Nếu không sử dụng Quỹ Bình ổn giá, giá xăng có thể phải tăng 4 lần

Theo Báo Hải quan

(Tài chính) Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Anh Tuấn chiều tối nay 1/4 đã trả lời phỏng vấn báo chí xung quanh một số vấn đề về việc công khai, minh bạch trong quản lý và vận hành Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, nếu không sử dụng Quỹ Bình ổn giá, giá xăng thời gian qua có thể đã phải tăng tới 4 lần.

Thưa ông, việc tăng giá xăng dầu vừa qua là tất yếu bởi  giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ trong nước, trong khi Quỹ Bình ổn giá đã hết. Xin ông cho biết việc vận hành của Quỹ Bình ổn giá như thế nào?

Nếu không sử dụng Quỹ Bình ổn giá, giá xăng có thể phải tăng 4 lần - Ảnh 1
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính)
Hiện nay, Quỹ Bình ổn giá đang được thực hiện trích lập, sử dụng, quản lý theo quy định tại Thông tư số 234/2009/TT-BTC ngày 9/12/2009 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn cơ chế hình thành, quản lý và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 4, Thông tư 234/2009/TT-BTC thì: "Quỹ Bình ổn giá được trích lập bằng một khoản tiền cụ thể, cố định trong giá cơ sở theo quy định tại khoản 9, Điều 3, Chương I Nghị định số 84/2009/NĐ-CP là 300 đồng/lít (kg) của lượng xăng dầu thực tế tiêu thụ và được xác định là một khoản mục chi phí trong cơ cấu giá cơ sở của Thương nhân đầu mối. Trong trường hợp cần thiết Bộ Tài chính sẽ điều chỉnh mức trích lập, thời điểm trích lập Quỹ Bình ổn giá cho phù hợp với biến động của thị trường và có thông báo để các thương nhân đầu mối thực hiện".

Chính vì vậy, việc trích Quỹ Bình ổn giá là chi phí bắt buộc, không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp (DN).

DN kinh doanh xăng dầu đầu mối chỉ được sử dụng Quỹ Bình ổn giá vào mục đích Bình ổn giá xăng dầu trong nước theo chỉ đạo của Liên Bộ Tài chính - Công Thương (thông qua Tổ Giám sát Liên Ngành về giá xăng dầu).

Không phải lúc nào DN cũng được sử dụng Quỹ Bình ổn giá; chỉ khi giá thế giới tăng làm cho giá cơ sở tăng cao hơn giá bán hiện hành và Chính phủ thực hiện kiềm chế tăng giá hoặc không điều tiết tăng giá bán, Liên Bộ có công văn chỉ đạo DN sử dụng Quỹ Bình ổn giá. Mức sử dụng Quỹ Bình ổn giá không phải cố định mà phụ thuộc vào mức độ chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán hiện hành và mục tiêu điều hành giá dựa trên tình hình kinh tế, xã hội trong nước...

Ông có thể cho biết cụ thể cơ chế quản lý, kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng Quỹ Bình ổn giá  xăng dầu?

Việc trích, sử dụng Quỹ Bình ổn giá, các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối phải chấp hành đúng các quy định của Liên Bộ Tài chính - Công Thương (thông qua các thông báo, công văn của Tổ Giám sát Liên Ngành); DN không được phép tự động trích, tự động sử dụng tiền từ Qũy Bình ổn giá. Quỹ Bình ổn giá được hạch toán vào tài khoản riêng và chỉ được sử dụng vào mục đích Bình ổn giá, nghiêm cấm sử dụng vào mục đích khác. Định kỳ hàng quý các DN phải báo cáo kết quả trích và sử dụng Quỹ Bình ổn giá đối với Bộ Tài chính, kể cả trong những trường hợp yêu cầu báo cáo đột xuất.

Thời gian qua, Bộ Tài chính đã tổ chức các đoàn kiểm tra, thanh tra tình hình hoạt động, kết quả kinh doanh; tình hình trích lập, sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu ở tất cả các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối và công khai kết quả kiểm tra trước công luận (cuối năm 2011 và giữa năm 2012).

Đồng thời, phối hợp với Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tại các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối (cuối năm 2011 về kiểm toán chuyên đề về việc trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu giai đoạn 2009-2010). Trong đó, Kiểm toán Nhà nước đã đánh giá cao về hiệu quả của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục có các đoàn kiểm tra, thanh tra về tình hình sản xuất kinh doanh xăng dầu tại một số DN trong đó có nội dung kiểm tra về trích lập, sử dụng Quỹ Bình ổn giá để có tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 84/2009/NĐ-CP và Thông tư số 234/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Được biết, để kiềm giá xăng dầu, từ đầu năm đến nay, Liên Bộ Tài chính- Công Thương liên tục đưa ra quyết định tăng mức trích Quỹ, không tăng giá xăng dầu. Ông có thể cho biết số dư cụ thể của Quỹ vào những thời điểm trên?

Hiện nay, ở nước ta xăng dầu tiêu thụ trong nước chủ yếu là nhập khẩu trên thị trường thế giới mà thị trường xăng dầu thế giới luôn biến động bất thường do nhiều nguyên nhân. Sự biến động của giá xăng dầu có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến toàn bộ sản xuất và tiêu dùng trong nền kinh tế.

Để bình ổn giá xăng dầu trong nước, hạn chế tác động bất lợi gây ra đối với nền kinh tế và đời sống nhân dân do giá dầu tăng cao đột ngột, các nước trên thế giới đều có các biện pháp (kinh tế, hành chính) can thiệp vào hoạt động kinh doanh xăng dầu tuỳ theo tiềm lực và cơ chế quản lý kinh tế của mỗi nước.

Đối với nước ta, nền kinh tế đã và đang thực hiện cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước, cũng rất cần thiết phải có cơ chế điều tiết vào thị trường khi tình hình giá cả biến động thất thường và theo yêu cầu của tình hình cần thiết phải bình ổn giá (trong đó có giải pháp về Quỹ Bình ổn giá).

Kể từ lần tăng giá ngày 28/8/2012 đến nay, giá xăng dầu thế giới biến động chủ yếu theo xu hướng tăng. Tuy nhiên, để giữ ổn định giá bán xăng dầu trong nước nhằm bình ổn giá cả thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, Nhà nước đã không cho tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước mà thay vào đó đã cho phép sử dụng Quỹ Bình ổn giá (từ đầu năm 2013 đã có 4 lần điều chỉnh mức sử dụng Quỹ Bình ổn giá), như vậy, nếu không có Quỹ Bình ổn giá thì giá bán xăng dầu trong nước từ cuối năm 2012 đã phải tăng nhiều lần, đặc biệt từ đầu năm 2013 đã phải tăng liên tiếp tới 4 lần.

Cụ thể, lần thứ nhất ngày 15/1/2013, nếu không sử dụng Quỹ Bình ổn giá (300 đồng/lít,kg) thì giá bán xăng  dầu trong nước đã phải tăng khoảng 300 đồng/lít,kg tùy từng chủng loại.

Lần thứ hai ngày 28/1/2013, nếu không sử dụng Quỹ Bình ổn giá thì giá bán xăng dầu trong nước đã phải tăng từ 200- 500 đồng/lít,kg.

Lần thứ ba ngày 8/2/2013, nếu không sử dụng Quỹ Bình ổn giá thì giá bán xăng dầu trong nước đã phải tăng từ 200- 500 đồng/lít,kg.

Lần thứ tư ngày 26/2/2013, nếu không sử dụng Quỹ Bình ổn giá và tính đủ lợi nhuận định mức trong cơ cấu giá cơ sở thì giá bán xăng dầu trong nước đã phải tăng từ 1.000- 2.300 đồng/lít,kg.

Cho đến cuối tháng 3/2013, khi số dư Quỹ Bình ổn giá không còn, do sử dụng Quỹ Bình ổn giá trong một thời gian dài ở mức cao (từ giữa tháng 8/2012 đến đầu tháng 11/2012 và từ đầu năm 2013 đến cuối tháng 3/2013), trong khi mức trích Quỹ Bình ổn giá không thay đổi (300 đồng/lít,kg), mức sử dụng cao hơn mức trích nên tính đến cuối tháng 3/2013 thì nguồn lực Quỹ Bình ổn giá không còn (số dư Quỹ Bình ổn giá bị âm).

Cụ thể, tính đến ngày 20/2/2013, ước số dư quỹ Bình ổn giá khoảng 758 tỷ đồng cho nên Liên Bộ vẫn tiếp tục quyết định trích Quỹ để bình ổn giá xăng dầu. Tuy nhiên, sau hơn 1 tháng trích quỹ với mức khá cao 2.000 đồng/lít xăng thì đến trước ngày 28/3/2013, Quỹ Bình ổn giá đã âm 524 tỷ đồng. Như vậy, sau khi cân nhắc, Liên Bộ đã quyết định tăng giá xăng dầu vì nguồn Quỹ đã âm khá lớn.

Xin cảm ơn ông!