Cuộc chiến chống rửa tiền: Bắt đầu từ thói quen hạn chế dùng tiền mặt

PV.

Nhiều chuyên gia cảnh báo, thói quen sử dụng tiền mặt không chỉ sẽ làm gia tăng hoạt động rửa tiền mà còn có thể làm giảm niềm tin của các đối tác, nhà đầu tư với doanh nghiệp và môi trường kinh doanh của Việt Nam. Do vậy, để công tác phòng chống rửa tiền hiệu quả, cần bắt đầu từ việc hạn chế thói quen dùng tiền mặt hiện nay.

Không loại trừ khả năng, tội phạm lợi dụng để rửa tiền, biến những đồng tiền bẩn thành tiền sạch thông qua việc mua bất động sản hợp pháp. Nguồn: internet
Không loại trừ khả năng, tội phạm lợi dụng để rửa tiền, biến những đồng tiền bẩn thành tiền sạch thông qua việc mua bất động sản hợp pháp. Nguồn: internet

Các nước trên thế giới đã tiến hành thanh toán điện tử từ lâu. Thậm chí, ở những quốc gia phát triển, thanh toán điện tử chiếm tới 90% tổng thanh toán thì đã giúp GDP tăng khoảng 1%.

Những năm gần đây, Việt Nam cũng đã có nhiều biện pháp thúc đẩy thanh toán trực tuyến nhưng thói quen của dùng tiền mặt trong các giao dịch vẫn chưa thay đổi. Tại Việt Nam, tính đến hết năm 2015, thanh toán bằng tiền vẫn chiếm tỷ lệ đa số, với khoảng 65% tổng phương tiện thanh toán.

Giao dịch bằng tiền mặt khiến công tác kiểm soát gặp nhiều khó khăn, nhất là việc đối phó tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố.


Rửa tiền, tài trợ khủng bố đang là vấn nạn làm cả thế giới đau đầu. Theo thống kê của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, số tiền tội phạm “rửa” hàng năm khoảng 1.000 đến 1.500 tỉ USD, trong đó 70% là tiền mặt.

Đối với nhiều quốc gia có nền kinh tế phát triển khác, các giao dịch lớn chủ yếu được thực hiện qua hệ thống ngân hàng, các tổ chức và cá nhân không sử dụng tiền mặt để thực hiện các giao dịch lớn.

Luật pháp quy định các tổ chức, cá nhân phải giao dịch thanh toán qua hệ thống ngân hàng, qua đó giúp các cơ quan quản lý thực hiện các biện pháp giám sát, kiểm soát hữu hiệu cũng như dễ dàng phát hiện các giao dịch bất thường.

Trong khi đó, với những nước có nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Việt Nam, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, mặc dù đã cố gắng giảm thiểu dùng tiền mặt trong nền kinh tế, song tiền mặt là phương tiện thanh toán phổ biến nhất. Đơn cử như việc giao dịch bất động sản thời gian qua đều sử dụng bằng tiền mặt. Nhiều căn biệt thự lớn được giao dịch có mệnh giá lên đến tỷ đồng, nhưng số lượng được thanh toán qua ngân hàng là không đáng kể.

Nhiều ý kiến lo ngại rằng, không loại trừ khả năng, tội phạm lợi dụng để rửa tiền, biến những đồng tiền bẩn thành tiền sạch thông qua việc mua bất động sản hợp pháp mà không cần phải thông qua hệ thống ngân hàng.

Thực tế cũng cho thấy, có một luồng tiền rất lớn đã đổ vào thị trường chứng khoán, bất động sản, vàng song việc kiểm tra nguồn gốc tiền không hề đơn giản. Thậm chí, ngay cả đối với lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng cũng vậy, nếu có ngăn chặn nạn rửa tiền thì chỉ ngăn được phần ngọn, mà chưa chặn được phần gốc, bởi nguồn gốc tiền gửi vào hệ thống ngân hàng cũng chưa được chú trọng kiểm soát chặt chẽ.

Thời gian qua đã có nhiều băng nhóm tội phạm bị triệt phá, trong số đó không ít các đối tượng có hiện tượng hợp pháp hóa tiền, tài sản có được từ các hoạt động phạm tội bằng các thủ đoạn khác nhau như mua nhà, đất, xe ô tô, cổ phần… đứng tên họ hàng, anh em hoặc người khác gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý. Trong số các vụ án này, việc phát hiện ra có hành vi rửa tiền bẩn thành tiền sạch hay không cũng không đơn giản.

Bên cạnh đó, hiện nay, xu hướng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp vào Việt Nam ngày càng tăng, nhưng ngăn chặn xu hướng có hay không việc lợi dụng chính sách thu hút đầu tư để rửa tiền vẫn trở thành thách thức không nhỏ đối với cơ quan chức năng, không chỉ riêng đối với Việt Nam mà bất cứ quốc gia nào trên thế giới.

Theo các chuyên gia quốc tế, thói quen sử dụng tiền mặt trong thanh toán sẽ gây khó khăn cho việc quản lý nguồn tiền lưu thông trong nền kinh tế và tạo điều kiện cho tội phạm rửa tiền hoạt động dễ dàng hơn. Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc (UNODC) nhận định, Việt Nam dễ bị tội phạm rửa tiền tìm đến do nền kinh tế sử dụng nhiều tiền mặt, cùng với hoạt động thương mại và đầu tư ngày càng gia tăng.

UNODC cảnh báo nếu không có biện pháp nhanh và hiệu quả để đối phó với rửa tiền thì tội phạm và tham nhũng sẽ gia tăng, vận hành hợp pháp tài chính tại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Đặc biệt, việc thanh toán bằng tiền mặtsẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động rửa tiền của bọn tội phạm, gây khó khăn cho công tác đấu tranh, phòng ngừa của cơ quan chức trách. Một số ý kiến khác cho rằng, việc lạm dụng tiền mặt có thể dẫn tới những hệ lụy nguy hiểm. Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, ở những nền kinh tế dựa nhiều vào tiền mặt, những vấn nạn từ tham nhũng dạng nhỏ đến rửa tiền quy mô lớn đều diễn ra phổ biến và khó đối phó hơn.

Trong những năm qua, ngành Ngân hàng đã rất nỗ lực để đưa ra những sản phẩm dịch vụ thanh toán điện tử trên rất nhiều kênh giao dịch như ATM, Internet Banking, Mobile Banking. Trong kế hoạch của Ngân hàng Nhà nước, sắp tới sẽ chuẩn hóa mô hình giao dịch điện tử trên tất cả các kênh. Từ đó, tạo dựng thói quen sử dụng thanh toán điện tử thay cho những giao dịch bằng tiền mặt.

Bên cạnh đó, cơ quan này cũng sẽ quyết liệt đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt nhằm ngăn chặn hiệu quả tình trạng rửa tiền. Có thể nói, đây là bước đi đúng đắn, hợp lí trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu với nền kinh tế toàn cầu.

Hi vọng rằng, với những hành động quyết liệt của Chính phủ, chúng ta sẽ có bước tiến dài trong công tác chống rửa tiền, tham nhũng, đồng thời khẳng định vị thế và vai trò của Việt Nam cùng các quốc gia trên thế giới trong cuộc chiến chống rửa tiền, tài trợ khủng bố vốn đang trở thành vấn đề nóng bỏng hiện nay.