Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam: Thời cơ bứt phá và bài toán đầu tư xanh
Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ với tiềm năng tăng trưởng lớn, nhất là trong lĩnh vực công nghệ xanh và đổi mới sáng tạo bền vững.

Việt Nam không thiếu nhân tài trong “cuộc đua” khởi nghiệp sáng tạo
Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam đã vươn lên nhóm dẫn đầu khu vực ASEAN nhờ sở hữu nhiều lợi thế nổi bật. Theo ông Hoàng Đức Trung - Giám đốc điều hành Quỹ VinaCapital Ventures của Tập đoàn VinaCapital, nền tảng nhân lực công nghệ, thị trường tiêu dùng lớn và sự hỗ trợ chính sách ngày càng rõ nét là những yếu tố làm nên sức hút của Việt Nam trong mắt nhà đầu tư mạo hiểm.
Hiện cả nước có hơn một triệu kỹ sư công nghệ thông tin - lực lượng tạo đòn bẩy cho các doanh nghiệp công nghệ vươn lên. Cùng với đó là dân số gần 100 triệu người, chủ yếu là thế hệ trẻ am hiểu công nghệ, thúc đẩy mạnh mẽ các lĩnh vực như fintech, thương mại điện tử và giải trí số.
Tinh thần khởi nghiệp của giới trẻ cũng là điểm sáng lớn. Các startup Việt đang được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ, trong đó có Nghị quyết số 57-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW, tạo điều kiện thử nghiệm công nghệ và mô hình kinh doanh mới qua sandbox.
Việt Nam còn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư quốc tế nhờ vào tăng trưởng kinh tế ổn định, vị trí chiến lược trong khu vực và khả năng hấp thụ công nghệ tốt. Những yếu tố này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi để các startup hợp tác quốc tế mà còn giúp mở rộng thị trường và tiếp cận nguồn vốn hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, theo ông Trung, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam cũng tồn tại một số điểm yếu cần khắc phục để tăng sức hấp dẫn đầu tư. Nhiều doanh nghiệp xây dựng mô hình kinh doanh chưa đủ quy mô hoặc không thực sự giải quyết bài toán thị trường lớn, dẫn đến tiềm năng tăng trưởng hạn chế.
Một vấn đề nữa là đội ngũ sáng lập thường thiếu sự kết hợp đa chuyên môn - yếu tố sống còn để doanh nghiệp phát triển bền vững. Ngoài ra, việc phân tán nguồn lực vào quá nhiều sản phẩm khiến nhiều startup không tập trung, giảm hiệu quả vận hành. Không ít doanh nghiệp lập kế hoạch tài chính còn thiếu thực tế, thiếu lộ trình vốn rõ ràng và khả năng đạt mốc tăng trưởng.
Theo quan điểm của ông Trung, để gọi vốn thành công, các startup cần chứng minh được sản phẩm phù hợp thị trường, có tính thương mại hóa cao và mang lại giá trị thực tiễn. Những chỉ số kinh doanh như doanh thu, lợi nhuận hay số lượng khách hàng trả tiền là minh chứng cụ thể cho tiềm năng tăng trưởng. Cùng với đó, đội ngũ sáng lập có kinh nghiệm, năng lực triển khai là điểm cộng lớn với nhà đầu tư.
Khởi nghiệp xanh - Xu hướng mới, cơ hội lớn
Trong bối cảnh toàn cầu đẩy mạnh chuyển đổi xanh và phát triển bền vững, ông Hoàng Đức Trung nhận định khởi nghiệp xanh tại Việt Nam đang mở ra cơ hội lớn. Những doanh nghiệp công nghệ giải quyết bài toán môi trường, xã hội và quản trị (ESG) đang ngày càng được ưu tiên đầu tư.
VinaCapital Ventures hiện đã đồng hành cùng nhiều startup ứng dụng công nghệ giúp khách hàng giảm phát thải CO₂, tối ưu vận hành trong lĩnh vực logistics, vận tải và nông nghiệp. Ông Trung cho rằng, với cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam đang trở thành mảnh đất lý tưởng cho các sáng kiến công nghệ xanh.
Hiện các nhà đầu tư đang đặc biệt quan tâm tới những lĩnh vực như năng lượng tái tạo, thực phẩm thay thế (alternative meat), logistics xanh, công nghệ xử lý rác thải, nông nghiệp bền vững và công nghệ pin sạch. Đặc biệt, thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam - dù còn ở giai đoạn sơ khai - đã được đánh giá là đầy tiềm năng. Việc VinaCapital thành lập quỹ VinaCarbon là bước đi chiến lược nhằm đón đầu xu hướng này.
Để thúc đẩy làn sóng đầu tư vào khởi nghiệp sáng tạo nói chung và startup xanh nói riêng, ông Trung đề xuất một số chính sách then chốt. Trước tiên là đẩy mạnh đầu tư hạ tầng - từ giao thông đến logistics - để giảm chi phí vận hành và mở rộng thị trường. Tiếp đến là xây dựng khung pháp lý rõ ràng, có tính hỗ trợ cho startup và các quỹ đầu tư mạo hiểm, bao gồm chính sách miễn giảm thuế, đơn giản hóa thủ tục, mở rộng mô hình sandbox.
Ngoài ra, Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn cho giáo dục và nghiên cứu công nghệ nhằm xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Cùng với đó là vai trò của các doanh nghiệp đầu ngành, cần chủ động đầu tư, hỗ trợ startup từ giai đoạn ý tưởng đến thương mại hóa, từ tài chính đến kinh nghiệm.
Cuối cùng, ông Trung nhấn mạnh tầm quan trọng của thị trường vốn riêng cho startup công nghệ - như một sàn giao dịch chuyên biệt. Đồng thời, cần thành lập các quỹ đầu tư công nghệ cấp quốc gia và địa phương để cung cấp nguồn vốn bền vững, góp phần xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển mạnh mẽ, hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững.