Ngăn chặn hành vi trốn và tránh thuế

PV.

Tổ chức phi chính phủ Oxfam vừa công bố Báo cáo “Nhìn nhận lại về tăng trưởng bao trùm”, trong đó, Oxfam lên tiếng kêu gọi các nhà lãnh đạo APEC cần ngăn chặn các hành vi trốn và tránh thuế của doanh nghiệp.

Cần hỗ trợ huy động nguồn thu từ thuế

Báo cáo “Nhìn nhận lại về tăng trưởng bao trùm” được Oxfam công bố vào ngày 1/11/2017, trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương tại TP. Đà Nẵng, Việt Nam. Báo cáo này là một nghiên cứu sâu về vấn đề làm thế nào để châu Á có thể đạt được tăng trưởng kinh tế mà không để ai bị bỏ lại phía sau?

Phân tích của Báo cáo cho thấy, mặc dù châu Á nói riêng và các thành viên của APEC nói chung tuy đã đạt được tăng trưởng đáng kể về kinh tế nhưng khoảng cách giàu nghèo đang ngày càng nghiêm trọng.

Từ thực tế trên, Báo cáo nhấn mạnh, các nhà lãnh đạo có thể tận dụng APEC 2017 để xác định lại mô hình kinh tế mà ở đó phụ nữ được tiếp cận với các cơ hội và được hưởng các lợi ích một cách bình đẳng với nam giới; người dân được đảm bảo về mức lương thỏa đáng, các dịch vụ công cơ bản và tiếp cận với nguồn lực sản xuất. Đồng thời, cần hỗ trợ các nền kinh tế thành viên huy động nguồn thu từ thuế để cung cấp tài chính cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo APEC cũng cần ngăn chặn các hành vi trốn và tránh thuế của doanh nghiệp; Tăng cường hợp tác trong việc nâng cao năng lực quản lý thuế, nâng cao hiệu suất thuế, thúc đẩy các chính sách thuế lũy tiến và xây dựng các hệ thống thu thuế hiệu quả và minh bạch hơn.

Những phương thức trên có thể giúp tăng nguồn thu ngân sách từ thuế để đầu tư vào các dịch vụ xã hội thiết yếu như y tế, giáo dục và an sinh xã hội; góp phần kiến tạo một xã hội và cộng đồng công bằng và tốt hơn.

Đề cao phương pháp phát triển bao trùm

Theo Oxfam, các nhà lãnh đạo APEC có thể thúc đẩy phát triển bao trùm bằng cách đảm bảo rằng người lao động nhận được một mức thu nhập thỏa đáng và công bằng. Để làm được việc này, các nhà lãnh đạo APEC phải giải quyết một loạt rào cản như: Sự thiếu hụt về chính sách trong giải quyết các vấn đề lao động; Áp lực của các doanh nghiệp phải tối đa hóa lợi nhuận bằng cách giảm chi phí lao động và khả năng thương lượng hạn chế của người lao động…

Các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, đặc biệt là những doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo rất quan trọng đối với tăng trưởng bao trùm, do vậy, lãnh đạo APEC cần đầu tư vào cung cấp các dịch vụ tài chính và vốn, nâng cao năng lực về phát triển và quản lý doanh nghiệp cho các doanh nghiệp này. Cùng với đó, tăng đầu tư công vào các dịch vụ giúp phụ nữ giảm gánh nặng công việc nhà để họ có thêm quỹ thời gian dành cho việc xây dựng và vận hành các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

Cũng theo Báo cáo, trên cương vị là nước chủ nhà APEC 2017, Việt Nam đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội, coi đây là các chiến lược nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng bao trùm, đồng thời, cũng nêu bật những mối liên kết chặt chẽ giữa ba trụ cột này và kêu gọi APEC cần xây dựng một phương pháp tiếp cận toàn diện để thúc đẩy tăng trưởng bao trùm.

Chia sẻ về vấn đề phát triển bao trùm, bà Babeth Ngọc Hân Lefur, Giám đốc quốc gia Tổ chức Oxfam tại Việt Nam nêu quan điểm: Các nhà lãnh đạo APEC cần thúc đẩy sự tham gia trực tiếp của người dân trong cả ba trụ cột về tăng trưởng bao trùm - bao gồm kinh tế, xã hội và tài chính.

Theo bà Babeth Ngọc Hân Lefur, APEC có thể thực hiện được bằng cách ghi nhận ý kiến của người dân trong hoạch định chính sách, nhất là những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến họ; đảm bảo người lao động được đại diện trong các cấu trúc doanh nghiệp và phát triển các dịch vụ tài chính đáp ứng nhu cầu của tất cả mọi người, bao gồm phụ nữ, người lao động, nông dân và ngư dân.

“Tăng trưởng bao trùm cần đem lại những thay đổi thực sự cho mọi người và không coi người dân chỉ là những đối tượng thụ động”, bà Babeth Ngọc Hân Lefur kỳ vọng.