Ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm về ma túy

Trần Huyền

Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, cơ quan hải quan cùng các lực lượng chức năng đã và đang đấu tranh quyết liệt nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm về ma túy đang ngày càng tinh vi, liều lĩnh và manh động.

Lực lượng hải quan phát hiện nhiều thủ đoạn cất giấu ma túy tinh vi. Ảnh: internet
Lực lượng hải quan phát hiện nhiều thủ đoạn cất giấu ma túy tinh vi. Ảnh: internet

Đã bắt giữ 167 vụ/178 đối tượng

Theo Tổng cục Hải quan, thời gian qua, tình hình hoạt động của tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy vẫn diễn biến hết sức phức tạp, có chiều hướng gia tăng. Thực tiễn công tác đấu tranh, phòng chống ma túy cho thấy, tội phạm ma túy diễn ra trên tất cả các tuyến, địa bàn và sử dụng mọi phương thức, thủ đoạn để vận chuyển ma túy vào lãnh thổ Việt Nam.

Các đối tượng buôn bán, vận chuyển ma tuý trong và ngoài nước cấu kết chặt chẽ với nhau hình thành các đường dây, tổ chức tội phạm; hoạt động không theo quy luật để trốn tránh sự phát hiện của các lực lượng chức năng với tính chất, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, liều lĩnh và manh động. Các đối tượng này trang bị nhiều phương tiện thông tin liên lạc hiện đại, vận chuyển ma tuý bằng nhiều loại phương tiện khác nhau, sẵn sàng dùng nhiều loại vũ khí “nóng” chống trả khi bị phát hiện, bắt giữ.

Trước tình hình trên, ngành Hải quan đã phối hợp chặt chẽ cùng các lục lượng chức năng triển khai quyết liệt các biện pháp đấu tranh phòng, chống ma tuý. Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, lũy kế 7 tháng năm 2023, ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng phát hiện, bắt giữ 167 vụ/178 đối tượng, trong đó Cơ quan Hải quan chủ trì 77 vụ. Tang vật thu được gồm: 2,351 kg thuốc phiện; 71,3kg cần sa; 81,3kg heroin; 321,3 kg cocain; 179 kg ketamin và 14.452 viên ketamin; 538,9 kg ma tuý tổng hợp và 224 viên ma túy tổng hợp; 2.393g ma tuý khác và 990 viên ma tuý khác (dạng viên).

Cơ quan Hải quan đã chủ trì, phối hợp đấu tranh thành công nhiều chuyên án liên quan đến buôn bán, vận chuyển trái phép ma túy, triệt phá thành công các đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy có quy mô lớn liên quan đến nhiều tỉnh, thành trên cả nước, bắt giữ được đối tượng chủ mưu, cầm đầu, bao gồm cả người Việt Nam và người nước ngoài. Số vụ việc buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy cơ quan Hải quan trực tiếp phát hiện, bắt giữ thời gian qua chủ yếu trên tuyến hàng không.

Ngăn chặn tội phạm ma túy trên tất cả các tuyến, địa bàn

Tuyến hàng không là địa bàn trọng điểm diễn ra hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy vào Việt Nam, tập trung chủ yếu qua cảng hàng không quốc tế: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng với các loại ma túy tổng hợp, các loại thuốc tân dược có chứa chất gây nghiện, hướng thần, cần sa.

Tổng cục Hải quan cho biết, ma túy được ngụy trang cất giấu, trà trộn trong hàng hóa là hàng ký gửi, chuyển phát nhanh, quà biếu phi mậu dịch, vận chuyển theo đường hàng không chủ yếu từ các quốc gia thuộc châu Âu (Đức, Hà Lan, Tiệp Khắc, Thổ Nhĩ Kỳ, Bỉ, Pháp…), châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc…), châu Mỹ (Canada, Hoa Kỳ…), châu Úc… về Việt Nam tiêu thụ trong nội địa hoặc trung chuyển đi nước thứ ba hoặc ngược lại.

Ma túy được các đối tượng ngụy trang, cất giấu ngày càng tinh vi, biến hóa, gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng như: đóng gói trong các vật phẩm chứa định dạng dễ che giấu như túi café hòa tan, thanh sôcôla, dầu gội đầu, dầu dừa, kem đánh răng, hộp thực phẩm chức năng, thuốc tân dược, bánh kẹo, đồ uống, sữa hộp, mỳ ăn liền, gói chè khô… Sau khi cất giấu, trộn lẫn ma túy trong hàng hóa thì dập nắp giống của nhà sản xuất.

Các đối tượng còn cất giấu ma túy trong các hộp linh kiện máy sấy tóc, hộp/bao/gói thực phẩm cho thú nuôi, ngũ cốc, trong bao nylon, giữa các lớp bìa cuốn truyện tranh, trong các máy móc, thiết bị, đồ gia dụng khó bị phát hiện thông qua soi chiếu (vách ngăn lò vi sóng, máy pha cà phê, nồi cơm điện, máy hút bụi, máy lọc không khí…).

Thậm chí, có trường hợp ma túy được cất giấu trong lô hàng bọc chì xung quanh và rắc ớt bột nhằm gây khó khăn cho máy phát hiện ma túy và chó nghiệp vụ… Các đối tượng cầm đầu lợi dụng người Việt Nam ở nước ngoài hoặc người Việt Nam đi du lịch nước ngoài để thuê vận chuyển dưới dạng hàng hóa, hành lý ký gửi, xách tay; liên lạc với nhau qua các ứng dụng đa phương tiện, SIM rác…

Trên tuyến đường bộ, các đối tượng tội phạm ma túy thường lợi dụng đường biên giới dài, địa hình rừng núi phức tạp, nhiều đường mòn, lối mở và kẽ hở, sự thông thoáng trong cơ chế, chính sách tạo thuận lợi đối với hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, quy trình thủ tục hải quan và các chính sách quản lý liên quan để trà trộn, cất giấu, vận chuyển trái phép chất ma túy từ Lào, Campuchia vào Việt Nam qua các tỉnh Tây Bắc Bộ, miền Trung và Tây Nam Bộ.

Các vụ việc về ma túy do cơ quan Hải quan bắt giữ qua tuyến đường bộ tập trung chủ yếu tại các địa bàn trọng điểm như các cửa khẩu tuyến biên giới giáp với Trung Quốc, Lào, Campuchia. Phương thức, thủ đoạn hoạt động chủ yếu của tội phạm ma tuý sử dụng như ngụy trang, cất giấu trong phương tiện, hàng hóa, hành lý, trong các đồ dùng cá nhân và trong người; tổ chức móc nối, thuê đối tượng vận chuyển là phụ nữ, lao động làm thuê, thất nghiệp, cải trang… hoặc lợi dụng đêm tối để vận chuyển trái phép chất ma túy.

Điển hình như vụ việc ngày 02/02/2023, tại Bản Ló, xã Lay Nưa, thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên, Đội Kiểm soát phòng chống ma túy (Cục Hải quan Điện Biên) chủ trì phối hợp với Công an thị xã Mường Lay, Tổ công tác 1266 (Công an tỉnh Điện Biên) khám và bắt giữ đối tượng Vàng A Nhìa, sinh ngày 12/10/1993, dân tộc H’ Mông vận chuyển 2,8 kg heroin. Hay ngày 30/01/2023, Chi cục Hải quan Tân Sơn Nhất phối hợp với Đội Kiểm soát chống buôn lậu ma túy khu vực miền Nam (Cục Điều tra chống buôn lậu) và Cục C04, Phòng PC04 (Công an TP. Hồ Chí Minh) bắt giữ đối tượng Pimpawa Mrs Autchara khi làm thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam mang 2,92kg cần sa.

Trên tuyến đường biển, các đối tượng sử dụng phương thức thủ đoạn tinh vi để buôn lậu chất ma túy, các loại tiền chất có chứa chất gây nghiện, chất hướng thần không có giấy phép của cơ quan chức năng dưới danh nghĩa hàng kinh doanh như: Khai tên hàng hóa không đúng với thực tế, khai không chính xác, đầy đủ tên hàng hóa, khai sai hàm lượng tiền chất chứa trong hỗn hợp chất, hàng hóa.

Đặc biệt, trong thời gian gần đây xuất hiện tình trạng ma túy trôi dạt trên các vùng biển miền Trung (TP. Đà Nẵng, Bình Thuận, Quảng Nam, Quảng Trị, Quảng Ngãi và Phú Quốc). Đặc điểm chung của số ma túy nêu trên là mỗi gói đều có khối lượng khoảng 01kg, chứa ma túy tổng hợp dạng tinh thể; được đóng dưới dạng gói trà xanh, bao bì đều in chữ nước ngoài chủ yếu là tiếng Thái Lan và Trung Quốc.

Theo nhận định chung, số ma túy này có nguồn gốc từ khu vực Tam giác Vàng do tổ chức tội phạm ma túy quốc tế vận chuyển bằng đường biển qua vịnh Thái Lan đi các nước tiêu thụ. Trước tình hình đó, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, thu thập thông tin, nắm tình hình để có phương án đấu tranh với loại tội phạm này qua tuyến đường biển.