Ngăn chặn, xử lý nghiêm tội phạm
Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng tổng thể chung, tội phạm gia tăng cả về số vụ, số người chết và thiệt hại tài sản do tội phạm gây ra; đây là nhận định của Ủy ban Tư pháp khi thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023.
Với quyết tâm phòng ngừa và xử lý nghiêm tội phạm, năm 2023, các lực lượng chức năng, nhất là lực lượng Công an đã triển khai nhiều biện pháp để phát hiện, xử lý nhanh chóng những điểm nóng; xử lý nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp. Một số loại tội phạm được kiềm chế và kéo giảm, trong đó, số vụ phạm tội có tổ chức giảm 63,96%; tuy vậy, nhìn tổng thể chung, tội phạm gia tăng cả về số vụ, số người chết và thiệt hại tài sản do tội phạm gây ra.
Trong đó một số loại tội phạm tăng mạnh, như: số vụ giết người tăng 12,65%, lừa đảo chiếm đoạt tài sản tăng 61,52%, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự tăng 67,85%, gây rối trật tự công cộng tăng 80,75%. Số vụ vi phạm pháp luật và tội phạm trên lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông, mạng internet được phát hiện gia tăng.
Vi phạm pháp luật và tội phạm trên không gian mạng vẫn diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều phương thức thủ đoạn mới, tinh vi hơn, như: sử dụng mạng viễn thông, mạng máy tính để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tín dụng "đen" đã đẩy không ít người rơi vào cảnh khốn cùng.
Quá trình phát hiện, xử lý tội phạm cũng cho thấy, công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực vẫn còn nhiều sơ hở như: công tác đăng kiểm phương tiện giao thông, đào tạo và sát hạch lái xe; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... Chính những sơ hở trong quản lý đã tạo cơ hội cho một số đối tượng lợi dụng chức vụ, quyền hạn và vị trí công tác để trục lợi, nhận hối lộ.
Các hành vi vi phạm này đã kéo dài trong nhiều năm, xảy ra ở nhiều nơi nhưng chưa được kịp thời phát hiện, xử lý. Điều đáng nói, trong năm, tội phạm tham nhũng, chức vụ phát hiện tăng 51,63% về số vụ, tăng 96,85% số đối tượng. Hàng loạt các vụ án, đối tượng đã bị khởi tố vì liên quan đến vi phạm trong hoạt động đấu thầu, quản lý tài sản công, quản lý đất đai, đấu giá quyền sử dụng đất, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp...
Tình hình tội phạm gia tăng không chỉ gây bất an, bất bình đối với nhân dân mà còn ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đến sự phát triển bền vững của đất nước; điều này đòi hỏi các cơ quan phòng, chống tội phạm cần quyết tâm, quyết liệt hơn nữa để ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời xử lý nghiêm đối tượng phạm tội.
Vừa qua, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ Sáu. Theo đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 96/2019/QH14 của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện Kiểm sát Nhân dân, Tòa án Nhân dân và công tác thi hành án; trong đó, tăng cường biện pháp phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, nhất là tội phạm ma túy, tội phạm mua bán người, tội phạm công nghệ cao, tội phạm xâm hại, bạo hành trẻ em.
Cùng với đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như: quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, tài sản công; đấu thầu, mua sắm tài sản công; đấu giá, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu, xây dựng cơ bản; kịp thời phát hiện, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Để sớm triển khai nghị quyết của Quốc hội, cũng như ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành và các địa phương; đặc biệt là sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng trong phòng, chống tội phạm. Muốn vậy, cần xác định rõ trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu các cơ quan trong thực thi nhiệm vụ này.
Cũng cần nhấn mạnh rằng, muốn phòng, chống tội phạm thành công, ngoài mưu trí, dũng cảm, tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật, những người làm công tác phòng, chống tội phạm cần phải “sạch”, tránh tình trạng “chân mình lấm bết lấm bê, lại đi tìm đuốc để rê chân người".