Ngân hàng lớn chạy đua thâu tóm công ty tài chính
(Tài chính) Ngoài HDBank hay VPBank đã mua lại công ty tài chính (CTTC) và chuyển đổi mô hình hoạt động, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đã chấp thuận về chủ trương việc Maritime Bank mua lại CTTC cổ phần Dệt may.
Đồng thời, (Ngân hàng Nhà nước) NHNN đã xử lý đề nghị CTTC cổ phần Vinaconex - Viettel sáp nhập vào SHB và đề nghị của Techcombank mua lại CTTC Hóa Chất. Sắp tới đây, sẽ có một vài ngân hàng mua lại hoặc cho ra đời CTTC, nếu Dự thảo Thông tư quy định về hoạt động tín dụng tiêu dùng của CTTC sớm được ban hành.
Về kế hoạch của VPBank, lãnh đạo nhà băng này cho biết, Ngân hàng đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục liên quan và đệ trình lên NHNN triển khai công ty tài chính mới – chuyển đôi từ mô hình CTTC Vinacomin sau khi được Ngân hàng mua lại thời gian qua và dự kiến sẽ ra mắt thị trường trước cuối năm nay. Trên thực tế, 4 năm qua, dù chưa có CTTC, nhưng VPBank đã thành lập một Khối tín dụng tiêu dùng cá nhân, với thương hiệu FE Credit để đẩy mạnh hoạt động tín dụng tiêu dùng.
Giám đốc Khối Tín dụng tiêu dùng (FE Credit), kiêm Giám đốc Khối khách hàng cá nhân của VPBank, ông Kalidas Ghose, cho biết, dù tài chính tiêu dùng là một ngành kinh doanh phức tạp với những đặc thù riêng, sức cạnh tranh trong ngành này vẫn đang gia tăng mạnh mẽ do mức độ hấp dẫn và tiềm năng to lớn của nó tại thị trường Việt Nam cũng như trên thế giới. Để thành công, vấn đề đặt ra là liệu ngân hàng có thể tập trung vào những yếu tố then chốt của ngành như: con người, công nghệ, quản trị rủi ro… hay không?
“Nếu không có sự đầu tư nghiêm túc vào những yếu tố trên, họ có thể gặp những thách thức lớn trong ngành tài chính tiêu dùng. Cá nhân tôi đã chứng kiến một số ngân hàng thành công trong lĩnh vực này, cũng như một số ngân hàng khác đối diện với những thách thức không nhỏ.
Vì vậy, cần phải đảm bảo rằng, ngân hàng có đủ khả năng chuyên môn để hoạt động tốt trong ngành tín dụng tiêu dùng và có sự chú trọng cần thiết đến những yếu tố trên”, ông Kalidas nói và cho rằng, tuy cạnh tranh trong ngành tín dụng tiêu dùng ngày càng khốc liệt hơn do có nhiều đối thủ cạnh tranh trên thị trường, nhưng tiềm năng của mảng tín dụng này còn khá lớn ở một thị trường mới nổi như Việt Nam.
Điều này đã được chứng minh qua kết quả kinh doanh của một số CTTC trong năm vừa rồi. Home Credit là một điển hình khi đạt trên 700 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Hay chỉ sau một thời gian chuyển đổi thành CTTC trực thuộc, HDFinance đã đóng góp gần 80 tỷ đồng lợi nhuận cho HDBank trong năm qua.
Đáng chú ý, với FE Credit của VPBank, chỉ được thành lập cách đây 4 năm, nhưng hiện tỷ lệ tăng trưởng khách hàng của FE Credit cao hơn nhiều so với tỷ lệ tăng trưởng khách hàng trung bình 20% - 30% của thị trường và là một trong những đơn vị có mức tăng trưởng cao nhất của VPBank.
“Trong thời gian qua, mỗi tháng chúng tôi thu hút trên 70.000 khách hàng. Riêng năm nay, chúng tôi đặt ra kế hoạch tăng trưởng số lượng khách hàng cao hơn và phấn đấu vượt 20% chỉ tiêu đề ra về số lượng khách hàng và danh mục cho vay. Đến cuối năm 2014, chúng tôi kỳ vọng đạt kết quả cao hơn từ 140% - 150% so với cuối năm ngoái”, ông Kalidas Ghose cho biết thêm.
Ông Trịnh Minh Thảo, Giám đốc Khối dịch vụ ngân hàng và tài chính cá nhân miền Nam của Techcombank cho biết, những năm gần đây, định hướng bán lẻ trở thành chiến lược cốt lõi của hầu hết NHTM. Nhưng theo ông Thảo, để triển khai thực hiện các mục tiêu của ngân hàng bán lẻ, ngoài việc tập trung đầu tư nền tảng công nghệ, đẩy mạnh mở rộng mạng lưới và đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nhiều phân khúc khách hàng thì yêu cầu hoàn thiện mô hình phân phối và tối đa hóa năng lực bán hàng càng trở nên quan trọng.
Đánh giá được đưa ra từ một chuyên gia tài chính nước ngoài, Việt Nam là một trong những quốc gia có ngành tài chính tiêu dùng giàu tiềm năng nhất trong khu vực cũng như trên thế giới.
Thứ nhất, Việt Nam xếp thứ 14 trong các nước đông dân nhất thế giới với quy mô dân số khoảng 90 triệu người và có tỉ lệ dân số trẻ khá cao.
Thứ hai, Việt Nam là quốc gia đang phát triển với nền kinh tế năng động và thu nhập của người dân tăng trưởng theo mỗi năm. Với một dân số trẻ, đông và thu nhập không ngừng tăng lên, nhu cầu mua sắm để cải thiện cuộc sống của người dân sẽ tăng lên. Thực tế, trong vòng 5 - 6 năm qua, ngày càng có nhiều CTTC gia nhập thị trường tài chính và đẩy mạnh cho vay tiêu dùng tại Việt Nam.
Một số ngân hàng cũng đã và đang bắt đầu mua lại các CTTC đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, thực hiện tham vọng trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu. Tuy nhiên, các ngân hàng quy mô nhỏ vẫn có khó khăn, hạn chế, nhất là khi Thông tư quy định về hoạt động tín dụng tiêu dùng của CTTC được ban hành.
Theo dự thảo thông tư này, để thành lập mới hoặc mua lại một CTTC, ngân hàng phải có số vốn tối thiểu vài trăm tỷ đồng. Trong khi, các nhà băng này đang giai đoạn tập trung nguồn lực để đẩy mạnh tái cấu trúc, xử lý nợ xấu. Vì thế, phần đông ngân hàng nhỏ không hào hứng với việc mua lại hoặc thành lập CTTC mới.