Ngân hàng cấp tập chống nghẽn ATM

Theo VnExpress

Tăng 3-4 lần lượng tiền tiếp quỹ, đưa ATM lưu động vào tiếp ứng, túc trực 24/24h để kiểm tra kỹ thuật... là những phương án nhà băng tích cực thực hiện khi lượng khách rút tiền tăng cao đột biến trong những ngày cận Tết.

 

Các máy ATM ở quanh khu công nghiệp Tân Tạo trong tuần qua tuy lượng khách đến rút tiền chưa phải là cao điểm nhất nhưng cũng rơi vào tình trạng ách tắc, nhiều thời điểm máy hết sạch tiền.

Anh Kha, công nhân một công ty xuất nhập khẩu cho biết đã quá sợ cảnh mỗi lần đi rút tiền phải chờ đợi 30-40 phút. Vì đây là thời điểm cận Tết nên mỗi khi có lương là ai cũng tranh thủ rút tiền mua sắm, gửi về quê… khiến lượng khách tại các máy ATM bao giờ cũng đông nghẹt.

“Chiều hôm qua, tôi đến máy ATM của DongAbank nằm gần góc đường Tỉnh lộ 10 và Quốc lộ 1A rút tiền. Nhưng vì có nhiều người quá nên chờ cả nửa tiếng mới đến lượt thì lại đúng lúc máy hết tiền phải chạy đi nơi khác rút”, anh chia sẻ.

Chị Thanh, nhân viên một công ty may mặc tại quận Gò Vấp than thở, thời gian này lúc nào cũng là “giờ cao điểm”. Hai máy ATM của Agribank gần công viên phần mềm Quang Trung, quận 12, mấy ngày qua luôn đông nghẹt, nhất là lúc tan ca, ai cũng đổ dồn đến rút tiền. Nhiều lần không chờ được, chị phải chạy đến máy ATM cách chỗ làm khoảng 10km mới giao dịch được. “Rút tiền trong thời điểm này đúng là mướt mồ hôi”, chị bộc bạch.

Sở dĩ các máy ATM thường bị quá tải trong những ngày gần Tết là trên điạ bàn TP HCM hiện có hàng trăm nghìn doanh nghiệp trả lương cho công nhân qua thẻ ATM và ngày chi trả thường được ấn định vào ngày 15 và 25 hằng tháng. Trong kỳ trả lương tháng 1 này, các doanh nghiệp cũng thực hiện chi tiền thưởng tết cho công nhân, nhân viên nên lượng khách rút tiền về quê ăn tết tăng đột biến và khó tránh khỏi tình trạng quá tải.

Ông Lê Việt Hà, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Hanco cho biết, mãi đến ngày 25-28 Tết đơn vị này mới chính thức phát tiền thưởng. Ông chia sẻ, dù biết doanh nghiệp nào cũng dồn vào những ngày này mới chi thưởng sẽ khiến ATM bị quá tải nhưng công ty không thể làm khác được.

Bởi theo lý giải của ông Hà, thời điểm này nhân viên kế toán mới có thể ngồi tính lương thưởng cho nhân viên, còn trước đó phải tập trung cho hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, vì là công ty sản xuất nên thời điểm cận Tết thì lượng tiền mới được thu về từ hoạt động kinh doanh để phát lương thưởng cho anh em nhân viên.

Ông Hà cho biết, hàng năm riêng lượng tiền lương tháng 13 của Hanco đã chiếm khoảng 700 triệu đồng, còn các khoản thưởng khác khoảng 1,5 tỷ đồng. "Nếu nhiều doanh nghiệp cùng chi thưởng cùng lúc thì ATM khó tránh khỏi sự tắc nghẽn", ông Hà nhận định.

Hiện nay, ngoài việc khách phải xếp hàng chờ đợi vì quá tải thì cũng gặp không ít rắc rối khi nhiều máy ATM bị lỗi hệ thống, lỗi giao dịch… Anh Nam, nhân viên một công ty truyền thông tại quận 3 kể, chiều hôm qua lương được chuyển vào tài khoản, anh dùng thẻ ATM Vietcombank đến rút tiền tại ATM của Eximbank (là ngân hàng liên kết với hệ thống ATM Vietcombank) ở góc đường 3-2 và Nguyễn Tri Phương, quận 3.

Khi check tài khoản xong và chuyển sang giao dịch rút tiền, hệ thống yêu cầu nhập lại mã PIN. Dù anh đã kiểm tra lại, nhập đúng số PIN của mình nhưng sau đó hệ thống vẫn từ chối giao dịch, kèm theo dòng chữ thông báo mã PIN không đúng và đẩy thẻ ra. Vì ở đây không có máy ATM Vietcombank nên sợ đưa thẻ vào các máy khác lại bị báo lỗi và khóa tài khoản, anh đành chạy thẳng một mạch tới máy ATM Vietcombank trên đường Ngô Gia Tự, quận 5, để rút tiền. Lúc này thì giao dịch mới thành công.

Để đảm bảo chất lượng dịch vụ trong những ngày cao điểm này, đại diện DongABank cho biết, nhà băng đã tiến hành bảo dưỡng, bảo trì các máy ATM, hệ thống đường truyền và các trang thiết bị đảm bảo hoạt động ổn định và hiệu quả.

Trong những ngày cận Tết, lượng tiền tại máy sẽ được nạp nhiều hơn 4-5 lần so với ngày thường và định kỳ nạp 2 lần mỗi ngày. Đội ngũ nhân viên nạp tiền cơ động tại 220 chi nhánh, phòng giao dịch, trung tâm giao dịch 24h của DongABank thường xuyên kiểm tra và nạp tiền ngay khi lượng tiền trong máy chỉ còn 20%. Các hộc tiền dự phòng cũng luôn được nạp sẵn để cho công tác tiếp quỹ được nhanh chóng.

Nhà băng này còn cho biết có hệ thống giám sát ATM để theo dõi tình hình hoạt động của từng máy; nhân sự túc trực 24/24 để theo dõi vận hành kỹ thuật của hệ thống ATM nhằm tập trung xử lý sự cố tức thì. Đặc biệt, hệ thống tổng đài và an ninh cũng được tăng cường tối đa cả ngày lẫn đêm nhằm ghi nhận, trợ giúp khách hàng một cách nhanh chóng. Đồng thời cung cấp thông tin chi tiết về vị trí các máy ATM của DongA Bank để khách hàng tiện giao dịch nhất.

Hiện nay, hệ thống VNBC cũng đã kết nối thành công với Smartlink, Banknet và hoàn thiện việc kết nối POS tại TP HCM. Do đó, 5 triệu chủ thẻ DongA Bank có thể dễ dàng giao dịch tại bất kỳ buồng máy ATM nào của 3 hệ thống này trên cả nước và ngược lại.

Ngoài ra, ngân hàng cũng đã đưa vào hoạt động 2 xe ATM lưu động, trên mỗi xe đều chở máy ATM để "ứng cứu" các điểm nóng. Đồng thời, ngân hàng còn bố trí 4 máy ATM được kết nối không dây qua hệ thống mạng của EVN Telecom để dự phòng.

Đại diện Ngân hàng Sacombank cũng cho biết sẽ tăng cường công tác giám sát cảnh báo lượng tiền tồn trên hệ thống để tiếp quỹ ATM kịp thời. Vừa qua, ngân hàng đã hoàn tất việc kiểm tra, rà soát, nâng cấp toàn bộ hệ thống với hơn 600 phòng máy ATM.

Trong khi đó, theo ông Lê Huỳnh Hà, Trưởng phòng dịch vụ thẻ ATM Ngân hàng Ngoại thương TP HCM (Vietcombank), giao dịch rút tiền trong tuần qua đã tăng gấp rưỡi so với thời điểm bình thường. Và theo dự báo của ông, những ngày tới sẽ là cao điểm rút tiền mặt, lượng khách có thể tăng 3-4 lần. Do vậy, ngoài việc vừa lắp đặt thêm 300 máy ATM trên đại bàn thành phố, thời gian này Vietcombank sẽ tăng tần suất nạp tiền lên gấp đôi, thậm chí gấp ba ở những điểm có đông người giao dịch như trung tâm thương mại, siêu thị...

Ngân hàng cũng có hệ thống theo dõi, nếu số tiền trong máy chỉ còn 100-200 triệu đồng sẽ cho người tiếp tiền ngay. Với những máy tập trung giao dịch nhiều hoặc ở địa bàn xa, nhà băng sẽ tính toán quãng đường đi, bố trí lực lượng tiếp tiền sớm hơn để đảm bảo giao dịch không bị gián đoạn vì máy hết tiền.

"Khi quan sát trên hệ thống mạng, thấy thùng ATM nào còn khoảng 100 triệu đồng là chúng tôi cho người đi nạp tiền bổ sung. Ở các khu vực đông dân cư, trung tâm thương mại, siêu thị..., chúng tôi luôn cử nhân viên túc trực để nạp tiền vào buồng ATM nhanh chóng", ông cho biết.

Tuy nhiên, ông Hà cho rằng, để giảm sự quá tải cho ATM nếu chỉ có ngân hàng thì không thể làm được mà cần có sự phối hợp nhiều phía. Chẳng hạn, các doanh nghiệp có thể chi trả lương thưởng sớm hơn để tránh tình trạng tất cả cùng dồn vào một thời điểm cận tết; linh động cho nhân viên nghỉ trong giờ chính để họ có thể rút tiền tại quầy hoặc đi rút tiền tại các máy ATM.

Ngân hàng Nhà nước cũng vừa có văn bản yêu cầu các ngân hàng thương mại, tổ chức chuyển mạch thẻ… tăng cường biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn và chất lượng dịch vụ ATM trong năm 2011.

Bên cạnh đó, cơ quan này cũng yêu cầu chi nhánh các tỉnh, thành phố… tăng cường kiểm tra, theo dõi hoạt động của mạng lưới ATM trên địa bàn, nắm bắt thông tin và góp phần xử lý sự cố. Báo cáo tình hình, kết quả thực hiện cần được gửi Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước trước ngày 25/2.