Ngân hàng nào sẽ lọt vào “mắt xanh” của SCIC?

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sẽ tham gia mua lại các khoản đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, trong đó có các khoản đầu tư vào ngân hàng, song không phải trường hợp nào cũng được SCIC chấp nhận.

Ngân hàng nào sẽ lọt vào “mắt xanh” của SCIC?
SCIC sẽ tham gia mua lại các khoản đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, trong đó có các khoản đầu tư vào ngân hàng. Nguồn: internet

Quyền của người mua

Theo tìm hiểu, các khoản đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty (TCT) vào ngành ngân hàng ước khoảng 11.000 tỷ đồng giá vốn. SCIC sẽ xem xét mua lại cổ phiếu thoái vốn ở từng ngân hàng dựa trên đặc điểm của mỗi ngân hàng. Song có một điều kiện là với những khoản đầu tư này, nếu giá cổ phiếu xuống dưới mệnh giá, các tập đoàn, TCT phải trích lập dự phòng giảm giá trước đó. SCIC sẽ mua với giá thị trường ở thời điểm giao dịch.

Đơn cử, nếu khoản đầu tư của VNPT vào MaritimeBank là 1.000 tỷ đồng giá vốn, giá cổ phiếu này trên thị trường hiện vào khoảng 7.000 - 8.000 đồng/CP, VNPT phải có khoản tiền 200 tỷ đồng để trích lập dự phòng và SCIC sẽ mua theo thị giá thị trường, tối đa là 800 tỷ đồng cho khoản đầu tư đó.

Như vậy, xét theo tiêu chí trên, sẽ khó có nhiều khoản đầu tư vào ngân hàng lọt vào tầm ngắm của SCIC, bởi phần lớn khoản đầu tư ngoài ngành của doanh nghiệp nhà nước được đổ vào các ngân hàng chưa niêm yết (OTC). Quy định kế toán hiện nay lại không bắt buộc các tập đoàn, TCT trích lập dự phòng đầu tư tài chính các khoản đầu tư OTC và không có quy định về việc xác định thị giá của cổ phiếu này. Bên cạnh đó, các tập đoàn, TCT chưa phải công bố báo cáo tài chính hàng năm, do vậy công chúng không thể giám sát được việc họ có hay không trích lập dự phòng.

Trong báo cáo về tình hình hoạt động kinh doanh của khối doanh nghiệp này do Ban Đổi mới doanh nghiệp Trung ương và Bộ Tài chính thực hiện, công bố ngày 18/2 tại cuộc gặp của Thủ tướng Chính phủ với lãnh đạo các tập đoàn, TCT, không đề cập đến việc những khoản đầu tư trên có được trích lập dự phòng hay chưa.

Một chuyên gia của Cục Tài chính doanh nghiệp cho rằng, nếu phải trích lập dự phòng cho các khoản đầu tư ấy (ngoài ngành), thì có TCT đang lãi thành lỗ. Tuy nhiên, những “đại gia” giàu có như Tập đoàn Dầu khí (PVN) không có gì khó khăn trong việc trích dự phòng cho 2 khoản đầu tư vào OceanBank và PvcomBank, dù số tiền lên tới cả ngàn tỷ đồng. Bởi vậy, rất có thể đây là 2 ngân hàng có khả năng lọt vào “tầm ngắm” của SCIC và được PVN bán vốn cho SCIC.

Chọn hàng

Bên cạnh cổ phiếu ngân hàng, theo đề nghị của một số bộ, ngành như Giao thông Vận tải, SCIC đang thực hiện tiếp nhận khoản vốn đầu tư của Nhà nước vào các doanh nghiệp thuộc ngành này. SCIC tham gia nghiên cứu 69 doanh nghiệp thuộc “họ” Vinashin và một số TCT thuộc Bộ Giao thông Vận tải.

Điều kiện ban đầu để nhà đầu tư này xem xét việc tiếp nhận vốn là những doanh nghiệp có 3% vốn nhà nước trở lên, có báo cáo tài chính được kiểm toán, công nợ rõ ràng. SCIC đã tiếp nhận 3 đơn vị đầu tiên, hiện đang rà soát 39 doanh nghiệp khác.

Có thể thấy, khuyến nghị của giới chuyên gia kinh tế về việc nên xem xét chuyển các gói đầu tư ngoài ngành của các doanh nghiệp nhà nước về để SCIC xử lý đã được thực hiện một phần.

Vấn đề hiện nay là để hạn chế mức thấp nhất sự thua thiệt cho quyền lợi của Nhà nước, Chính phủ cần yêu cầu các tập đoàn, TCT thực hiện nghiêm việc trích lập dự phòng cho các khoản đầu tư ngoài ngành.

Giới chuyên gia như các ông Nguyễn Đình Cung, Nguyễn Đức Kiên cho rằng, các tập đoàn, TCT phải chấp nhận có kết quả kinh doanh âm (sau trích lập) để hoàn tất các việc thoái vốn khỏi các khoản đầu tư ngoài ngành và tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính.

Đây là công việc khó khăn, vì sẽ ảnh hưởng đến lương, thưởng và nhiều chỉ tiêu khác của doanh nghiệp nhà nước, nhưng sẽ giúp giải quyết dứt điểm những khoản đầu tư trên và kết thúc được những hậu quả do việc đầu tư ngoài ngành tràn lan một thời gây nên.

Thông điệp về việc các tập đoàn, TCT phải dứt điểm xử lý các khoản đầu tư ngoài ngành chậm nhất đến năm 2015 một lần nữa được nhấn mạnh tại cuộc gặp của người đứng đầu Chính phủ với lãnh đạo các “quả đấm thép” đầu năm 2014 này cho thấy quyết tâm của cơ quan quản lý trong việc thúc đẩy lãnh đạo các doanh nghiệp mạnh tay thoái vốn.

Giới chuyên gia bình luận, điều này hoàn toàn có thể thực hiện được nếu Chính phủ và các bộ quản lý một mặt chỉ đạo rốt ráo, một mặt quy hẳn trách nhiệm cho lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước nếu chậm thoái vốn ngoài ngành dẫn đến tiếp tục thua lỗ ở các khoản đầu tư này.