuất của tập đoàn Hàn Quốc Samsung, dự kiến sẽ cung cấp đến 40% lượng điện thoại thông minh cho hãng này vào năm 2015. Không chỉ vậy, các công ty Nhật cũng thể hiện mong muốn chuyển dịch các cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam để tận dụng lợi thế chi phí sản xuất thấp tại đây.
Nền kinh tế cũng có một lực đỡ quan trọng khác là việc chuẩn bị tham gia các sân chơi lớn như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định FTA EU - Việt Nam, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và đặc biệt là việc thành lập khối cộng đồng kinh tế chung ASEAN. Điều này sẽ mở ra thêm nhiều thị trường rộng lớn cho doanh nghiệp Việt cũng như đẩy nhanh tiến trình cải cách trong nước.
Một động lực quan trọng không kém của nền kinh tế là sức khỏe của khối doanh nghiệp trong nước. Theo ông Don Lam, Tổng Giám đốc Quỹ VinaCapital, trong 3 năm qua có nhiều doanh nghiệp đã bị đào thải và các doanh nghiệp sống được đến thời điểm này được xem là những đơn vị mạnh, có đường hướng phát triển tốt hơn. Những doanh nghiệp có sức sống đáng nể nhờ triển khai chiến lược bài bản là Hoa Sen, Hòa Phát trong lĩnh vực tôn thép, Vinamilk trong ngành tiêu dùng hay FPT trong lĩnh vực công nghệ.
Khu vực doanh nghiệp nhà nước cũng có nhiều dấu hiệu tích cực. Từ đầu năm đến nay, đã có 13 tổng công ty nhà nước thuộc Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Xây dựng phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng trong kế hoạch cổ phần hóa 432 doanh nghiệp nhà nước từ đây đến năm 2015. Cải cách khu vực này đang là một ưu tiên của Chính phủ.
“Các chính sách Chính phủ Việt Nam áp dụng đang phát huy tác dụng. Tuy nhiên, cũng có nhiều cải cách khác Việt Nam cần tiếp tục thực hiện. Việt Nam còn nhiều tiềm năng và tăng trưởng kinh tế có thể lên tới mức 6-6,5% trong tương lai”, ông Naoyuki Shinohara, Phó Chủ tịch Thường trực IMF, nhận xét.