Nga và Na Uy hạ giá khí đốt: Nguy cơ cuộc chiến giá cả

Theo daibieunhandan.vn/Bloomberg

Thị trường châu Âu hiện đang dư thừa khí đốt giá rẻ nhờ nguồn cung từ Nga và Na Uy trong quý I năm nay đã đạt mức kỷ lục. Hãng tin này cho rằng Moscow và Oslo đang sử dụng chiến thuật tương tự như chiến thuật của Ảrập Xêút trong thị trường dầu mỏ.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Số liệu của Societe Generale cho biết 2 nước xuất khẩu khí đốt lớn vào châu Âu là Nga và Na Uy đã cung cấp lượng khí đốt kỷ lục trong quý I. Dựa trên số liệu của Tập đoàn khí đốt Nga Gazprom và nhà điều hành đường ống dẫn khí đốt Na Uy Gassco, lượng khí đốt 2 nước này cung cấp vào châu Âu đã tăng 18%/năm. Cuối năm nay Nga dự kiến đạt mức kỷ lục xuất khẩu khí đốt sang châu Âu, còn Na Uy dự kiến sẽ duy trì mức kỷ lục năm ngoái. Tình hình này khiến người ta nhớ lại những diễn biến trên thị trường dầu mỏ thế giới năm 2015 khi Ảrập Xêút bất chấp tình hình giá dầu giảm vẫn tăng sản lượng vì không muốn đánh mất thị phần vào tay các đối thủ sản xuất dầu đá phiến từ Mỹ.

Thị trường bão hòa đã ngăn các nhà cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ và kiềm chế nguồn cung gia tăng từ Qatar. Chủ tịch Pan Eurasian Enterprise tại Raleigh, Bắc Carolina, Zack Allen bình luận: “Cả Nga và Na Uy đều bảo vệ thị phần của mình khỏi bất cứ ai tìm cách thôn tính nó, chứ không chỉ riêng Mỹ”. Ông cho rằng Gazprom có động cơ duy trì thị phần và tăng doanh thu bằng USD sau khi đồng ruble mất giá.

Theo Viện Nghiên cứu năng lượng Oxford, Nga và Na Uy nhận thức rằng nếu họ không bảo vệ vị thế của mình trên thị trường, thì không chỉ Mỹ mà các nhà cung cấp LNG sẽ nhấn chìm họ. Ông lưu ý khi mùa hè đến gần, giá khí đốt thậm chí còn giảm hơn nữa. Châu Âu có cơ sở hạ tầng cho LNG và quyết tâm chính trị để đa dạng hóa nguồn năng lượng. Theo số liệu của Nhóm các nhà nhập khẩu LNG quốc tế, nguồn cung năng lượng đa dạng trên thị trường châu Âu năm 2015 đã tăng 16%.

Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách tiếp thị và bán hàng của công ty Na Uy Statoil, Tour Martin Anfinnsen cho biết, nếu giá khí đốt giảm hơn nữa, mua LNG sẽ không có lợi, vì khí đốt Na Uy và Nga (giao qua đường ống) sẽ rẻ hơn.

Trong khi đó, mùa đông vừa qua ở châu Âu tương đối ấm áp. Ở Anh ghi nhận nhiệt độ trung bình cao nhất kể từ năm 1772. Kết quả là, dự trữ khí đốt đã vượt quá mức trung bình 5 năm, và nhu cầu trước mùa đông tới sẽ ở mức thấp. Tại thị trường khí đốt lớn nhất châu Âu là Anh, giá khí đốt năm 2015 đã giảm 37%.

Tuy nhiên, cả Nga và Na Uy đều phủ nhận về việc họ đang sử dụng giá khí đốt như một vũ khí giành thị phần. Đại diện chính thức của Gazprom, Sergei Kupriyanov cho biết, khí đốt Nga cạnh tranh, và thị phần của tập đoàn thực sự đang tăng trong bối cảnh sản lượng khai thác ở châu Âu giảm. Năm 2015, doanh thu của tập đoàn tại thị trường châu Âu là gần 39 tỷ USD. Trong khi đó, theo đại diện của Statoil, Na Uy bán khí đốt cho những nơi có nhu cầu lớn và thị phần “là hệ quả của cách tiếp cận này, chứ không phải mục tiêu của họ”. Đại diện Bộ Năng lượng Na Uy Ella Byue Muerlann cũng nói rằng Na Uy không có chiến lược cụ thể về bán dầu và khí đốt, và thường bán cho những đối tác giúp đem lại lợi nhuận tối đa.

Chuyên gia phân tích của Sberbank CIB tại Moscow, Valery Nesterov, người làm việc trong lĩnh vực năng lượng hơn 40 năm, phân tích: “Có nguy cơ bùng phát một cuộc chiến giá cả, và ai tham gia thị trường cũng chuẩn bị cho điều này”. Theo ông, người bán khí đốt sẽ phải nỗ lực hết sức để duy trì thị phần, chưa kể đến việc họ muốn gia tăng nó, và họ sẽ cần phải dùng tới những bài học nhìn từ ngành công nghiệp dầu mỏ.