Ngân hàng Nhà nước "bác" thông tin đã cấp phép sàn giao dịch tiền ảo

Theo Dương Ngọc/nld.com.vn

Ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định, thông tin có sàn giao dịch tiền ảo được Nhà nước cấp phép là không chính xác.

Chưa cấp phép sàn giao dịch tiền mã hóa. Nguồn: Internet
Chưa cấp phép sàn giao dịch tiền mã hóa. Nguồn: Internet

Tại cuộc họp báo về điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng quý I/2019 diễn ra sáng ngày 1/4, ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), đã trả lời câu hỏi về tình hình phát triển thanh toán điện tử.

Chưa cấp phép sàn giao dịch tiền mã hóa

Về việc cấp phép cho các sàn giao dịch tiền mã hóa, ông Nghiêm Thanh Sơn khẳng định đến nay NHNN không cấp phép cho sàn giao dịch  tiền ảo hay tiền mã hóa nào. Theo quy định, NHNN không có thẩm quyền cấp phép cho hoạt động của các sàn giao dịch tiền mã hóa. Năm 2017, Thủ tướng có quyết định, trong đó giao NHNN nghiên cứu và triển khai xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tiền điện tử. Còn tiền ảo, tiền mã hóa, Thủ tướng giao Bộ Tư pháp xây dựng đề án và tham mưu cho Chính phủ trong vấn đề hoàn thiện khung khổ pháp lý trong vấn đề này.

Được biết, Bộ Tư pháp đã hoàn thành đề án, trình Chính phủ. Chính phủ đã giao cho một số bộ, ngành liên quan, trong đó có Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và NHNN, tiếp tục nghiên cứu để sớm có khuôn khổ pháp lý chính thức cho hoạt động của các sàn giao dịch tiền ảo, tiền mã hóa. Thông tin có sàn giao dịch tiền ảo được Nhà nước cấp phép là không chính xác.

Đã có 4,24 triệu ví điện tử hoạt động

Ông Sơn cho biết đến nay, NHNN đã cấp phép cho 29 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó có 26 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử.

Do số liệu quý I/2019 đến giữa tháng 4 mới cập nhật vào hệ thống nên ông Sơn cung cấp số liệu của năm 2018. Đến ngày 31/12/2018, các tổ chức trung gian thanh toán (ở đây là 26 tổ chức) đã cung ứng 4,24 triệu ví điện tử (đã được xác thực, có liên sự kết với tài khoản ngân hàng) trên tổng số 9 triệu ví đã đăng ký (cả những app trên điện thoại di động).

Đến nay, cả nước có 10.000 đơn vị chấp nhận thanh toán ví điện tử. Trong năm 2018, hệ thống các công ty trung gian thanh toán này đã xử lý 214 triệu giao dịch, tăng 14,66% so với năm 2017 với giá trị đạt 91 ngàn tỉ đồng, giảm 4,5% so với năm 2017.

Định hướng quản lý của NHNN đối với chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chíp, ông cho biết NHNN đã đề ra một lộ trình rất cụ thể trong 3 năm 2019, 2020, 2021 với việc chuyển đổi sang thẻ chip nội địa của các ngân hàng. Cụ thể, đến 31/12/2019, có ít nhất 30% số thẻ nội địa được các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hành phải chuyển đổi sang thẻ chip. Đến 31/12/2020, 100% máy ATM và KOS và 60% thẻ phát hành phải chuyển đổi sang thẻ chip và mốc cuối cùng 31/12/2021, 100% thẻ chip được phát hành bởi các ngân hàng cũng như các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.

Đối với QR code, tiêu chuẩn đặc tả kỹ thuật hiện nay đã được triển khai trên cơ sở thí điểm. Đến nay, có 16 ngân hàng triển khai cung ứng dịch vụ QR code với 30.000 điểm chấp nhận QR code.

Thanh toán điện tử trong thời gian qua cũng phát triển mạnh. Chỉ riêng năm 2018, toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý thông suốt 73 triệu tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2017, trung bình mỗi ngày xử lý được khoảng 300.000 tỷ đồng.