Ngân hàng “bật mí” chiêu tiếp cận vốn giá rẻ

Huệ Chi - thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Thời điểm hiện nay, các ngân hàng đang chào mời khách hàng vay vốn với lãi suất rất thấp, chỉ từ 6-8% cho doanh nghiệp. Thậm chí, một số ngân hàng còn quảng cáo sẽ miễn lãi vay... Vậy thực tế mức lãi suất thấp mà nhiều ngân hàng đang áp dụng có rẻ như quảng cáo?

Ngân hàng “bật mí” chiêu tiếp cận vốn giá rẻ
Lãi suất cho vay với doanh nghiệp đã tiến sát lãi suất huy động. Nguồn: internet

Chiêu “câu khách” hay ưu đãi thực?

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trong tuần cuối tháng 10/2014, lãi suất cho vay đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường tại các ngân hàng dao động từ 9-10%/năm (kỳ hạn ngắn), từ 10,5-12%/năm (trung và dài hạn). Tuy nhiên, trên thị trường thời điểm này, khách hàng có thể bị choáng ngợp giữa một “rừng” các biển hiệu, quảng cáo lãi suất huy động, cho vay siêu rẻ.

Có ngân hàng còn áp dụng mức lãi vay chỉ từ 5-6%/ năm đối với khách hàng cá nhân, từ 6-8%/năm với khách hàng doanh nghiệp. Cũng không ít ngân hàng tiết lộ, có thể xem xét miễn, giảm lãi suất thêm nữa cho những khách hàng thân thiết…

Anh Nam – lãnh đạo một doanh nghiệp ở Hà Nội cho biết, anh đã gọi điện đến ngân hàng K hỏi về một gói cho vay ưu đãi 6%/năm cho doanh nghiệp mua xe ôtô. Nhân viên tín dụng của ngân hàng K đã tư vấn cho anh mức lãi suất ưu đãi 6%/năm chỉ áp dụng trong 6 tháng đầu và khách hàng phải vay tối thiểu 2 năm.

Sau đó, “mức lãi suất áp dụng tiếp theo là 13-14%/năm nên nhân viên ngân hàng khuyên tôi nên vay mức lãi suất thông thường là 12%/năm, thay vì sử dụng gói ưu đãi thì sẽ có lợi hơn"- Anh Nam chia sẻ.

Trên thực tế, các chương trình ưu đãi lãi suất của một số ngân hàng chỉ áp dụng trong 3-6 tháng đầu tiên. Một số trường hợp có thể tăng ưu đãi lãi suất tời 6 -12 tháng với các khoản vay trung và dài hạn, khách hàng cam kết không trả nợ trước hạn.

Hơn nữa, doanh nghiệp muốn được vay vốn giá rẻ cũng phải đáp ứng những điều kiện khắt khe về tài sản đảm bảo, phương án kinh doanh, hồ sơ thủ tục, ngành nghề, thời gian vay vốn, nguồn doanh thu khả quan…

Khi được hỏi về vấn đề này, cán bộ tín dụng của một ngân hàng lớn cho biết: “Mục tiêu kinh doanh thì luôn phải đảm bảo có lãi nên khi đưa ra các chương trình ưu đãi lãi vay, ngân hàng phải tính toán xem được - mất, cân đối nguồn vốn rẻ… Nhưng điều này không có nghĩa các chương trình ưu đãi của các ngân hàng chỉ là các chiêu trò quảng cáo. Nếu biết cách tận dụng thì các gói này rất có lợi với các doanh nghiệp”. 

Tiếp cận vốn rẻ 

Để đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp và đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, nhiều ngân hàng hiện nay đang có xu hướng tiếp tục giảm lãi suất cho vay, kèm theo các hỗ trợ khác. Động thái tích cực này đã giúp các doanh nghiệp ­có thêm cơ hội để tiếp cận vốn với chi phí tốt nhất. Dù vậy, các doanh nghiệp phải tỉnh táo khi tiếp cận những nguồn vốn này.

Ông Phạm Ngọc Dũng - Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp của Ngân hàng OceanBank cho rằng, giữa hàng chục gói tín dụng ưu đãi mà các ngân hàng liên tục tung ra, doanh nghiệp cần nắm rõ thông tin từng gói ưu đãi, như thời hạn ưu đãi lãi suất, điều kiện tài sản, phương án trả nợ… “Nhất là nghiên cứu kĩ từng điều khoản trong hợp đồng tín dụng, các điều kiện ràng buộc… từ đó mới tính toán nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp, cân đối với khả năng trả nợ để lựa chọn phương án vay tối ưu nhất”- Ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, hiện OceanBank cũng tích cực tung ra các chương trình ưu đãi lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp từ đầu năm 2014 đến nay. Mới đây nhất, ngày 1/10, ngân hàng đã giảm lãi suất xuống chỉ 6,99%/năm cho doanh nghiệp vay bổ sung vốn lưu động dịp cuối năm. Cụ thể, đối với các khoản vay dưới 6 tháng mức lãi suất ưu đãi này được áp dụng trong 3 tháng đầu, từ tháng thứ tư áp dụng mức lãi suất thông thường; đối với các khoản vay từ 6-12 tháng sẽ được hưởng mức lãi suất ưu đãi này trong 6 tháng đầu, từ tháng thứ 7 áp dụng mức lãi suất thông thường  

Như vậy, OceanBank đã hỗ trợ doanh nghiệp  tiết giảm chi phí và thời gian ưu đãi lãi suất lên đến 50% thời gian vay vốn, nhằm chia sẻ khó khăn, tạo đòn bẩy tài chính để doanh nghiệp khôi phục, mở rộng sản xuất, kinh doanh.