Ngân hàng – “chốt chặn” quan trọng trong cuộc chiến chống rửa tiền
Hoạt động trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng, quản lý lượng tiền gửi rất lớn, với các giao dịch liên quan trực tiếp tới các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, ngân hàng vừa là mục tiêu nhưng cũng là“chốt chặn”quan trọngtrong cuộc chiến chốngrửa tiền. Do vậy, không thể phủ nhận rằng, công tác phòng, chống rửa tiền của ngành ngân hàng rất quan trọng, có vai trò quyết định trong cuộc chiến khốc liệt này.
Cảnh báo hoạt động rửa tiền qua ngân hàng
Trước xu thế hội nhập kinh tế thế giới, hoạt động ngân hàng chịu áp lực ngày càng gia tăng của các tội phạm liên quan đến hoạt động ngân hàng nói chung và rửa tiền nói riêng bởi ngoài việc phải đối phó với các khoản tiền bất hợp pháp trong nước thì ngân hàng còn phải đối phó với nguy cơ các tổ chức tội phạm quốc tế. Theo cảnh báo của các chuyên gia tài chính, với các quốc gia đang phát triển với hệ thống ngân hàng và tài chính chưa thực sự phát triển và tỷ trọng sử dụng tiền mặt cao như Việt Nam, các đối tượng tội phạm thường nhắm đến để tìm cách rửa các khoản tiền bẩn của mình.
Theo Cục An ninh Tài chính - Tiền tệ - Đầu tư (Tổng cục An ninh, Bộ Công an), tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng thời gian qua chủ yếu là tội phạm lừa đảo, gian lận tài chính, tạo dựng hồ sơ, dự án giấy tờ giả thế chấp hồ sơ vay vốn ngân hàng… nhằm chiếm đoạt tài sản của ngân hàng. Đặc biệt, nhóm tội phạm sử dụng công nghệ cao, đánh cắp thông tin tài khoản, làm giả giấy tờ chiếm đoạt tài sản khách hàng; Nguy cơ lừa đảo liên quan đến người nước ngoài, lừa đảo bằng thủ đoạn hứa cung cấp tín dụng giá rẻ, sau đó lửa đảo tiền phí chuyển tiền rồi bỏ trốn… cũng khá phổ biến.
Thống kê cũng cho thấy, từ năm 2008 đến cuối năm 2015, riêng lực lượng an ninh tài chính tiền tệ phát hiện 60 vụ lừa đảo, gian lận tài chính, bắt giữ gần 100 đối tượng, với tổng số tiền thiệt hại trên 1000 tỷ đồng. Điều đáng nói, tình trạng móc nối giữa nhân viên ngân hàng với các cơ quan khác như Phòng Công chứng để thực hiện các hành vi phạm tội của mình, khiến cơ quan chức năng khó phát hiện và xử lý.
Bên cạnh đó, tội phạm công nghệ cao cũng gia tăng nhanh chóng do lỗ hổng bảo mật trong công nghệ quản lý ngân hàng còn hạn chế như thẻ thanh toán, ATM, e-banking… Qua thống kê, đã phát hiện 54 vụ tội phạm có sử dụng công nghệ cao với số tiền thiệt hại trên 30 tỷ đồng. Với sự gia tăng của tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng như vậy, không ít ý kiến cho rằng, dù chưa con số thống kê chính thức, song cũng không loại trừ, các vụ án này cũng liên quan đến vấn nạn rửa tiền.
Để ngân hàng trở thành "chốt chặn" quan trọng
Sau một thời gian triển khai công tác phòng chống rửa tiền, ý thức của các ngân hàng thương mại trong công tác này đã có nhiều tiến bộ rõ rệt. Nhiều ngân hàng đã ban hành các quy định riêng liên quan đến công tác phòng chống rửa tiền và tổ chức các khóa đào tạo cho các cán bộ nhằm nâng cao ý thức của đội ngũ cán bộ trong công tác này.
Thông qua công tác phòng chống rửa tiền, cũng đã có một số trường hợp nghi ngờ rửa tiền được phát hiện trong các loại giao dịch: Giao dịch liên quan đến rút lượng lớn tiền mặt; Giao dịch liên quan đến việc sử dụng hộ chiếu giả để mở tài khoản, rút tiền tại ngân hàng... Trong thời gian tới, để công tác phòng chống rửa tiền tại các ngân hàng đạt được hiệu quả cao, cần chú trọng một số nhiệm vụ sau:
Về phía Ngân hàng Nhà nước:
Một là, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về phòng chống rửa tiền trong bối cảnh thủ đoạn rửa tiền ngày càng tinh vi, quy mô và khó phát hiện. Theo đó, để nâng cao toàn diện chất lượng công tác phòng chống rửa tiền, hướng tới đáp ứng các chuẩn mực quốc tế trong lĩnh vực này, khung pháp lý cần tập trung vào một số lĩnh vực như: Triển khai các biện pháp ngăn chặn có hiệu lực; Tăng cường yêu cầu về thu thập và quản lý thông tin khách hàng; Gia tăng hiệu lực của các báo cáo về giao dịch đáng ngờ; Tăng cường quản lý và giám sát... Bên cạnh đó, các văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống rửa tiền được xây dựng theo thông lệ quốc tế, song cũng cần đặt trong những đặc thù của Việt Nam như: Tình trạng sử dụng tiền mặt còn rất phổ biến; Việc công khai tài sản, minh bạch các giao dịch vẫn còn khó khăn; Nhận thức về công tác chống rửa tiền chưa đồng đều...
Hai là, tiếp tục nghiên cứu và có giải pháp hiệu quả việc hạn chế thanh toán bằng tiền mặt trên lãnh thổ Việt Nam và tình trạng đô la hóa nền kinh tế. Thanh toán bằng tiền mặt và tình trạng đô la hóa thường được coi là những nguyên nhân tiếp tay cho rửa tiền. Do vậy, việc hạn chế thanh toán bằng tiền mặt, thay vào đó bằng các giao dịch điện tử với sự kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại, cùng việc hạn chế tình trạng “chuộng” sử dụng đồng đô la thiếu kiểm soát trong các giao dịch dân sự sẽ góp phần hạn chế vấn nạn rửa tiền. Hiện nay, Chính phủ cũng đang có lộ trình và các chương trình hành động nhằm hạn chế thanh toán bằng tiền mặt và đô la hóa trong nền kinh tế.
Ba là, phát động các chiến dịch gia tăng sự hiểu biết của cộng đồng về phòng chống rửa tiền, đồng thời mở rộng và nâng cao chất lượng đào tạo các đơn vị, cá nhân có liên quan về phòng chống rửa tiền. Tích cực tuyên truyền về những nguy hại của rửa tiền đối với nền kinh tế và cuộc sống người dân, cũng như những lợi ích to lớn của chống rửa tiền nhằm hạn chế tham nhũng, tạo môi trường kinh doanh đầu tư bình đẳng... Tiếp tục tổ chức các chương trình tập huấn, các buổi thảo luận cho các đối tượng liên quan đến các văn bản pháp lý, các kinh nghiệm chống rửa tiền...
Bốn là, tiếp tục tăng cường hợp tác và hỗ trợ quốc tế về phòng chống rửa tiền. Trong những năm qua, nhằm thúc đẩy cuộc chiến chống rửa tiền đạt hiểu quả cao, Việt Nam đã tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế không chỉ nhằm cùng nhau hỗ trợ đấu tranh chống rửa tiền mà còn chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn để hoàn thiện khung pháp lý. Do vấn nạn rửa tiền thường mang tính đa quốc gia và Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu với nền kinh tế toàn cầu, nên trong thời gian tới, Việt Nam cần tích cực, chủ động hơn trong các hợp tác với quốc tế.
Về phía ngân hàng thương mại:
Một là, cần thay đổi nhận thức của lãnh đạo ngân hàng trong công tác phòng chống rửa tiền. Các lãnh đạo ngân hàng cần nhận thức được rằng, hành vi rửa tiền gây ra cho một tổ chức tài chính đó là làm mất uy tín của tổ chức này trong mắt khách hàng và đối tác, từ đó đe dọa đến sự tồn tại và phát triển của ngân hàng. Khi đó, các khách hàng, cả người đi vay, nhà đầu tư và người gửi tiền sẽ ngừng giao dịch với ngân hàng bị nghi ngờ rửa tiền khiến họ sẽ mất cơ hội kiếm lời và tăng rủi ro tổng thể của danh mục đầu tư và cho vay.
Không chỉ đe dọa đến sự tồn tại của chính bản thân của ngân hàng mà hoạt động rửa tiền cũng sẽ làm bất ổn thị trường tài chính và nhiều hệ lụy khác... Có thể nói, việc hỗ trợ và nhận thức rủi ro về phòng chống rửa tiền từ ban lãnh đạo cũng là một trong những điều kiện tiên quyết cho một hệ thống phòng chống rửa tiền thành công.
Hai là, để có thể đảm bảo công tác phòng chống rửa tiền trong hệ thống ngân hàng có hiệu quả, giảm thiểu rủi ro cũng như bảo vệ lợi ích cổ đông, các ngân hàng cần xây dựng chính sách, quy trình hướng dẫn cách thức thực hiện công tác phòng chống rửa tiền tại các khâu: Mở và sử dụng tài khoản; quy định về nhận biết khách hàng, nhận biết khách hàng giản đơn và tăng cường.
Các ngân hàng cần xác định rủi ro, các dấu hiệu rửa tiền trong từng sản phẩm dịch vụ, từng hoạt động kinh doanh, giao dịch như: Trong hoạt động kế toán giao dịch; hoạt động tín dụng; hoạt động tài trợ thương mại; hoạt động chứng khoán; hoạt động thẻ... Bên cạnh đó, cần hoàn thiện mô hình tổ chức toàn diện từ hội sở chính, chi nhánh đến các công ty trực thuộc, trong đó nên có một lãnh đạo phụ trách về phòng chống rửa tiền.
Ba là, kiểm soát tuân thủ thực hiện phòng chống rửa tiền thông qua việc thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ, quy định về phòng chống rửa tiền. Mỗi một đơn vị cũng cần phải có bộ phận xử lý phòng chống rửa tiền chuyên trách và liên hệ làm việc trực tiếp, nhận hỗ trợ từ bộ phận phụ trách phòng chống rửa tiền chuyên trách tại hội sở chính. Cần nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho các nhân viên liên quan đến công tác phòng chống rửa tiền. Tích cực kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định, các quy trình trong quá trình thực hiện...
Bốn là, dành nguồn lực tài chính cho hệ thống công nghệ hỗ trợ công tác chống rửa tiền. Theo đó, chú trọng tổ chức nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và sử dụng hiệu quả các phần mềm phát hiện và ngăn chặn các giao dịch đáng ngờ. Dành mức ngân sách hợp lí cho việc đầu tư công nghệ kĩ thuật nhằm phát triển các phần mềm cảnh báo, phát hiện sớm đối với các giao dịch đáng nghi cũng như nguồn lực tài chính cho công tác đào tạo, nâng cao nghiệp vụ công nghệ cho nhân viên phụ trách.