Ngăn chặn thiệt hại về người và của từ dịch cúm gia cầm

LH

(Tài chính) “Chúng ta đều biết, bỏ một đồng ra để phòng chống dịch bệnh sẽ làm giảm hàng trăm đồng để xử lý khi dịch bệnh bùng phát” - đó là nhận định của Tổ chức Y tế thế giới (WTO) về việc phải chi phí để phòng chống dịch bệnh.

Ninh Thuận đã phải công bố dịch cúm H5N1 trên đàn yến. Ảnh: Internet
Ninh Thuận đã phải công bố dịch cúm H5N1 trên đàn yến. Ảnh: Internet
Thiệt hại về của:

Sự bùng phát dịch do chim di cư gây ra trong tháng 1 năm 2005 đã ảnh hưởng tới 33/64 tỉnh thành tại Việt Nam, dẫn đến hơn 140 triệu con gia cầm đã bị chết hoặc bị tiêu hủy (1,2 triệu con) do đợt dịch này, thiệt hại ước tính hàng trăm triêu đồng. Hiện, dịch cúm H5N1 lại đang quay trở lại và đe dọa phá hủy đàn gia cầm ở nhiều tỉnh như Đồng Tháp, Quảng Trị, Khánh Hòa, Tây Ninh, Điện Biên, Kiên Giang. Tính từ đầu năm đến nay đã có trên 30.000 con gia cầm mắc bệnh, chết và phải tiêu hủy, gần  200 con chim trĩ nuôi tại Châu Thành (Tiền Giang) và trên 10.000 con chim yến tại Phan Rang, Tháp Chàm (Ninh Thuận) bị dịch phải xử lý, tiêu hủy… gây thiệt hại về tiền của lên đến hàng tỷ đồng. Các tỉnh đã phải chi hàng trăm triệu đồng để mua hàng chục triệu liều vacxin để tiêm chủng cho các đàn gia cầm.

Tuy nhiên, thiệt hải về của chưa phải là vấn đề nguy hại, tính mạng của người dân mới là vấn đề đáng phải quan tâm hơn cả.

Thiệt hại về người:

Thống kê của Tổ chức giám sát dịch bệnh thuộc tổ chức y tế thế giới (Communicable Disease Surveillance & Response (CSR), World Health Organization -WHO) cho biết, thiệt hại về người do cúm H5N1 từ năm 2003 đến nay đã lên đến 371 người tử vong trên tổng số 622 người nhiễm bệnh, tỷ lệ tử vong lên đến 59,65%. Riêng tại Việt Nam, có 61/123 ca nhiễm bệnh đã tử vong (tỷ lệ gần 50%).

Đến nay, trong khi dịch cúm A (H5N1) này vẫn chưa được ngăn chặn triệt để thì lại có biến thể cúm A (H7N9). Dịch cúm  lại hoành hành tại Trung quốc, đang gây thiệt hải về người không nhỏ, từ cuối tháng 2/2013 đến nay đã có đã có hơn 100 người bị nhiễm cúm A(H7N9) tại 9 tỉnh, đặc biệt là ở hai thành phố (Thượng Hải, Bắc Kinh) và 4 tỉnh (Chiết Giang, Giang Tô, An Huy và Hà Nam), trong đó 60 người đã chết. Con số này vẫn đang gia tăng.

Dịch cúm A (H5N1, H3N1 và H1N1) đang lan sang một số tỉnh tại Việt Nam và có nguy cơ bùng phát trở lại. Từ đầu năm đến nay, đã có 119 trường hợp dương tính với cúm.

Bộ Y tế đề nghị các địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch liên ngành phòng, chống dịch cúm A/H7N9 và cúm A/H5N1. Bộ cũng sẽ đề nghị Tổ chức Y tế Thế giới hỗ trợ thuốc kháng virus trang bị phòng hộ từ nguồn dự trữ của khu vực. Việc không cho dịch cúm A/H5N1 lây lan là nhiệm vụ cấp bách hiện nay của các bộ, ngành.

Phòng chống dịch bệnh:

Ở Việt Nam chưa phát hiện ca bệnh cúm A (H7N9) trên người cũng như gia cầm. Tuy nhiên, dịch cúm A (H7N9) đang trở thành mối lo ngại chung bởi đặc thù độc tính cao, khả năng gây tử vong lớn. Vừa qua (15/4/2013), Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường phòng, chống dịch cúm gia cầm A (H7N9) và A (H5N1). Mặc dù dịch chưa lây lan sang nước ta nhưng các cấp chính quyền và người dân cần chuẩn bị các biện pháp phòng bị:

+ Các cơ quan báo chí, tuyên truyền khẩn trương phổ biến kiến thức và hiểu biết về  dịch cúm gia cầm, về phương thức lây lan, mức độ nguy hại đến tính mạng con người, các thiệt hại về tài sản vật chất, các phương án phòng chống dịch cho người dân, đặc biệt là ở vùng nuôi gia cầm tập trung...  đến từng thôn bản;

+ Các cơ quan chức năng (sở, ban, ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố) cần tập trung mọi phương án đối phó, đặc biệt, phải phối hợp chặt chẽ với nhau trong phòng chống dịch bệnh;

+ Ngành NN&PTNT cần tiếp tục tăng cường giám sát dịch cúm gia cầm để khi phát hiện dịch phải nhanh chóng khoanh vùng, cách ly, thực hiện tiêu độc, khử trùng... Ngành Y tế phải nhanh chóng rà soát lại phương án điều trị dịch cúm; chủ động đối phó với mọi trường hợp xảy ra, chuẩn bị phương tiện bảo hộ...

+ Các lực lượng: Tài chính (Hải quan, Thuế vụ), Bộ đội Biên phòng, Công an phải nhanh chóng triển khai các hoạt động kiểm tra, ngăn chặn nghiêm nạn buôn bán trái phép, đưa gia cầm qua cửa khẩu, biên giới...

+ Người dân có đàn gia cầm chăn thả phải thực hiện triệt để theo hướng dẫn của Ngành y tế, tiêm vacxin cho gia cầm ngay khi trong vùng lân cận phát hiện có trường hợp dịch bệnh.

+ Người tiêu dùng: không mua hàng thực phẩm không rõ xuất xứ.

+ Người buôn bán, giết mổ: Thực hiện quy định vệ sinh an toàn thực phẩm, không tiếp tay cho hành vi buôn lậu hàng không rõ xuất xứ, gián tiếp phát tán bệnh dịch, không những gây nguy hại cho người tiêu dùng mà còn nguy hiểm cho tính mạng của chính bản thân họ.

Nước ta đang đứng trước sự đe dọa của 3 loại dịch cúm nguy hiểm (H5N1, H1N1 và H7N9), nếu lây sang người thì chưa có vaccine phòng bệnh, cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Đây là những loại cúm nguy hiểm, độc lực cao, tỷ lệ tử vong lên đến 50%, thậm chí có thời điểm lên đến 100%. Vì thế “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, người dân cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh như chăn nuôi đảm bảo an toàn, tuyệt đối không tiếp xúc, giết mổ gia cầm ốm, chết; phát hiện gia cầm, chim yến ốm, chết phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương xử lý kịp thời.

Các nghiên cứu của các tổ chức khoa học cho hay, trong số 15 loài virus cúm gia cầm được biết đến, chỉ có biến thể H5, H7 và H9 là được biết đến với khả năng lây lan qua người từ chim. Có rất nhiều chuyên gia y tế lo ngại rằng một con virus mà đột biến đến mức mà có thể vượt qua được rào cản về loài (ví dụ: từ chim qua người), sẽ rất dễ dàng đột biến đến điểm mà nó có thể lây truyền từ người qua người. Một trận đại dịch sẽ rất có thể sẽ bùng phát vào thời điểm ấy. Một biến thể như vậy có thể gây ra một đại dịch toàn cầu, tương tự như cúm Tây Ban Nha trong năm 1918, đã làm chết hơn 20 triệu người (mặc dù một số nguồn tin cho rằng số người chết thậm chí còn có thể lên đến 100 triệu).