Ngân hàng Mỹ: hiểm họa từ nợ ngắn hạn

Theo CafeF

Các tổ chức vẫn mua nợ của các ngân hàng đã biến mất trong khi hơn 400 tỷ USD nợ sẽ đáo hạn trong 2 năm tới. Các ngân hàng Mỹ sẽ mất rất nhiều tài sản.

Tuần trước, 10 ngân hàng rời khỏi chương trình TARP, hoàn lại số tiền họ nhận từ người nộp thuế mùa thu năm ngoái. Nhiều nhà đầu tư đã mệt mỏi vì những gói cứu trợ và người nộp thuế đón nhận điều này như một dấu hiệu cho thấy sự can thiệp của chính phủ vào khu vực tài chính có thể cuối cùng cũng ít dần.

Vượt qua bãi lầy tín dụng này là cả một chặng đường vất vả, và có thể hiểu được sự háo hức của nhà đầu tư khi nghĩ mình đã lết được đến chỗ khô ráo hơn. Dù vậy, nợ xấu chồng chất của người tiêu dùng và các công ty trong những năm trở lại đây vẫn chưa được loại bỏ hoàn toàn, kể cả với sự trợ giúp từ chương trình TARP. Nợ trên bảng kết toán tài sản của các công ty tài chính phải co lại rất nhiều trước khi chúng ta có thể thoát khỏi chương đen tối này trong lịch sử tài chính.

Để hiểu được còn bao nhiêu công việc còn phải làm, hãy chú ý đến số nợ ngắn hạn khổng lồ của các công ty tài chính sẽ đáo hạn trong 1-2 năm tới. Khi đã đọc xong những số liệu đó, nhớ rằng nhiều tổ chức mua các khoản nợ này đã không còn nữa – hoặc đã rời thị trường, hoặc đã đổ vỡ - những nạn nhân của cuộc khủng hoảng.

Kết quả là, họ không còn để mà mua thêm nợ nữa. Vì thế người phát hành chẳng thể gia hạn thanh toán được. Họ sẽ buộc phải mua lại số nợ, đúng lúc họ thiếu thanh khoản vì đã ngập trong các hình thức nợ phiền hà khác.

Barclays Capital phân tích nợ công ty tài chính trong các định chế tại Mỹ sẽ đáo hạn trong thập kỷ tới. Ví dụ như từ nay tới cuối năm, gần 172 tỷ USD nợ sẽ đáo hạn; năm 2010 là thêm 245 tỷ USD nữa. Con số này tương đương với 25 tỷ USD nợ được bơm vào thị trường mỗi tháng mà lại thiếu người muốn đầu tư vào chúng.

Kích thước và bản chất của khoản nợ dịch vụ tài chính này – và những người đã mua chúng – là trung tâm của cơn điên tín dụng khổng lồ chúng ta vừa mới trải qua. Ngân hàng và các công ty tài chính khác phát hành nợ với thời hạn tương đối ngắn – 5 năm hay ít hơn – và trả cho nhà đầu tư với lãi suất thả nổi hay cố định.

Phát hành nợ tài chính bùng nổ vào giữa những năm 2000. Trở lại năm 1999, các giấy tờ có giá do các công ty tài chính Mỹ phát hành chiếm 30% chỉ số nợ công ty với lãi suất thả nổi hoặc cố định của Barclays. Cho đến năm 2007, loại hình nợ này đóng góp tới một nửa chỉ số.

Barclays nói, trong số 172 tỷ USD nợ đáo hạn từ nay tới cuối năm, có 123 tỷ USD là nợ lãi suất thả nổi. Và trong 245 tỷ USD đáo hạn nợ năm sau, khoảng 114 tỷ USD trả lãi thả nổi.

Đa phần nợ là trái khoán lãi suất thả nổi. Trước khủng hoảng, những trái khoán này được vét sạch bởi một nhóm nhà quản lý quỹ tương đối mới điều hành các tổ chức đầu tư đặc biệt, hay SIV.

S.I.V. huy động vốn từ nhà đầu tư bằng cách bán thương phiếu; sau đó họ mua lại các khoản vay cầm cố của bất động sản dân dụng hoặc thương mại, hưởng chênh lệch giữa giá vốn (khoản họ trả cho nhà đầu tư sở hữu thương phiếu) và lãi suất họ nhận được (trên khoản vay cầm cố họ đã mua).

Các SIV còn mua cả nợ của ngân hàng do nhận thấy độ an toàn và lãi suất tương đối cao. Barclays ước tính 40% tài sản các tổ chức này nắm giữ là nợ có lãi suất thả nổi do ngân hàng Mỹ phát hành.

Các tổ chức đầu tư đặc biệt này bắt đầu được ưa chuộng từ năm 2004; tháng 1 năm đó, tài sản của họ vào khoảng 125 tỷ USD. Tuy vậy, cho đến năm 2007, họ đã nắm tới 400 tỷ USD. Các ngân hàng vui vẻ bán nợ cho các tổ chức này, nhưng liên minh tan vỡ vào tháng 9/2007, khi khủng hoảng tín dụng nổ ra.

Và hiện giờ, không còn mấy ai mua nợ ngắn hạn của ngân hàng.

Ví dụ như các tổ chức kinh doanh bằng cách cho vay chứng khoán của chính mình hay của khách hàng, họ lấy khoản tiền mặt đó và đầu tư vào trái khoán ngân hàng ngắn hạn. Họ hưởng chênh lệch giữa giá vốn và lãi suất khoản nợ họ đã mua.

Tuy vậy, giờ đây nhiều tổ chức như thế đã hạn chế cho vay chứng khoán.

Kết quả là sự mất cân đối cung cầu khiến các tổ chức có nợ đang đáo hạn phải thu hẹp bảng kết toán tài sản. Một số tổ chức có thể làm được, nhưng với số khác sẽ rất khó khăn.

Làn sóng nợ ngân hàng đáo hạn có thể gây ra nhiều vấn đề nếu các chương trình hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tài chính không còn. Một ví dụ là Chương trình bảo đảm thanh khoản tạm thời của Tập đoàn bảo hiểm tiền gửi liên bang; cơ quan này bảo lãnh cho ngân hàng phát hành nợ rồi thu lại một số phí.

F.D.I.C. nói sẽ ngừng chương trình này vào cuối tháng 10.

“Sẽ thực sự là nguy cơ nếu các nhà hoạch định chính sách ngồi xuống và nói, “Mọi thứ đều tốt; chúng ta không cần làm thế nữa,” ông Shah, đồng trưởng bộ phận chiến lược tín dụng tại Barclays nói.

Các nhà hoạch định chính sách đứng trước một quyết định khá khó khăn. Một mặt, họ muốn giúp các tổ chức tài chính vượt qua giai đoạn khó khăn. Nhưng họ cũng có nghĩa vụ với người nộp thuế phải sớm ngừng việc hỗ trợ ngân hàng.

Vẫn chưa rõ họ sẽ chọn cách nào. Nếu nền kinh tế phục hồi tốt, bảng kết toán tài sản ngân hàng năm sau sẽ tốt hơn bây giờ. Nhưng kể cả khi nhiều ngân hàng đã huy động vốn thành công, vẫn chưa hết lo ngại họ lấy đâu ra tiền mà trả nợ.

Vẫn chưa phải lúc ăn mừng đã thoát khỏi khủng hoảng ngân hàng. Giảm nợ, đúng, nhưng nếu bảng cân đối tài sản giảm cũng chẳng mấy dễ chịu.