Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét giảm lãi suất hỗ trợ chi phí nguồn
Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong điều kiện cần thiết sẽ giảm lãi suất tái cấp vốn giúp các ngân hàng giảm chi phí để có thể cho vay với lãi suất ưu đãi.
Dưới tác động của đại dịch Covid-19, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống từ đầu năm tới nay đang ở mức khá thấp do doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn, ít có nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh.
Cập nhật tại cuộc họp báo về kết quả hoạt động ngân hàng quý III/2020 sáng 22/9, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến ngày 16/9/2020, tín dụng toàn hệ thống mới chỉ tăng 4,81% so với cuối năm 2019, tương đương chỉ hơn 1/2 mức tăng trưởng cùng kỳ năm trước (8,64%).
Về việc tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, lãnh đạo NHNN khẳng định, toàn ngành rất mong muốn và sẽ cố gắng tiếp tục giảm lãi suất cho vay.
“Trong công tác điều hành, NHNN sẽ điều hành thanh khoản để tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD giảm lãi suất, trong điều kiện cần thiết sẽ giảm lãi suất tái cấp vốn giúp các ngân hàng giảm chi phí để có thể cho vay với lãi suất ưu đãi”, Phó Thống đốc khẳng định.
Phó Thống đốc cũng cho biết, NHNN sẽ cân nhắc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, tạo điều kiện cho các TCTD có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, chú trọng vào các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các dự án hiệu quả, có khả năng phục hồi sau dịch.
Dù vậy, lãnh đạo NHNN cũng khẳng định sẽ không hạ chuẩn cho vay nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn tín dụng, duy trì hoạt động lành mạnh của hệ thống ngân hàng.
Bên cạnh đó, tín dụng chảy vào các lĩnh vực có rủi ro cao như bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp hay tín dụng tiêu dùng cũng sẽ được kiểm soát chặt chẽ.
Sẽ xem xét sửa điều kiện cho vay gói 16.000 tỷ đồng
Liên quan đến gói hỗ trợ vay vốn 16.000 tỷ đồng với lãi suất 0%, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - NHNN cho biết, cho tới nay mới chỉ có một doanh nghiệp đủ điều kiện vay. Tuy nhiên, do doanh nghiệp này đã tự cân đối nguồn trả lương cho người lao động nên đã không vay gói này.
Theo đó, gói 16.000 tỷ này đến nay vẫn chưa được giải ngân cho doanh nghiệp nào.
Theo phản ánh, không phải do doanh nghiệp không có nhu cầu mà do điều kiện giải ngân quá khắt khe khiến doanh nghiệp rất khó có thể tiếp cận nguồn vốn này.
Theo đó, lãnh đạo NHNN cho biết, hiện nay, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang được giao đầu mối trình Chính phủ xem xét sửa một số điều kiện tại Nghị quyết 42 để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn.