Nga muốn qua Việt Nam để tìm lối vào thị trường ô tô ASEAN
Với tiêu đề “Nga đề nghị Việt Nam cùng lắp ráp ô tô”, báo Độc lập (Nga) số ra ngày 12/11 cho rằng ô tô Nga lắp ráp tại Việt Nam có thể sẽ xuất hiện tại các thị trường Đông Nam Á.
Sau cuộc họp trực tuyến giữa Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Trịnh Đình Dũng và Phó Thủ tướng Liên bang Nga D.N. Chernyshenko (hai đồng Chủ tịch Ủy ban liên chính phủ Việt – Nga về hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học – kỹ thuật), nhiều báo Nga đã rất quan tâm đến khả năng hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo ô tô và thông qua Việt Nam để đưa ô tô Nga đến với thị trường ASEAN.
Với tiêu đề “Nga đề nghị Việt Nam cùng lắp ráp ô tô”, báo Độc lập số ra ngày 12/11 cho rằng ô tô Nga lắp ráp tại Việt Nam có thể sẽ xuất hiện tại các thị trường Đông Nam Á.
Vì thế, Nga đặc biệt quan tâm đến việc thúc đẩy hợp tác về công nghiệp ô tô với các đối tác của Việt Nam, vì qua đó có thể cho phép thành lập trung tâm sản xuất - xuất khẩu ô tô sang các nước thành viên ASEAN.
Cũng theo bài báo, tại cuộc họp trực tuyến ngày 11/11, đồng Chủ tịch Ủy ban liên chính phủ Việt – Nga về hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học – kỹ thuật cũng đã thảo luận về việc thành lập các doanh nghiệp liên doanh lắp ráp ô tô tại Việt Nam.
Trong bài viết “Trung tâm xuất khẩu ô tô sang ASEAN: Cách Nga và Việt Nam có thể xây dựng trung tâm” đăng trên trang tin “Diễn đàn Hải quan”, tác giả cũng cho biết trong cuộc họp trực tuyến, phía Nga đã tỏ rõ mối quan tâm đến việc thành lập các xí nghiệp liên doanh lắp ráp ô tô tại Việt Nam, mở đường cho việc thành lập trung tâm xuất khẩu xe hơi sang các nước ASEAN.
Cổng thông tin của Chính phủ Nga, hãng thông tấn TASS và nhiều trang tin khác của nước này cũng khẳng định các ý trên, bên cạnh việc nêu bật những kết quả hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư song phương trong 8 tháng đầu năm nay.
Trước đó, tại phiên họp cấp Phó Chủ tịch của Tổ công tác cấp cao Việt-Nga về các dự án đầu tư ưu tiên diễn ra cuối tháng 8 vừa qua, hai bên cũng đã thảo luận về việc thực hiện các dự án đầu tư chung trong danh sách ưu tiên, bao gồm xây dựng Trung tâm khoa học và công nghệ hạt nhân tại Việt Nam, thành lập các liên doanh lắp ráp ô tô tại Việt Nam và sự tham gia của các công ty Nga trong phát triển chính phủ điện tử tại Việt Nam.