Ngân hàng chạy đua đạt chuẩn Basel II
Việc triển khai Basel II giúp các ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh và quản lý hiệu quả nguồn vốn. Đặc biệt, sau khi triển khai Basel II với các chỉ số vốn và các yêu cầu về thanh khoản, quản trị rủi ro đạt chuẩn quốc tế, các ngân hàng Việt Nam sẽ có cơ hội vươn xa, thâm nhập sâu vào thị trường các nước phát triển khác.
Chạy đua với thời gian
Theo Thông tư số 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước (quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài), từ ngày 1/1/2020, các ngân hàng phải tuân thủ tiêu chuẩn Basel II. Tuy nhiên, đến nay, nhiều ngân hàng vẫn đang gặp khó khăn trong việc tăng vốn để đáp ứng tiêu chuẩn này.
Ngân hàng Nhà nước thống kê, đến nay chỉ mới có 10 ngân hàng hoàn tất chuẩn Basel II theo quy định của Thông tư số 41/2016/TT-NHNN, gồm: Vietcombank, VIB, MBBank, ACB, VPBank, Techcombank, MSB và 3 ngân hàng khác nằm ngoài danh sách thí điểm là OCB, TPBank, HDBank.
Tính đến cuối tháng 6/2019, hệ số an toàn vốn (CAR) của một số ngân hàng đạt kết quả tích cực như: Vietcombank (9,81%), VIB (9,2%), MBBank (10%), ACB (11,7%; VPBank (11,2%), Techcombank (15,6%), MSB (9%)… Nhìn chung, CAR của các ngân hàng này đều cao hơn so với tiêu chuẩn của Basel II đề ra là 8%.
Để triển khai Basel II theo đúng hạn định nhiều ngân hàng thương mại đang chạy đua với thời gian để tốt nghiệp Basel II, điển hình như: Quý II/2019, VietBank đã nộp hồ sơ lên Ngân hàng Nhà nước xin áp dụng chuẩn Basel II.
Cùng với đó, một số ngân hàng khác cũng đang tích cực triển khai các điều kiện để sớm hoàn tất Basel II trong năm nay như: ABBank, Kienlongbank, BacA Bank, NCB, Viet Capital Bank, Nam A Bank…
Không chỉ các ngân hàng thương mại quy mô nhỏ hay vừa thực hiện chiến dịch tăng vốn, mà các ngân hàng lớn như VietinBank, BIDV... cũng đang gặp không ít khó khăn trong quá trình tăng vốn. Đơn cử như: Tại VietinBank, do tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài là 30% đã được lấp đầy, nên ngân hàng này xin chia cổ tức bằng cổ phiếu giai đoạn 2017 - 2020 để tăng vốn.
Hiện nay, CAR của VietinBank đã giảm về mức tối thiểu theo quy định, trong khi các biện pháp tăng vốn tự có (gồm cả vốn cấp 1 và vốn cấp 2) đã được Ngân hàng khai thác tối đa.
Được hưởng nhiều lợi ích
Với các ngân hàng Việt Nam, việc triển khai Basel II giúp các ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh và quản lý hiệu quả hơn, góp phần nguồn vốn mang lại các kết quả kinh doanh khả quan và bền vững hơn cho ngân hàng. Đặc biệt, sau triển khai Basel II với các chỉ số vốn và các yêu cầu về thanh khoản, quản trị rủi ro đạt chuẩn quốc tế, các ngân hàng Việt Nam sẽ có cơ hội vươn xa, thâp nhập sâu vào thị trường các nước phát triển khác.
Theo các chuyên gia, tốt nghiệp Basel II sẽ mang lại nhiều lợi ích cho ngân hàng. TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia ngân hàng cho rằng, lợi ích rõ rệt nhất mà Basel II mang lại cho ngân hàng Việt Nam là tăng cường cạnh tranh lành mạnh và minh bạch của hệ thống, tăng cường sức đề kháng của ngân hàng trước bất ổn và biến động của thị trường. “Một khi khả năng quản trị rủi ro tốt hơn giúp nền kinh tế Việt Nam hoạt động bền vững hơn, giảm các nguy cơ vỡ nợ, khủng hoảng, giảm tác động xấu đến nền kinh tế khi khủng hoảng xảy ra”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Nhìn nhận từ thực tế triển khai dự án Basel II, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho biết, OCB sẽ sử dụng các kết quả của dự án ngay cho các hoạt động quản lý danh mục tín dụng, lập và quản lý kế hoạch kinh doanh năm 2019, tiếp tục hoàn thiện cho các năm tiếp theo.
OCB triển khai tiếp tục các khuyến nghị của tư vấn tiếp tục hoàn thiện công tác quản lý rủi ro, quản lý dữ liệu theo đúng định hướng chiến lược ngân hàng đã đặt ra. Có thể thấy, dự án này nói riêng và các công việc triển khai ứng dụng Basel II khác sẽ là nền tảng quan trọng giúp OCB có sức bật mạnh mẽ trong các năm tới.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các ngân hàng và được hưởng cơ chế riêng, song cũng có sự kiểm tra và yêu cầu cao hơn với các ngân hàng thực hiện Basel II.
“Nếu các ngân hàng vi phạm Thông tư số 41/2016/TT-NHNN về quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2020 thì sẽ có chế tài khác, bị xử lý nặng hơn gấp đôi so với các ngân hàng khác”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng nhấn mạnh.