Ngân hàng "tăng tốc" cho vay tiêu dùng

Theo Hương Giang/thoibaonganhang.vn

Nhiều ngân hàng đang chọn giải pháp tăng cho vay tiêu dùng để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của mình trong giai đoạn cuối năm, kéo theo đó, việc giảm lãi suất cũng được nhiều tổ chức tín dụng áp dụng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

"Đua" cho vay tiêu dùng, thêm ưu đãi

Mới đây, nhằm đáp ứng nhu cầu nâng cao đời sống của khách hàng cá nhân trên cả nước, Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã triển khai chương trình ưu đãi cho vay tiêu dùng. Cụ thể, mức lãi suất vay mua nhà đất điều chỉnh từ 7,5%/năm xuống còn 6,5%/năm; lãi suất vay mua nhà dự án, mua ô tô, tiêu dùng giảm chỉ còn 6,8%/năm.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa dành ra 30.000 tỉ đồng cho cá nhân vay với lãi suất từ 5,5%/năm đối với khoản vay có kỳ hạn dưới 6 tháng và 6%/năm cho khoản vay từ 6 - 12 tháng. Thời gian áp dụng cho các khoản vay từ nay đến 30/9.

Đây là gói vay có mức lãi suất giảm 0,5%/năm so với mức lãi suất được công bố gần đây nhất của BIDV.

Bên cạnh đó, các ngân hàng còn xác định đối tượng cho vay để có gói hỗ trợ phù hợp với nhu cầu của khách hàng.

Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), nhận định: Trong lĩnh vực ngân hàng, cho vay mua nhà là một trong những sản phẩm rất quan trọng của tất cả các nhà băng, trong đó có VPBank, một ngân hàng phát triển bán lẻ.

Vì vậy, ngân hàng này đang áp dụng mức lãi suất ưu đãi 8,5%/năm tại kì hạn 6 tháng; 9,5%/năm cho kì hạn 12 năm. Sau thời hạn ưu đãi, ngân hàng sẽ áp dụng lãi suất 12%/năm.

Còn Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) thì mới triển khai chương trình hướng đến khách hàng cá nhân có nhu cầu mua xe ô tô. Khách hàng sẽ được hưởng mức lãi suất ưu đãi từ 7,99%/năm trong 6 tháng đầu tiên hoặc 9,5%/năm trong 12 tháng đầu tiên. Mức cho vay tối đa lên đến 80% giá trị xe ô tô. Thời gian cho vay lên đến 7 năm.

Những động thái trên đang tiếp tục đẩy lãi suất cho vay giảm thêm. Trước đó, số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết mặt bằng lãi suất cho vay được các ngân hàng đang áp dụng phổ biến ở mức 6,0 - 9,0%/năm đối với ngắn hạn và 9,0-11%/năm đối với trung và dài hạn.

Bên cạnh đó, theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia: Trong giai đoạn nền kinh tế đang gặp khó khăn do dịch Covid-19, tăng tín dụng tiêu dùng sẽ góp phần kích thích tổng cầu, hỗ trợ tăng trưởng...

Kỳ vọng tín dụng cải thiện

Việc nhiều ngân hàng chọn giải pháp tăng tín dụng tiêu dùng để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong giai đoạn cuối năm có nguyên nhân từ việc hoạt động cho vay giai đoạn vừa qua gặp rất nhiều khó khăn.

Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 14/8, tín dụng toàn hệ thống tăng 4,13% so với cuối năm 2019; trong đó, cho vay bằng VND tăng 4,49% và cho vay bằng ngoại tệ giảm 1,77%.

Trong khi đó, theo nhận định của SSI Research công bố cách đây ít lâu, ngay cả để tăng trưởng tín dụng cả năm nay đạt khoảng 10%, dù đã thấp hơn con số 13,65% của năm ngoái, nhưng cũng rất khó hiện thực. Bởi lẽ, để đạt được thì tín dụng các tháng cuối năm phải tăng trưởng tương đương cùng kì năm ngoái - điều khó xảy ra trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp trên toàn thế giới và chuỗi sản xuất vẫn đang bị đứt gãy.

Để đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng trong giai đoạn hiện nay, TS. Cấn Văn Lực cho rằng các ngân hàng, công ty tài chính cần phải thay đổi chiến lược kinh doanh, nghiên cứu thiết kế những sản phẩm, dịch vụ phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân. Chẳng hạn, tập trung vào xu hướng mua hàng hóa thiết yếu nhiều hơn là hàng xa xỉ, đồng thời đẩy mạnh các kênh số hóa.

Tuy nhiên, cũng theo TS. Cấn Văn Lực, động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cuối năm là khả năng kiểm soát dịch bệnh và sự phục hồi của các hoạt động kinh tế - xã hội. Trong đó, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) và khối cá nhân sẽ có nhu cầu vay vốn nhiều hơn và đó là dư địa để tín dụng còn khả năng mở rộng.

Với các giải pháp phù hợp, TS. Cấn Văn Lực dự báo, tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm sẽ khả quan hơn so với 8 tháng đầu năm và khả năng sẽ tăng trưởng mỗi tháng thêm 1%, để tăng trưởng tín dụng cả năm đạt từ 8 - 9%.