Ngăn chặn hàng lậu dịp cuối năm
Cuối năm là thời điểm tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, buôn bán hàng giả, gian lận thương mại diễn biến phức tạp với những thủ đoạn tinh vi gây rất nhiều khó khăn trong công tác kiểm tra, kiểm soát. Ban Chỉ đạo 389 quốc gia vừa yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chức năng cần nâng cao năng lực để nhận diện phương thức, thủ đoạn mới của đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả.
Tại Hội nghị giao ban Thường trực quý III, công tác trọng tâm quý IV/2020 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đánh giá, trong quý III, các bộ, ngành, đơn vị, địa phương đã triển khai nghiêm túc và hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.
Qua thực hiện các kế hoạch, chuyên đề trọng điểm đã triệt phá nhiều đường dây buôn lậu, gian lận thương mại góp phần ổn định kinh tế, đảm bảo an ninh trật tự xã hội. Các cơ quan chức năng cũng đã chú trọng thực hiện công tác tuyên tuyền, kịp thời khen thưởng tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc, thông qua đó tạo động lực cho cán bộ, chiến sỹ thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị.
Đánh giá tình hình buôn lậu, gian lận thương mại sẽ gia tăng mạnh thời gian cuối năm, Thứ trưởng Vũ Thị Mai đề nghị trong nhiệm vụ, công tác quý IV, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia để hoàn thành chương trình kế hoạch đã đề ra trong năm 2020.
Theo các cơ quan chức năng, các mặt hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ như thuốc lá, mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo, giày dép nhập lậu, sản xuất, chứa trữ để đón đầu mùa mua sắm cuối năm sẽ gia tăng.
Mới đây, trước dự báo tình hình buôn lậu, vận chuyển hàng hóa tiếp tục diễn biến phức tạp từ nay đến cuối năm, nhất là hàng hóa phục vụ tết Nguyên đán, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã có văn bản chỉ đạo Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chức năng tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; tăng cường phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các mặt hàng trọng điểm như xăng dầu, khoáng sản, thuốc lá, hàng điện tử điện lạnh cũ, dược phẩm, thược phẩm chức năng..., đặc biệt chú ý các mặt hàng liên quan đến phòng chống dịch Covid-19.
Đối với ngành Thuế, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế cũng cho biết, để đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại, ngành Thuế đã tăng cường công tác kiểm tra việc sử dụng, quản lý, lưu giữ hóa đơn và hồ sơ mua bán, thu gom hàng hóa có nguồn gốc nhập khẩu cư dân biên giới của các hộ, cá nhân kinh doanh khu vực biên giới để ngăn chặn tình trạng sử dụng hóa đơn hợp thức hóa hàng nhập lậu.
Từ đầu năm đến nay, ngành Thuế đã tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế; kịp thời trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong công tác điều tra, xác minh, xử lý các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả liên quan đến công tác quản lý thuế… Tính trong 3 quý đầu năm, cơ quan Thuế đã phát hiện, xử lý gần 49.000 vụ vi phạm, nộp vào ngân sách hơn 13.267 tỷ đồng.
Trong thời gian từ nay đến cuối năm, Tổng cục Thuế tiếp tục yêu cầu cơ quan thuế các cấp đẩy nhanh tiến độ thanh tra kiểm tra, đặc biệt chủ động phát hiện, đấu tranh ngăn chặn kịp thời, hiệu quả vấn đề đang nóng hiện nay trong chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên môi trường thương mại điện tử. Đồng thời, tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật của các thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại điện tử trên lãnh thổ Việt Nam đã được quy định tại Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ...
Về phía hải quan, ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, Lãnh đạo Tổng cục đã chỉ đạo toàn Ngành tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới tại các địa bàn và mặt hàng trọng điểm.
Chỉ đạo các đơn vị tập trung kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng cấm như: ma túy, vũ khí, pháo nổ, văn hóa phẩm độc hại, tài liệu có nội dung xấu, động, thực vật hoang dã; hàng có thuế suất cao, hàng giả nhãn hiệu, gian lận xuất xứ Việt Nam, hàng hóa kém chất lượng như xăng dầu, thuốc lá, phân bón, rượu, bia, hàng bách hóa tiêu dùng, khẩu trang y tế và các thiết bị phục vụ chống dịch...
Trong 1 tháng gần đây (tính từ ngày 16/9/2020-15/10/2020), toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ 1.243 vụ vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính gần 251,3 tỷ đồng, thu ngân sách nhà nước đạt trên 56 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, để hoàn thành nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Lãnh đạo Tổng cục Hải quan đã yêu cầu lực lượng chống buôn lậu của ngành Hải quan tiếp tục phát huy vai trò giúp việc Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia.
Đồng thời, tăng cường kiểm soát, đấu tranh đối với hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trên tất cả các tuyến. Trong đó, tập trung vào các mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu có điều kiện, hàng bách hóa, ngăn chặn vận chuyển hàng lậu, hàng giả trong dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán.