Nếu thuận lợi, lãi suất cho vay có thể giảm
(Tài chính) Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng trả lời phỏng vấn phóng viên.
Bà Nguyễn Thị Hồng
Tôi cho rằng, chúng ta đã có một nền tảng diễn biến kinh tế vĩ mô năm 2013 khá thuận lợi, đó là lạm phát đã được kiểm soát ở mức 6,04%, là năm thứ hai liên tiếp lạm phát ở dưới mức 7%; tăng trưởng kinh tế đạt 5,42%, cao hơn mức tăng 5,25% của năm 2012.
Kinh tế vĩ mô, tiền tệ ổn định hơn với mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm 2 -5%/năm, tỷ giá tăng hơn 1% - đúng trong biên độ đặt ra từ đầu năm; dự trữ ngoại hối Nhà nước tiếp tục tăng, thị trường tiền tệ, ngoại hối về cơ bản ổn định, nợ xấu từng bước được xử lý, thanh khoản và an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng được đảm bảo.
Năm 2014, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục đặt mục tiêu ưu tiên về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng trưởng hợp lý và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong đó đề ra chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế tăng 5,8%, chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 7% và tỷ lệ bội chi ngân sách Nhà nước là 5,3% GDP. Để đạt được mục tiêu này, Nghị quyết số 01/NQ - CP ngày 2/1/2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014 đã đưa ra đồng bộ và toàn diện các giải pháp chính sách.
Mặc dù có nền tảng thuận lợi từ năm 2013, nhưng việc điều hành chính sách kinh tế vĩ mô cần bám sát diễn biến thực tế để điều chỉnh một cách hợp lý. Sự phối hợp chính sách cũng cần thực hiện tốt hơn, đặc biệt là sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Việc xử lý nợ xấu đã và đang được hệ thống ngân hàng triển khai tích cực, nhưng để đẩy nhanh hơn, cần có sự phối hợp từ nhiều bộ, ngành, từ đó khơi thông dòng vốn tín dụng.
Với nền tảng thuận lợi của năm 2013 và với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự triển khai quyết liệt của các bộ, ngành, tôi hy vọng năm 2014 kinh tế vĩ mô sẽ tiếp tục khởi sắc và ổn định vững chắc hơn.
Bà có thể cho biết mục tiêu và định hướng các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong năm 2014?
Bám sát Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đặt mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ năm 2014 tiếp tục chủ động và linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, bảo đảm thanh khoản của các tổ chức tín dụng và nền kinh tế.
NHNN cũng đưa ra định hướng các chỉ tiêu tiền tệ ban đầu là tổng phương tiện thanh toán tăng từ 16-18%, tín dụng tăng trưởng từ 12-14%. Tuy nhiên, các chỉ tiêu định hướng này có thể được điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Trên cơ sở mục tiêu và định hướng như trên, chúng tôi sẽ bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ để chủ động điều hành các giải pháp, chính sách, trong đó tập trung một số điểm chủ chốt:
NHNN tiếp tục điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để kiểm soát lượng tiền cung ứng qua các kênh một cách linh hoạt, đảm bảo kiểm soát tiền tệ hợp lý; điều hành lãi suất và tỷ giá ở mức phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đặc biệt là diễn biến của lạm phát, góp phần ổn định thị trường tiền tệ, bảo đảm giá trị đồng Việt Nam. Nếu điều kiện thị trường diễn biến thuận lợi, các mức lãi suất cho vay có thể được các tổ chức tín dụng cân nhắc điều chỉnh giảm 1-2%/năm để hỗ trợ cho nền kinh tế. Tùy theo giá vốn đầu vào và khả năng tài chính của các ngân hàng, trần lãi suất huy động nhiều khả năng tiếp tục ổn định như hiện nay.
Chính sách tín dụng sẽ tiếp tục được điều hành theo phương châm mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn hiệu quả. NHNN sẽ thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục triển khai các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn cho DN để góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, giám sát sẽ được tăng cường; tiếp tục thực hiện các biện pháp xử lý nợ xấu; cơ cấu lại tổ chức tín dụng theo lộ trình các Đề án của Chính phủ, đảm bảo sự lành mạnh và an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh năm 2014, mục tiêu bội chi ngân sách đề ra là 5,3% GDP, nhu cầu phát hành trái phiếu chính phủ lớn hơn. Do đó, việc phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa là điểm rất quan trọng cần đặc biệt quan tâm trong quá trình điều hành hai chính sách. Cần phải giải quyết hài hòa mối quan hệ tiền tệ - tài khóa để không làm xô lệch các cân đối vĩ mô, vẫn phải đảm bảo chính sách tiền tệ đạt được mục tiêu lớn nhất là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an toàn hệ thống.
Thời gian gần đây mục tiêu tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng thường được “soi” rất kỹ. Mức tăng trưởng tín dụng trong những năm gần đây thường tăng vọt vào các tháng cuối năm? Bà có thể lý giải hiện tượng này?
Thực tế Việt Nam hiện nay, do thị trường vốn chưa phát triển, khả năng đa dạng hóa nguồn vốn huy động của doanh nghiệp (DN) còn hạn chế, hoạt động sản xuất, kinh doanh chủ yếu dựa vào nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng, kể cả nguồn vốn trung dài hạn. Đây là lý do tại sao diễn biến chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng thường nhận được sự quan tâm từ nhiều phía. Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng, bên cạnh nguồn vốn tín dụng ngân hàng, còn một nguồn vốn quan trọng nữa cho phát triển kinh tế là nguồn vốn từ nước ngoài: vốn đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp, vay nợ nước ngoài.
Do đó, con số tăng trưởng tín dụng đưa ra từ đầu năm chỉ là chỉ tiêu định hướng, việc thực hiện còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nguồn vốn nước ngoài vào nhiều thì không nhất thiết phải tăng trưởng tín dụng cao, hoặc tăng trưởng tín dụng không thể cao khi sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu… Bởi vậy, chỉ tiêu định hướng này cũng cần phải được đánh giá thường xuyên và điều chỉnh khi cần thiết.
Theo dõi số liệu trong nhiều năm qua thì thấy rằng, tín dụng thường tăng cao trong các tháng cuối năm. Tôi cho rằng đây là diễn biến hết sức bình thường, bởi có tính quy luật hàng năm. Điều này cũng dễ hiểu vì vào thời điểm cuối năm, các DN có nhu cầu vay vốn ngắn hạn để sản xuất, dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu Tết, nhu cầu vay vốn để đáp ứng hoạt động tiêu dùng cuối năm, nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất vụ đông – xuân… Sau khi tăng cao trong các tháng cuối năm thì tín dụng thường tăng chậm lại hoặc giảm nhẹ trong các tháng đầu năm sau.
Qua tiếp xúc, đối thoại với nhiều DN, bà thấy nổi lên những vấn đề gì?
Thời gian qua, Ban lãnh đạo NHNN đã tổ chức nhiều đoàn công tác đến các tỉnh, thành phố, cùng NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố làm việc với lãnh đạo địa phương, đối thoại với các doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Nhìn chung các DN đồng tình với các giải pháp về điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong thời gian vừa qua. Đặc biệt, mặt bằng lãi suất giảm khá mạnh đã tạo điều kiện giảm chi phí vốn cho DN.
Khi ngân hàng đưa ra những chính sách giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, đã hỗ trợ cho DN rất nhiều và DN được hưởng các chính sách này đều có cố gắng trong việc sản xuất, kinh doanh. Trong giai đoạn khó khăn vừa qua, bản thân các DN cũng tự tái cấu trúc, nâng cao trình độ quản lý, bố trí các lĩnh vực đầu tư hợp lý hơn. Nhiều DN cũng chú trọng phát triển các ngành hàng truyền thống của mình, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm...
Tuy nhiên, nhiều DN vẫn mong muốn lãi suất giảm thêm, các ngân hàng thương mại đơn giản hóa các thủ tục, điều kiện xét tín dụng. Những vấn đề này chúng tôi cũng mong muốn và hướng đến. Nhưng ngân hàng cũng là DN, nếu chi phí huy động vốn chưa giảm nhiều thì cũng rất khó để giảm lãi suất cho vay thêm. Bởi vậy việc tiếp tục giảm lãi suất còn phụ thuộc giá vốn và khả năng tài chính của từng tổ chức tín dụng.
Hơn nữa, kinh doanh tiền tệ có độ rủi ro cao hơn các lĩnh vực kinh doanh khác, nên việc kiểm soát phải chặt chẽ, tín dụng không thể hạ chuẩn để đảm bảo những yêu cầu trong an toàn hoạt động. Vì vậy, ngân hàng tiếp tục tin tưởng DN và hai bên cùng tìm ra các biện pháp để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Việc kết hợp chặt chẽ giữa điều hành lãi suất và tỷ giá là một trong những cách thức điều hành thành công trong năm 2013, bà có thể “bật mí” gì về thông điệp điều hành của hai chính sách này?
Như tôi đã nói ở trên, về cơ bản NHNN sẽ điều hành để giữ mặt bằng lãi suất ổn định như năm 2013, ngoại trừ trường hợp CPI giảm thấp hơn mục tiêu, có thể có điều chỉnh. Tuy nhiên việc giảm lãi suất sẽ trên cơ sở giá vốn, khả năng tài chính của từng ngân hàng và phù hợp với điều kiện của từng khách hàng.
Chính sách tỷ giá là một bộ phận của chính sách tiền tệ, do vậy, điều hành tỷ giá phải gắn với các công cụ của chính sách tiền tệ, đặc biệt là công cụ lãi suất. Năm 2014, Thống đốc NHNN đã đưa ra thông điệp điều hành tỷ giá trong biên độ tăng không quá 2%. Để đảm bảo đạt được mục tiêu này, chúng tôi sẽ bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, để từ đó có sự kết hợp chặt chẽ giữa chính sách lãi suất tiền đồng và lãi suất ngoại tệ hợp lý, đảm bảo nâng cao vị thế của đồng Việt Nam. Chúng tôi tiếp tục điều hành các kênh cung ứng tiền cũng như điều tiết lượng vốn khả dụng của hệ thống hết sức linh hoạt và hợp lý, đảm bảo không gây áp lực lên lạm phát cũng như áp lực lên tỷ giá.
Xin trân trọng cảm ơn bà!