Ngân hàng linh hoạt săn tìm khách vay

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Vốn và lãi suất dù không còn là vấn đề nan giải nhất đối với nhiều doanh nghiệp (DN) lúc này, song để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, vấn đề khơi thông dòng vốn cho DN hiện vẫn được xem là một ưu tiên, vẫn được đặc biệt quan tâm, đặc biệt với các DN nhỏ và vừa. Trong những ngày vừa qua, nhiều cánh cửa mới trong khơi thông dòng vốn cho DN đang dần “hé lộ”.

Ngân hàng linh hoạt săn tìm khách vay
Vấn đề khơi thông dòng vốn cho DN hiện vẫn được xem là một ưu tiên. Nguồn: internet

Chính sách: Linh hoạt điều chỉnh

Từ phía cơ quan điều hành chính sách, theo Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 2 vừa ban hành, Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét điều chỉnh giảm thêm mặt bằng lãi suất cho vay để phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và lạm phát. Lãnh đạo NHNN trong nhiều phát biểu gần đây cũng khẳng định, với diễn biến và điều kiện thị trường phù hợp sẽ tiếp tục giảm thêm lãi suất cho vay để hỗ trợ cho DN. Sự khuyến khích, kêu gọi tổ chức tín dụng giảm thêm lãi suất cho vay từ phía NHNN đã diễn ra trong những ngày vừa qua.

“NHNN đã đi tiên phong khi giảm lãi suất cho vay gói 30.000 tỷ đồng, từ 6% xuống khoảng 5%/năm, các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng nên xem xét giảm lãi suất để hỗ trợ cho DN, người dân” - Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã nói như vậy tại Hội nghị sơ kết chương trình “Kết nối ngân hàng – DN” của TP. Hồ Chí Minh mới đây.

Lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh hiện nay phổ biến từ 8% - 11%/năm cho khoản vay ngắn hạn, còn trung và dài hạn là 11%-13%/năm. Lãi suất cho vay trong các lĩnh vực ưu tiên còn thấp hơn; và mặt bằng lãi suất hiện đã thấp hơn cả giai đoạn 2007-2008.

Mặc dù gần đây, lãi suất huy động ở kỳ hạn ngắn đang được các NHTM điều chỉnh giảm để tăng thêm năng lực tài chính phù hợp với quy mô, việc giảm lãi suất cho vay sẽ phụ thuộc rất lớn vào điểm “giao cắt” giữa rủi ro và hiệu quả tín dụng giữa ngân hàng với từng khách hàng, thậm chí từng dự án xin vay vốn. Nhưng rõ ràng trong bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định và diễn biến CPI thấp hiện nay cũng như tín hiệu “lạm phát mục tiêu” mới (6%) được Thủ tướng Chính phủ nêu ra tại phiên họp thường kỳ tháng 2 vừa qua, các tổ chức tín dụng hoàn toàn có thể điều chỉnh giảm lãi suất.

Ngân hàng và Chính quyền: Cộng hưởng hỗ trợ

Trên thực tế thời gian qua, rất nhiều ngân hàng đã chủ động đưa ra các gói ưu đãi lãi suất cho khách hàng, đặc biệt là khách hàng DN. Đơn cử như trường hợp gói ưu đãi lãi suất 2.000 tỷ đồng cho DN của TPBank. Dù chương trình này mới chỉ “chạy” được hơn 3 tuần nhưng TPBank đã giải ngân gần 300 tỷ đồng, đạt 224% so với tiến độ đề ra.

Tổng giám đốc TPBank Nguyễn Hưng cho biết: “Có thể nói, DN đang tiếp cận vốn rất tốt. Các điều kiện để DN tham gia chương trình tương đối đơn giản: có phương án kinh doanh hiệu quả, đáp ứng được các quy chuẩn về tín nhiệm chung của NHNN và TPBank về tín dụng. Chúng tôi ưu tiên các DN hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, công nghiệp phụ trợ, công nghệ…”.

Vị này còn cho biết thêm: “Chúng tôi không quá quan trọng tài sản đảm bảo, khách hàng chỉ cần có dòng tiền lành mạnh, sản xuất kinh doanh có hiệu quả sẽ dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tại TPBank”. Như vậy có thể nói, về mặt lãi suất và điều kiện hồ sơ, các DN đã được tạo điều kiện “dễ thở” hơn trước đây rất nhiều.

Các hoạt động hỗ trợ DN cũng được các tỉnh, thành phố đẩy mạnh. Ngay từ đầu năm, nhiều hội nghị gặp gỡ DN trên địa bàn với các cơ quan quản lý đã được tổ chức. Các nội dung, hoạt động trong tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ lãi suất cụ thể đã được đưa ra. Đơn cử như tại Hà Nội, UBND Thành phố ngày 26/2 vừa qua đã có quyết định hỗ trợ lãi suất hơn 32 triệu đồng cho Công ty cổ phần Xốp Nhựa Hanel. Giá trị số tiền hỗ trợ tuy không lớn so với tổng hạn mức tín dụng lên tới 30 tỷ đồng của công ty này với một chi nhánh của Vietcombank, nhưng đây là một trong những minh chứng rất cụ thể cho thấy sự đồng hành, chia sẻ khó khăn với DN.

Về đối tượng cho vay, thực tế với nhiều DN lớn và có uy tín, việc tiếp cận vốn hiện nay khá dễ dàng, thậm chí cùng lúc có thể được nhiều tổ chức tín dụng “mời chào” với lãi suất còn thấp hơn mức lãi suất cho vay thông thường. Vấn đề lúc này là khả năng tiếp nhận và hấp thụ vốn tín dụng của các DN nhỏ và vừa vẫn chưa hết khó khăn. Bởi, thực tế các ngân hàng có thể tinh giản trong thủ tục, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, giải ngân... nhưng rõ ràng họ không thể nới lỏng các điều kiện và tiêu chuẩn về tín dụng cho DN. Điều này cũng cần sự cảm thông chia sẻ từ phía cộng đồng DN vì một mặt đó là quy định, mặt khác để tránh rủi ro cho các tổ chức tín dụng và cũng chính là cho DN.

Tất nhiên về phía hệ thống ngân hàng, vẫn có thể nỗ lực hơn nữa để giúp DN tiếp cận vốn. Như ông Vũ Thanh Sơn - Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đề xuất: Để hỗ trợ tốt hơn nữa cho các DN trong năm nay thì NHNN có thể xem xét tiếp tục tái cơ cấu nợ cho các DN để có điều kiện, có thời gian sản xuất kinh doanh ổn định và trả được nợ. Các tổ chức tín dụng cũng đang nỗ lực tiết giảm chi phí và quản lý để làm sao chênh lệch giữa lãi suất đầu vào và đầu ra ở mức hợp lý nhất.

Theo đó, những DN tốt cũng sẽ là những DN đầu tiên sẽ được các ngân hàng ưu tiên cho vay với lãi suất tốt nhất có thể. Tuy nhiên về phía mình, các DN cũng cần nỗ lực hơn nữa trong xây dựng kế hoạch, phương án kinh doanh khả thi, hiệu quả và chú trọng nâng cao uy tín của DN mình để tiếp cận vốn dễ dàng hơn.