Ngân hàng dư tiền, lãi suất tiếp tục giảm?

Theo Gia Lê/doanhnhansaigon.vn

Tiếp nội xu hướng của tháng 7, mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng tiếp tục được điều chỉnh giảm trong tháng 8 vừa qua và những ngày đầu tháng 9 này, trong bối cảnh thanh khoản hệ thống tiếp tục dư thừa. Xu hướng lãi suất giảm sẽ còn tiếp tục?

Các nhà băng có động lực phải giảm lãi suất đầu vào để có điều kiện giảm lãi suất đầu ra theo nguyên lý “nước xuống thuyền xuống”. Nguồn: internet
Các nhà băng có động lực phải giảm lãi suất đầu vào để có điều kiện giảm lãi suất đầu ra theo nguyên lý “nước xuống thuyền xuống”. Nguồn: internet

Các đợt giảm liên tiếp

Thống kê cho thấy có đến 19/35 ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất tiền gửi trong tháng 8, trong đó có những ngân hàng thậm chí có đến 2 lần giảm chỉ trong vòng 1 tháng ngắn ngủi là Hàng Hải, GPBank, HDBank, SHB, Quân đội,…Bên cạnh đó, nhóm Big 4 gồm 4 ngân hàng TMCP quốc doanh là Vietcombank, Vietinbank, Agribank và BIDV cũng có động thái giảm lãi suất huy động vốn trong nửa đầu tháng 8.

Đáng lưu ý là đợt giảm vừa qua ghi nhận xu hướng trải đều ở các kỳ hạn, với mức giảm khá mạnh ở các kỳ hạn dài hơn, thay vì chỉ tập trung ở kỳ hạn dưới 6 tháng như những đợt trước. Cụ thể, lãi suất tiền gửi ở kỳ hạn 6 tháng thấp nhất hiện chỉ còn 4,4%, thuộc về nhóm Big 4, tức chỉ cao hơn 0,15% mức trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng theo quy định hiện nay; còn cao nhất từ 6,8 – 7%.

Trong khi đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng hiện cũng rớt về mức thấp nhất chỉ còn 3,4%, tức thấp hơn đến 0,85% mức trần hiện nay đang nằm ở 4,25%. Đối với các kỳ hạn dài hơn từ 12 tháng trở lên, thấp nhất cá biệt chỉ còn quanh 5% tại Techcombank,  cao nhất gần 8%, còn phổ biến từ 6 – 7%/ năm.  So với cuối năm 2019, lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 1-5 tháng của 35 ngân hàng đã giảm xấp xỉ 1%, 6-11 tháng giảm 0,8% còn kỳ hạn từ 12 tháng trở lên cũng giảm mạnh đến 0,75%.

"Nước xuống thuyền xuống"

Có nhiều nguyên nhân lý giải cho các đợt giảm lãi suất liên tiếp vừa qua của các ngân hàng. Đầu tiên là thanh khoản hệ thống tiếp tục dồi dào, khi tăng trưởng tín dụng tiếp tục trì trệ và thấp hơn so với tăng trưởng tiền gửi, theo đó ngân hàng huy động vào nhưng không thể cho vay ra được, nên buộc phải giảm lãi suất huy động để tối ưu hóa chi phí huy động vốn. Cập nhật gần nhất cho thấy tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 7 chỉ mới đạt 3,45%, thấp hơn nhiều so với tăng trưởng huy động vốn là 5,31%. Dự báo cho thấy tín dụng trong năm nay cao nhất cũng chỉ có thể đạt mức tăng trưởng 9-10%.

Thứ hai là ngành ngân hàng cũng buộc phải giảm dần lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp theo yêu cầu của NHNN, do đó các nhà băng có động lực phải giảm lãi suất đầu vào để có điều kiện giảm lãi suất đầu ra theo nguyên lý “nước xuống thuyền xuống”, nếu như không muốn biên lãi suất bị thu hẹp quá lớn và tác động xấu lên thực hiện kế hoạch lợi nhuận trong năm nay, vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid 19.

Thứ ba là sau khi đã huy động được một nguồn vốn trung dài hạn đáng kể trong 2 năm trở lại đây, thông qua việc phát hành trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn dài, cũng như thành công trong việc tăng mạnh vốn điều lệ, bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, nên các ngân hàng hiện nay cũng không còn nhu cầu phải tăng cường huy động vốn bằng mọi giá.

Thống kê cho thấy các ngân hàng tiếp tục phát hành thêm gần 56 nghìn tỷ đồng trái phiếu trong 7 tháng đầu năm nay. Mới đây, ngân hàng HDBank còn đưa ra kế hoạch sẽ phát hành 160 triệu USD trái phiếu chuyển đổi quốc tế trong thời gian tới. Bên cạnh đó, việc NHNN mới đây quyết định hoãn thời gian điều chỉnh tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn thêm 1 năm cũng dỡ bỏ gánh nặng cho không ít nhà băng.

Ngoài ra, việc NHNN gần đây tích cực mua vào ngoại tệ để gia tăng dự trữ ngoại hối, đồng nghĩa với việc bơm một lượng lớn tiền đồng ra nền kinh tế, càng khiến thanh khoản của hệ thống trở nên dư thừa. Thông tin tại phiên họp Chính phủ thường kì tháng 8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, dự trữ ngoại hối đạt khoảng 92 tỉ USD và đến cuối năm nay có thể lên tới 100 tỉ USD.

Hệ quả là lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giảm sâu và duy trì ở mức thấp trong suốt thời gian qua, với kỳ hạn qua đêm chỉ còn quanh 0,1%, trong khi lợi suất trên thị trường trái phiếu chính phủ cũng ở mức thấp kỷ lục trong nhiều năm. Cộng với xu hướng lạm phát vẫn ổn định, tất cả những yếu tố này đã góp phần giúp mặt bằng lãi suất tiền gửi tiếp tục đi xuống.

Với việc các ngân hàng trung ương toàn cầu tiếp tục nới lỏng chính sách, mà gần nhất là Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) mới đây đã thay đổi chiến lược chính sách trong việc xác định lạm phát mục tiêu, mở đường cho kỷ nguyên lãi suất thấp sẽ còn kéo dài, Việt Nam cũng khó nằm ngoài xu thế chung. Do đó, mặt bằng lãi suất có thể tiếp tục đi xuống trong thời gian tới, với mức giảm xấp xỉ từ 0,5 – 1% trong giai đoạn tới, theo dự báo của một số tổ chức.