Ngân hàng “canh chừng” tài sản thế chấp

Theo Thanh Niên

Hàng loạt ô tô và bảo vệ của các ngân hàng cổ phần đã liên tục có mặt tại nhà máy của một doanh nghiệp tại Hà Nội trong nhiều ngày để “canh chừng” tài sản, hàng hóa đã thế chấp.

Ngân hàng “canh chừng” tài sản thế chấp
Ô tô của các ngân hàng trước cửa nhà máy của Công ty Âu Mỹ
Trong các ngày từ 2 đến 4 tháng 5, rất đông người và xe đột nhiên xuất hiện, vây kín trước cổng Công ty cổ phần xuất nhập khẩu và sản xuất thương mại Âu Mỹ (gọi tắt là Công ty Âu Mỹ, tại khu công nghiệp Quất Động, xã Quất Động, H.Thường Tín, TP. Hà Nội) và ngăn không cho hàng xuất ra khỏi công ty.

Thượng tá Đặng Hữu Tín - Trưởng công an huyện Thường Tín, cho biết cũng đã nghe báo cáo về việc có một số ngân hàng tới trụ sở Công ty Âu Mỹ để liên hệ làm việc và vận chuyển hàng hóa. Những việc này là thỏa thuận của đôi bên và diễn ra rất trật tự, không xảy ra mất an ninh. Tuy nhiên với trách nhiệm của lực lượng công an, cán bộ chiến sĩ phụ trách địa bàn vẫn phải theo dõi mọi diễn biến, tình hình.
Trao đổi với Thanh Niên, một cán bộ thuộc Công an xã Quất Động (xin được giấu tên) đã xác nhận thông tin này. Vị cán bộ này cho hay: “Từ hôm xảy ra sự việc, tuy không thuộc trách nhiệm của công an xã nhưng tránh để xảy ra những vấn đề mất an ninh, chúng tôi vẫn cử người bám địa bàn 24/24”. Ngày 5/5, theo ghi nhận của Thanh Niên, tuy không còn cảnh một đoàn dài đủ loại những chiếc ô tô nằm án ngữ nhưng vẫn còn khá đông lực lượng bảo vệ tuần tra quanh khu vực của công ty.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Công ty CP xuất nhập khẩu và sản xuất thương mại Âu Mỹ được thành lập năm 2006, có đăng ký kinh doanh trụ sở tại Lô OBT4 số 24 Bắc Linh Đàm mở rộng, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, ngành nghề kinh doanh buôn bán: gang, sắt và thép, niken và các sản phẩm bằng niken, dịch vụ quản lý kho bãi, vận tải, dịch vụ du lịch... Sau 7 năm hoạt động, công ty đã mở rộng nhà máy tại Khu công nghiệp Quất Động để sản xuất thêm các mặt hàng như thép chống gỉ các loại…

Hiện tại công ty có nhiều quan hệ tín dụng với các ngân hàng như An Bình, Quân đội, Đông Nam Á (Seabank)...

Bảo vệ tài sản thế chấp ?

Trao đổi với Thanh Niên chiều qua, một lãnh đạo của Ngân hàng TM cổ phần An Bình xác nhận: bảo vệ và ô tô của ngân hàng cũng có mặt trước nhà máy của Công ty Âu Mỹ. Lãnh đạo ngân hàng này cũng cam kết sẽ thông tin sớm lại sự việc vào buổi sáng 6/5 về quan hệ tín dụng với DN, cũng như các giải pháp xử lý.

Thời gian qua, việc các ngân hàng tiếp cận chặt nhà máy, phân xưởng của doanh nghiệp (DN) để đòi nợ, xiết nợ không phải là hiếm khi nhiều công ty, DN vay vốn gặp khó khăn không trả được nợ.

Cuối năm 2012, một ngân hàng lớn đã bố trí 120 xe tải trọng lớn, với đội ngũ khuân vác hùng hậu tiến vào vận chuyển khoảng 7.000 tấn hàng trên tổng số lượng lưu kho 10.000 tấn hàng ra khỏi kho hàng của một DN tại An Dương, Hải Phòng, trước sự chứng kiến của nhiều ngân hàng khác. Sau đó, với số hàng ít ỏi còn lại trong kho, các ngân hàng chậm chân đành họp bàn với nhau để tiếp tục xử lý.

Hay như vụ việc tại Quảng Nam, ngày 20/12/2012, hàng chục người đi trên 2 chiếc ô tô “dẫn đường” cho hàng loạt ô tô tải ở Đà Nẵng lên Nhà máy cồn Đại Tân rồi tự ý phong tỏa đường đi, xông vào cổng nhà máy nhằm tháo dỡ cổng để xe bồn vào chở cồn. Nhóm người trên được cho là của công ty vệ sĩ được một ngân hàng thuê để “xiết” nợ. Vụ việc hiện đang được điều tra làm rõ.

Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty luật BASICO, cho biết năm 2011 cũng xảy ra vụ việc 5 ngân hàng trên địa bàn TP.Cần Thơ cùng tranh chấp một kho hàng rỗng của Công ty An Khang. Hiện một loạt cán bộ ngân hàng cũng như lãnh đạo DN đã bị khởi tố điều tra. Việc các ngân hàng phải bao vây DN, tranh nhau "xử lý" tài sản là một biện pháp để giảm nhẹ thiệt hại cho ngân hàng khi gặp các rủi ro đối với các khoản cho vay thế chấp bằng hàng hóa.

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh, vụ việc tại Công ty Âu Mỹ cũng có thể liên quan tới sản phẩm cho vay thế chấp, nhưng hàng hóa không phải bất động sản, nhà xưởng mà là sắt, thép, inox… nên khó xác định rõ ràng quyền sở hữu. Hiện tại thông tư hướng dẫn về giao dịch bảo đảm chưa có, nên những tranh chấp giữa các ngân hàng vẫn thường xuyên xảy ra, khi một tài sản được thế chấp tại nhiều ngân hàng, nên buộc các ngân hàng phải cử người “canh” để bảo vệ tài sản của mình.