Nêu cao tinh thần làm chủ, ý thức chính trị của mỗi cử tri

PV.

Quyền bầu cử là quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp, pháp luật quy định nhằm bảo đảm cho mọi công dân có đủ điều kiện thực hiện việc lựa chọn người đại biểu của mình vào cơ quan quyền lực Nhà nước. Mỗi cử tri tự tay cầm lá phiếu để bầu người đại diện cho mình là thể hiện việc nêu cao tinh thần làm chủ, ý thức chính trị, là quyền và nghĩa vụ công dân, qua đó góp phần xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp ở nước ta đã trải qua 70 năm kể từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ngày 6/1/1946. Nhiều công việc trong các kỳ bầu cử đã thành nền nếp và có kinh nghiệm. Theo đó, tất cả mọi công việc trong chuẩn bị và tiến hành bầu cử đều hướng tới phát huy tốt nhất dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân, của mỗi ứng cử viên và mỗi cử tri để cùng hướng tới mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền vững mạnh thật sự của dân, do dân, vì dân.

Cử tri là người có quyền bầu cử. Theo quy định của pháp luật, Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ mười tám tuổi trở lên đều có quyền bầu cử.

Ở nước ta, việc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.

* Nguyên tắc phổ thông: thể hiện tính toàn dân và toàn diện của bầu cử, bảo đảm để mọi công dân không phân biệt dân tộc, nam, nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ mười tám tuổi trở lên đều có quyền tham gia bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên đều có quyền ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, theo quy định của pháp luật.

Nhà nước phải đảm bảo để cuộc bầu cử thực sự trở thành cuộc sinh hoạt chính trị rộng lớn, tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền bầu cử của mình, bảo đảm tính dân chủ, công khai và sự tham gia rộng rãi của các tầng lớp nhân dân.

* Nguyên tắc bình đẳng: là nguyên tắc bình đẳng nhằm bảo đảm sự khách quan, không thiên vị, để mọi công dân đều có cơ hội ngang nhau tham gia bầu cử; nghiêm cấm mọi sự phân biệt dưới bất cứ hình thức nào. Nguyên tắc này được thể hiện trong các quy định của pháp luật về quyền bầu cử và ứng cử của công dân: Mỗi cử tri được ghi tên ứng cử ở một nơi cư trú; mỗi người chỉ được ghi tên ứng cử ở một đơn vị bầu cử; mỗi cử tri chỉ được bỏ phiếu một phiếu bầu; giá trị phiếu bầu của mọi cử tri như nhau mà không có sự phân biệt; số lượng dân cư như nhau thì được bầu số đại biểu bằng nhau. Bên cạnh đó, cần có sự phân bổ hợp lý cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu để bảo đảm tiếng nói đại diện của các vùng, miền, địa phương, các tầng lớp xã hội, các vùng dân tộc thiểu số và tỷ lệ đại biểu nữ thích đáng...

* Nguyên tắc bầu cử trực tiếp: nghĩa là cử tri trực tiếp đi bầu cử, tự bỏ lá phiếu của mình vào hòm phiếu để lựa chọn ra người đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình, không được nhờ người khác bầu hộ, bầu thay hoặc bầu bằng cách gửi thư.

Trường hợp cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì có thế nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu, người viết hộ phải đảm bảo bí mật phiếu bầu của cử tri; nếu vì tàn tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu. Trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, tàn tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chổ ở của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và bầu.

* Nguyên tắc bỏ phiếu kín: Nguyên tắc này bảo đảm cho cử tri tự do chọn lựa người mình tín nhiệm mà không bị tác động bởi những điều kiện và yếu tố bên ngoài. Cử tri bầu ai, không bầu ai đều được đảm bảo bí mật. Khi cử tri viết phiếu bầu không ai được đến xem, kể cả cán bộ, nhân viên các tổ chức phụ trách bầu cử; không ai được biết và can thiệp vào việc viết phiếu bầu của cử tri. Cử tri viết phiếu bầu trong phòng kín và bỏ phiếu vào hòm phiếu.

Với mỗi công dân, bầu cử là một hoạt động quan trọng dù công việc này 5 năm mới diễn ra một lần và gói gọn trong một ngày.

Trong lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu ngày 5/1/1946, Bác Hồ chân thành mong muốn: "Ngày mai, tất cả các bạn cử tri, đều phải nhớ đi bầu cử. Ngày mai, mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do”.

Đi bỏ phiếu để bầu ra người đại biểu của chính mình là quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm công dân cao cả. Đó là quyền làm chủ về chính trị thiêng liêng của công dân. Quyền cơ bản đó là quyền con người mà dân tộc ta phải đổ biết bao xương máu mới giành được.

Chính vì vậy, công dân phải thấy hết giá trị thiêng liêng đó để đi bầu cử với tinh thần trách nhiệm cao nhất.